Báo động nạn vé tàu Tết giả


Những ngày vừa qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng loạt vé tàu Tết giả. Đáng nói, tất cả vé tàu giả bị phát hiện đều do người dân mua lại từ  các “cò” vé  bên ngoài “chợ đen”, sau đó nhờ ga Sài Gòn kiểm tra thì mới phát hiện mình mua nhầm vé giả. Ngành đường sắt cảnh báo hành khách không nên mua vé từ “cò” nhằm tránh vừa mất tiền vừa không được đi tàu.

Cảnh báo tình trạng website bán vé tàu Tết giả

Tại sao vé tàu khan hiếm nhưng “cò vé” vẫn bao sân?

Phát hiện “cò” vé bán hàng loạt vé tàu Tết giả

Càng gần đến Tết,  tình hình vé tàu đi lại càng khan hiếm. Hiện nay,  số lượng vé tàu (chiều TPHCM – Hà Nội)  đi vào giai đoạn trước Tết đối với những ngày cao điểm (23 đến 29 tháng chạp âm lịch) cơ bản đã được ngành đường sắt bán hết. Tuy vậy, bên ngoài đường Nguyễn Thông (cổng ga Sài Gòn), nhiều đối tượng “cò” vé vẫn hoạt động mời chào rôm rả và luôn khẳng định với hành khách là “vé đi tàu ngày nào cũng có” (!?).

Hành khách mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn.

Hành khách mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn.

Lý giải về việc này, ông Đỗ Quang Văn – GĐ Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho rằng, chủ yếu các đối tượng “cò” vé bên ngoài “chợ đen” bán vé giả, vé cạo sửa thông tin cho hành khách. Bởi năm nay, ngành đường sắt chủ yếu bán vé tàu Tết bằng hình thức đặt chỗ trên mạng và tất cả mọi người dân đều có thể lên mạng đặt chỗ. Do vậy, khi ngành đường sắt mở mạng bán vé cách đây khoảng hơn 2 tháng, không loại trừ khả năng các đối tượng “cò”  cũng lên mạng đặt chỗ bằng tên, số giấy tờ tùy thân của người thân rồi đem ra ngoài bán lại cho hành khách thu chênh lệch hàng trăm nghìn đồng/vé.

Theo quy định của ngành đường sắt,  trên vé tàu Tết có in tên và số giấy tờ tùy thân của khách đi tàu. Những trường hợp tên, số giấy tờ tùy thân của khách đi tàu không trùng khớp với thông tin in trên vé sẽ không được đi tàu. Do vậy, để thông tin (tên, số giấy tờ tùy thân) của khách mua vé đi tàu trùng khớp với  thông tin in trên vé, các đối tượng “cò” đã cạo sửa thông tin trên vé  đã mua trước đó rồi điền thông tin mới để bán cho hành khách. Không ít người sau khi mua vé từ “cò” nghi ngờ đã đến ga Sài Gòn nhờ kiểm tra thì phát hiện mình mua nhầm vé giả.

Ngày 11.12, chị Tr. T. K. O (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM) đến một điểm bán vé máy bay, tàu hỏa tại đường Nguyễn Phúc Nguyên, P.9, Q.3 để mua 2 vé tàu Tết từ Sài Gòn về Hà Nội vào ngày 23.1.2017,  với giá 1.795.000 triệu đồng, cộng thêm 200 nghìn đồng dịch vụ chênh lệch/mỗi vé. Vì nghi ngờ nên  chị K.O đã mang 2 vé này đến ga Sài Gòn nhờ kiểm tra thông tin trên hệ thống bán vé điện tử thì mới phát hiện vé mình mua không hợp lệ, tên và CMND không đúng  như chị đăng ký. Ga Sài Gòn đã chuyển giao vụ việc cho công an điều tra làm rõ.

Đây không phải là trường hợp hiếm.  Trước đó vào chiều 11.12,  một hành khách đến ga Sài Gòn nhờ kiểm tra 4 vé tàu (mẫu A4) chặng TPHCM đi Thừa Thiên Huế ngày 23 và 25.1.2017 đã mua thông qua “cò” trước đó. Kết quả kiểm tra, 4 vé tàu nêu trên không trùng khớp tên và giấy tờ thân của người đi tàu. Đến sáng 12.12, ga Sài Gòn tiếp tục phát hiện thêm 4 vé tàu giả được hành khách mang tới ga Sài Gòn nhờ kiểm tra.

Những vé này đều được in từ mẫu giấy A4 và nếu nhìn bằng mắt thường, các thông tin trên vé rất giống vé thật in từ hệ thống bán vé điện tử của ngành đường sắt. Song qua kiểm tra, đối chiếu trên hệ thống, ga Sài Gòn nhận thấy vé mua từ “cò” mà hành khách cung cấp có dấu hiệu cạo sửa tên và số giấy tờ tùy thân. Sự việc được cơ quan công an Q.3 vào cuộc điều tra và tạm giữ 3 nghi can về hành vi làm vé tàu giả, lừa bán cho hành khách. Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã dùng chứng minh nhân dân của người thân để đặt chỗ mua vé tàu hợp pháp, sau đó chỉnh sửa thông tin trên  vé tàu cho phù hợp với  thông tin của hành khách cần mua để hưởng lợi.

Hành khách đến ga Sài Gòn nhờ kiểm tra và phát hiện vé giả.

Hành khách đến ga Sài Gòn nhờ kiểm tra và phát hiện vé giả.

"Cò" vé tàu hoạt động trên đường Nguyễn Thông.

“Cò” vé tàu hoạt động trên đường Nguyễn Thông.

Còn hơn 100.000 vé tàu đi trước Tết

Ông Đỗ Quang Văn – GĐ Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cảnh báo, người dân không mua vé thông qua “cò” bên ngoài, các trang website không phải của ngành đường sắt, các đại lý trá hình. Hiện, có tình trạng một số website sử dụng tên miền giống website bán vé chính thức của ngành đường sắt để bán vé tàu với giá đắt gấp 2-3 lần vé thật.

Vì vậy, để mua vé thuận tiện, an toàn, người dân có thể  truy cập vào trang http://dsvn.vn để chọn đặt chỗ và thanh toán trực tuyến.  Trường hợp, hành khách không có tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến thì có thể giữ đặt chỗ, sau đó đến các cửa bán vé, đại lý của nhà ga hoặc chi nhánh của ngân hàng VIB để trả tiền và hoàn thành việc mua vé. Bên cạnh đó, người dân có thể tìm đến đại lý chính thức hay các cửa bán vé của nhà ga để mua vé trực tiếp. Danh sách những đại lý chính thức của nhà ga được đăng tải đầy đủ trên website của đường sắt Việt Nam.

Theo Cty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, tính đến ngày 20.12.2016, ngành đường sắt còn khoảng 263.216 chỗ tàu Tết. Trong đó, còn khoảng 116.000 vé chiều TPHCM đi tất cả các ga giai đoạn trước Tết (từ ngày 17 đến 26.1.2017, tức nhằm ngày 20 đến 29 tháng chạp âm lịch) và hơn 147.000 chỗ chiều Hà Nội đi các ga giai đoạn sau tết (từ ngày 31.01.2017 đến 12.02.2017, nhằm ngày 04 đến 16 tháng giêng âm lịch).

Trong số khoảng 116.000 vé tàu còn của giai đoạn trước Tết (bao gồm cả ghế chính và ghế phụ), chủ yếu là lượng vé có thời gian đi tàu rơi vào các ngày 17, 18, 19.1.2016 (tức nhằm ngày 20, 21, 22 tháng chạp âm lịch). Còn đối với những ngày cao điểm (từ ngày 23 đến ngày 29 tháng chạp âm lịch) thì hiện nay chỉ còn rải rác. Theo ông Lê Quốc Trung – Phó Tổng GĐ Cty cổ phần vận tải đường  sắt Sài Gòn: “Do tâm lý người dân thường chọn đi vào những ngày cao điểm từ 23 đến 29 tháng chạp âm lịch nên ngành đường sắt dù tăng hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn người dân có thể chọn đi sớm hơn, tức từ ngày 22 tháng chạp âm lịch trở về trước thì hiện vẫn còn vé để phục vụ người dân. Những trường hợp có nhu cầu đi từ ngày 23 đến 29 tháng chạp âm lịch, cũng nên truy cập thường xuyên trên website bán vé tàu của ngành đường sắt để theo dõi đặt chỗ, vì có một số trường hợp sau khi đặt chỗ rồi không có nhu cầu đi nữa nên trả lại;  khi đó, ngành đường sắt sẽ đưa số chỗ này lên mạng để người dân đặt chỗ”.

Làm và bán vé giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư  Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết,  đối với hành vi làm và bán vé giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội “Làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả” căn cứ theo quy định tại điều 164 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Cụ thể: Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Đối với phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ-quyền hạn, thu lợi bất chính hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Riêng “cò vé” sẽ bị xử phạt hành chính theo NĐ 171/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 2 đến 4 triệu đồng.

Ông Đỗ Quang Văn – GĐ Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết: 

“Hiện nay, đường sắt Việt Nam sử dụng vé điện tử, trên vé có họ tên và số giấy tờ tùy thân của hành khách đi tàu. Nhân viên đường sắt sẽ thực hiện kiểm soát vé và giấy tờ tùy thân tại cổng kiểm soát ở các nhà ga trước khi  hành khách lên tàu từ ngày 17 đến 25.1.2017 (tức nhằm ngày 20 đến 28 tháng chạp âm lịch). Hành khách chỉ được đi tàu khi có giấy tờ tùy thân với thông tin phù hợp in trên thẻ lên tàu hỏa. Những trường hợp tên và số giấy tờ tùy thân không khớp với thông tin trên vé  coi như không hợp lệ và không được đi tàu. Những khách hàng đã mua vé từ những nơi bán vé không chính thức của  đường sắt Việt Nam, đặc biệt là những vé tàu đi trong dịp Tết,  xin lưu ý kiểm tra lại thông tin trên vé tại  http://dsvn.vn/#/kiemtrave, để tránh mua phải vé giả, vé không đúng tên và số giấy tờ tùy thân.

Theo laodong


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: