Niềm vui mang tên “cho đi”


(2SaiGon)- Người Việt vốn rộng bụng và giàu lòng yêu thương, nên trong tâm thức, sẻ chia như một nhu cầu tự thân.Đó chính là những “tấm lòng” cho đi mà không cần nhận lại, mà chỉ đơn giản là “để gió cuốn đi” như những ca từ rất đẹp của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nghệ sĩ Việt: “Tết hạnh phúc là Tết sẻ chia…”

Cùng san sẻ yêu thương cho vạn nhà thêm Tết

Tôi còn nhớ như in nụ cười của một bà cụ ngồi trên xe bus chờ đèn đỏ ở góc Nguyễn Thị Minh Khai – Cao Thắng (Q.3, TP.HCM). Ngồi trên xe, thấy Hội Chữ Thập Đỏ đặt chốt quyên tiền ủng hộ lũ lụt miền Trung, bà cụ không kịp xuống, móc tờ hai mươi ngàn đồng cũ huơ huơ để tình nguyện viên cứu trợ đến lấy bỏ vô thùng. Chuyện diễn ra từ cuối tháng 10/2016, nhưng nét mặt rưng rưng xen lẫn vui vẻ của bà cụ khiến tôi nhớ mãi. Bà không biết rằng mình đã cho tôi một bài học đơn sơ mà quí biết bao -“cho đi” không phải là góp thật nhiều tiền, mà chính là cái tâm thực sự muốn đóng góp trao gửi tấm lòng và sẻ chia.

Lòng nhân ái khiến mỗi người vui lên và đẹp hơn

Tôi từng gặp anh Nguyễn Văn Ân (tài xế xe tải, ngụ tại H. Hóc Môn, TP.HCM) khi anh đang lui cui chuẩn bị hành lý để n lái xe chở hàng cứu trợ đi miền Trung. Trong một lần nghe chương trình “Bạn đồng hành” trên Đài tiếng nói TP.HCM, anh biết nhà đài đã gom được nhiều hàng cứu trợ nhưng lúng túng trong việc chuyển gấp ra cho bà con miền Trung nên anh đã xung phong lái xe chuyển hàng miễn phí, đi ngay trong đêm. Những bác tài không đi cùng được thì góp mỗi người mấy lít xăng. Chiếc xe tải 5 tấn là cần câu cơm duy nhất của gia đình hai vợ chồng và 2 đứa con, chuyến đi khiến anh mất gần một tuần, nhưng anh vẫn xung phong và vợ anh vui vẻ đồng ý. Anh chỉ nói ngắn gọn: “Là đồng bào mình cả, giúp được thì mình giúp thôi”.

Lén nhìn nét mặt hai vợ chồng, thấy họ thật vui, thật đẹp. Rồi cứ mỗi lần nghĩ đến hành động của anh Ân là không khỏi xúc động.

79

Tháng 12/2016, Trường Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM công bố kết quả khảo nhận thức và nhu cầu của cộng đồng về các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng trong Tết Nguyên Đán. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 300 phụ nữ ở Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, và Cần Thơ . Họ là nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh, giảng viên, nhân viên hành chính sự nghiệp, sinh viên…

Kết quả khảo sát này có thể khiến người xem cảm thấy ấm lòng: Với câu hỏi “Anh/ chị cảm nhận như thế nào khi tham gia các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng như vậy?”, có 96,2% số người cho rằng “Cảm thấy sống có ích khi chia sẻ, giúp đỡ cho người gặp khó khăn”  và có đến 92,1% chia sẻ “Cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong lòng”. Như bao người trả lời cho cuộc khảo sát, tôi cũng đọc được sự “cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong lòng” qua nét mặt sạm đen của tài xế Ân, cũng như bao người tốt khác, khi anh hăng hái chung tay sẻ chia đối với đồng bào miền Trung.

Cho đi để lan tỏa tin yêu

Người Việt vốn rộng bụng và giàu lòng yêu thương, nên trong tâm thức, sẻ chia như một nhu cầu tự thân, bởi theo khảo sát 97.3% người cho rằng “việc chia sẻ với người khó khăn là trách nhiệm chung của toàn xã hội mà không phân biệt người giàu, người nghèo miễn là có tấm lòng”.  Đó chính là những “tấm lòng” cho đi mà không cần nhận lại, cũng không để trang sức cho bản thân, mà chỉ đơn giản là “để gió cuốn đi” như những ca từ rất đẹp của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

80

Nụ cười rạng ngời của những người dân nhận được giúp đỡ. Nguồn: internet

Một trong những truyền thống đang được tiếp nối thời hiện đại, là gặp gỡ, thăm hỏi, chia sẻ và tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết. Như nhóm tình nguyện của chị Nguyễn Thị Ngà (ngụ P.10, Q. Gò Vấp) thường đến Viện dưỡng lão nghệ sĩ (Q.8, TP. HCM) vào những ngày cuối năm với những những tấm áo mới đã được giặt sạch sẽ. Tự tay chị vào tắm cho những cụ đã yếu rồi thay đồ mới vào, và kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện chẳng có đầu có đũa của các cụ già bị lẫn. Chị bộc bạch: “Người già rất cô đơn, các cụ thèm có người trò chuyện mà.”

Yên Khê


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: