Vì sao bánh tráng trộn ở Sài Gòn lại “sống lâu” đến thế?


Vì sao bánh tráng trộn ở Sài Gòn lại "sống lâu" đến thế? 5

Có lẽ không ai ở Sài Gòn là không biết đến món bánh tráng trộn với hương vị độc đáo này. Hiện tại bánh tráng trộn đã được xem như là một nét văn hóa ẩm thực vì không như những món ăn khác chỉ theo trào lưu sớm nở chóng tàn.

Bánh tráng trộn ra đời và “biến hóa” như thế nào?

Sài Gòn là nơi khởi nguồn cho những trào lưu ăn vặt lề đường “gây sốt” của giới trẻ trong thời gian qua, từ những quán chè khúc bạch, trà sữa, trái cây xô, cho đến bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, xoài lắc, bánh mì nướng muối ớt,… đều nở rộ nhưng nhiều món có “tuổi thọ” rất ngắn do thực khách chỉ ăn theo trào lưu.

Cùng với bánh tráng nướng, bánh mì nướng muối ớt, có thể nói bánh tráng trộn cũng là một món ăn vặt mang phong cách chế biến, giá thành tương tự như 2 món kia nhưng điều đặc biệt là bánh tráng trộn chưa bao giờ trở nên bão hòa ở Sài Gòn. Thậm chí qua nhiều lần “biến tấu”, qua những gia vị ngày càng đa dạng, bánh tráng trộn còn thu hút được nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Người ta cũng đưa ra nhiều lý do để nói về những món ăn từng “làm mưa làm gió” một thời rồi nhanh chóng lụi tàn nhưng chưa thể giải thích vì sao món bánh tráng trộn vẫn trường tồn mãi như vậy.

Những xe hàng rong treo đầy bánh tráng trộn bán giá sỉ và lẻ ở khu vực chợ Bình Tây.

Những xe hàng rong treo đầy bánh tráng trộn bán giá sỉ và lẻ ở khu vực chợ Bình Tây.

Được biết bánh tráng trộn ra đời ở Sài Gòn từ khoảng những năm 2005 – 2007 và nhanh chóng trở thành món ăn quen thuộc trong giới học đường. Trước đó, học sinh chỉ thường ăn bánh tráng tương ớt, bánh tráng me… được bán ở các căn-tin trường học. Bắt đầu từ năm 2007, nhiều người nghĩ ra cách làm một món bánh tráng mới mang tên: bánh tráng trộn. Không bán theo từng bịch, người ta nhập sỉ bánh tráng về, mua riêng lẻ từng hộp gia vị là muối ớt, tôm khô, khô bò, rau răm, trứng cút… và trộn tất cả những thứ đấy với bánh tráng để cho ra đời món bánh tráng trộn.

Chỉ là một món ăn vặt lề đường, nhưng bánh tráng trộn thu hút hầu như tất cả các thực khách không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Người ta ăn bánh tráng vào tất cả các thời điểm trong ngày, thậm chí còn thay cả bữa chính.

Vì sao bánh tráng trộn ở Sài Gòn lại "sống lâu" đến thế? 2

Xe hàng rong bánh tráng trộn của bác này đã hơn 5 năm nay nhưng lượng khách mua vẫn đều đều mỗi ngày.

Nói là trộn nhưng mỗi nơi lại trộn một kiểu, có nơi làm mặn, có nơi làm ngọt với nước khô bò chan đều trong bánh. Sau này, người ta còn “biến tấu” từ bánh tráng trộn sang bánh tráng lắc, bánh tráng cuốn và tất cả những món bánh tráng này vẫn “sốt xình xịch” bất kể thời điểm nào trong năm.

Dù liên tục những món ăn vặt mới lạ khác “lên ngôi” rồi lại bị “phế truất” không thương tiếc, thì bánh tráng trộn vẫn cứ như vậy, người bán và người mua vẫn tồn tại theo năm tháng, nhiều lứa học sinh lớn tồng ngồng, thậm chí lập gia đình, vẫn chiều chiều đứng chờ cạnh trường THPT Hoàng Hoa Thám ở Bình Thạnh để mua được bịch bánh tráng trộn ngon có tiếng ở đây.

Cũng có thể kể đến những nơi bán bánh tráng trộn nổi tiếng trường tồn cho đến hiện tại như phố bánh tráng trộn trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), xung quanh Hồ Con Rùa (quận 1), chợ Bình Tây (quận 6, thủ phủ của bánh tráng trộn).

Nhiều xe bánh tráng trộn là thu nhập chính cho cả một gia đình

Có thế thấy, mặc dù thị trường bánh tráng trộn nhộn nhịp, rất nhiều nơi bán nhưng người dân sinh sống ở Sài Gòn vẫn chưa hề giảm nhiệt với món ăn vặt này. Hàng ngày cứ đến tầm 4 giờ chiều, các con phố bánh tráng trộn lại nhộn nhịp khách mua bánh tráng. Tại phố bánh tráng trộn Nguyễn Thượng Hiền tuy không còn cảnh lấy số thứ tự chờ đến lượt mua nhưng thực khách vẫn khá đông, mua liên tục ở mọi thời điểm trong ngày. Người bán bánh tráng trộn cũng chọn nghề ngày này làm kế sinh nhai chính và trong nhiều năm liền vẫn ăn nên làm ra.

“Có thể ngày càng có nhiều món ăn vặt khác “gây sốt” nhưng tôi tin bánh tráng trộn vẫn là sự lựa chọn hàng đầu khi các món ăn đó đã bão hòa. Cả gia đình tôi buôn bán bánh tráng trộn từ khoảng 3 năm nay, mặc dù không cao như lúc đầu nhưng vẫn ổn định, có thể gắn bó với nghề này được. Chúng tôi cũng luôn đổi mới hương vị bánh tráng trộn để níu giữ thực khách”, một chủ quán bánh tráng trộn nằm trên phố Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ.

Vì sao bánh tráng trộn ở Sài Gòn lại "sống lâu" đến thế? 3

Anh chủ quán bánh tráng trộn trên đường Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ rằng bánh tráng trộn là món ăn vặt mà người Sài Gòn khó bỏ được dù không còn là trào lưu nữa.

Theo những người bán lâu năm, để cho bánh tráng trộn luôn thu hút thực khách khi chế biến món ăn đường phố này quan trọng nhất là khâu nêm gia vị. Bên cạnh đó cũng tùy vào gia vị của mỗi thực khách mà người bán điều chỉnh cho phù hơp. Nhiều quán thường có bí quyết nêm gia vị riêng, đây chính là điểm nhấn để hút người mua.

Vì sao bánh tráng trộn ở Sài Gòn lại "sống lâu" đến thế? 4

Bánh tráng trộn không chỉ dành cho học sinh, sinh viên như trước.

Là một người đam mê nghiên cứu các món ăn Việt, được cấp bằng Chuyên gia ẩm thực của Hiệp hội Đầu bếp châu Á, anh Võ Quốc – Chủ một nhà hàng ở Sài Gòn chia sẻ, mặc dù là món ăn đường phố nhưng bánh tráng trộn hội tụ khá đầy đủ về mùi vị cũng như chất dinh dưỡng, nên mới có thể thu hút mọi người trong nhiều năm qua.

“Thật ra bánh tráng trộn có nhiều vị trong đó như vừa có cay, chua, mặn. Đối với cay thì có 2 loại cay đó là cay trong lưỡi và cay ở môi của sa tế. Nói chung khi ăn bánh tráng trộn sẽ làm cho các giác quan của con người bị kích thích giúp chúng ta thèm hơn, ăn hoài không ngán”, anh Quốc chia sẻ.

Vì sao bánh tráng trộn ở Sài Gòn lại "sống lâu" đến thế? 5

Theo chuyên gia ẩm thực, bánh tráng trộn không lỗi thời vì hội tụ đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như mùi vị hấp dẫn kích thích người ta ăn mãi.

Cũng theo chuyên gia ẩm thực Võ Quốc, bánh tráng trộn hội tụ nhiều chất dinh dưỡng như đạm của khô bò và khô mực, tinh bột của bánh tráng,… “Nếu so với xoài lắc chỉ có xoài và muối thì bánh tráng ngon hơn. Bên cạnh đó, hiện tại món mì cay đang “gây sốt” cũng sẽ “lên đường” sớm vì phản khoa học do quá cay, rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn bánh tráng trộn nói chung mặc dù đủ chất dinh dưỡng nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì người bán cần đảm bảo để món ăn này được tồn lại lâu”, vị chuyên gia ẩm thực giải thích thêm.

Hiện tại, sau khi chế biến xong bánh tráng trộn được gói trong các bịch nilon kèm theo một đôi đũa tre. Hình thức đơn giản như vậy nhưng món ăn vẫn “gây nghiện” biết bao nhiêu người cho đến ngày hôm nay.

Theo Tứ Quý/Trí thức trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: