Quán cà phê cổ bán theo giờ “hành chính” không wifi, người người siêng trò chuyện hơn


Không theo phong cách hiện đại, cũng không phải một quán cà phê theo trào lưu những năm ‘một ngàn chín trăm hồi đó’…, quán của bà Hồng tỏa ra cái hương vị ‘cổ tự nhiên’ đến khó tả…

Quán cà phê như châu Âu thu nhỏ ở ngoại ô Sài Gòn

Những quán cà phê tone trắng như cổ tích ai đến cũng mê

Sài Gòn ồn ào và náo nhiệt quá, lâu lâu người ta lại rỉ tai nhau “đi trốn với tao”, thế là họ cùng đi khỏi thành phố rồi tha hồ tận hưởng những buổi “sáng thức dậy ở một nơi xa”…

Bà Hồng là người Quảng Bình, theo chồng vào Nam “cũng mấy chục năm rồi”

Bà Hồng là người Quảng Bình, theo chồng vào Nam “cũng mấy chục năm rồi”

Bình dị mà thân thương

Tôi thì không được như vậy, ngày này qua ngày khác quay cuồng với công việc và những mối quan hệ ràng buộc. Vì không thể cứ thích là “xách ba lô lên và đi”, vậy nên những lúc thấy lòng mình trống trải, tôi sẽ “trốn” ngay giữa lòng Sài Gòn…

Nơi “ẩn náu” của tôi là một quán cà phê không tên, nằm lọt thỏm trong căn nhà số 172B Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3). Gọi là quán, nhưng ở đó chỉ có chiếc tủ gỗ cũ, chủ quán sắp lên đó vài ba chai nước ngọt, dụng cụ pha cà phê và một chiếc tủ nhỏ tí bày thuốc lá bên trong.

Quán cà phê của bà có tuổi đời cũng ngót nghét 60 năm

Quán cà phê của bà có tuổi đời cũng ngót nghét 60 năm

Góc nào của quán cũng rất đỗi thân thương, rất đỗi dịu dàng với những chiếc bình thủy cũ, với mảng tường phai màu theo thời gian. Trên khoảng sân trống được lót nền xi măng, nổi bần bật 7 bộ bàn ghế chủ quán tự đóng, chiếc cao chiếc thấp, ghế gỗ xen lẫn với ghế nhựa, ghế mây… Vậy mà không hiểu sao nhìn rất hài hòa và ấm mùi thời gian.

Cà phê ở quán không pha phin khi khách gọi, cũng không phải cà phê vợt, chỉ đơn giản là loại cà phê được bà chủ pha sẵn rồi để trong một cái lọ sứ nhỏ. Đưa tay múc một muỗng sữa đầy, rót vào chút cà phê, bà bắt đầu khuấy đều tay.

Nghe tiếng muỗng lanh canh khi chạm vào thành ly, tự dưng tôi nhớ lúc trước có người từng kể về chuyện cà phê vốn là thức uống theo chân thực dân Pháp vào xứ mình. Quán cà phê hồi đó (thời bao cấp – PV) là nơi có bán cả các món ăn sáng như hủ tiếu, mì cùng một số bánh ngọt.

Quán không sử dụng ấm điện nấu nước mà sử dụng ấm nhôm, sau đó giữ nước nóng trong 2 chiếc bình thủy như ngày xưa ông bà ta vẫn làm

Quán không sử dụng ấm điện nấu nước mà sử dụng ấm nhôm, sau đó giữ nước nóng trong 2 chiếc bình thủy như ngày xưa ông bà ta vẫn làm

Người ta ghé quán ăn sáng xong, gọi ly cà phê nhấm nháp cho tỉnh người. Cà phê có vài loại, gọi theo tiếng Quảng Đông như: “tài chừng” là cà phê đen lớn, “xây chừng” là cà phê đen ly nhỏ và “xây nại” là cà phê sữa. Ai không ăn sáng thì cứ gọi thêm cặp giò cháo quẩy rồi chấm vào ly cà phê mà thưởng thức.

“Phai, phai là cái chi chi?”

“Bà ơi, cho con hỏi pass wifi”, tiếng một cậu khách trẻ tuổi vang lên. Bà Hồng (68 tuổi, chủ quán) vừa cười vừa nói: “Bà già rồi con ơi, cũng nhiều người hỏi mà bà không biết “phai, phai” là cái chi hết”.

Bàn ghế ở đây đều do 2 vợ chồng chủ quán tự đóng ẢNH: LƯU TRÂN

Bàn ghế ở đây đều do 2 vợ chồng chủ quán tự đóng
ẢNH: LƯU TRÂN

Trong lúc cậu bạn đang ngẩn tò te thì một anh khách ngồi gần đó liền giải thích: “Quán này vậy đó, không có máy lạnh, không có nhạc nhẽo cũng không có wifi luôn. Thêm cái nữa là quán bán không có giờ giấc cố định, bà chủ vui thì sẽ mở bán lâu, buồn thì… đóng cửa sớm”.

Anh khách vừa dứt lời, cậu bạn trẻ chắc cũng theo phản xạ tự nhiên mà quay sang nhìn bà chủ, như kiểu đang trông mong một câu trả lời hay chút giải đáp cho mớ thắc mắc của mình, từ bà.

Cà phê của quán chỉ đơn giản là loại cà phê được bà chủ pha sẵn rồi để trong một cái lọ sứ nhỏ, để dành pha ra ly cho khách ẢNH: LƯU TRÂN

Cà phê của quán chỉ đơn giản là loại cà phê được bà chủ pha sẵn rồi để trong một cái lọ sứ nhỏ, để dành pha ra ly cho khách
ẢNH: LƯU TRÂN

Như hiểu ý, bà Hồng (68 tuổi, chủ quán) liền phân trần: “Bà bán cho vui thôi, kiếm thêm tiền chợ với lại có khách vô ngồi nói chuyện cũng vui nhà vui cửa. Mà buổi trưa thì bà nghỉ sớm để nấu cơm nước, chiều lại bán tiếp. Bữa mô mà khách xin ngồi lại có công việc thì bà vẫn để ngồi chớ không phải vui mà mở lâu”.

Giá thức uống từ 10.000 – 15.000 đồng/ly ẢNH: LƯU TRÂN

Giá thức uống từ 10.000 – 15.000 đồng/ly
ẢNH: LƯU TRÂN

Câu chuyện giữa 3 người họ vẫn còn tiếp diễn, nhưng tôi không chú tâm lắng nghe cho lắm… Chỉ thong thả chọn chiếc bàn ngay góc phải của quán, dưới ánh nắng le lói rọi qua giàn dây leo mỏng phía trên đầu và ngồi im nghe tiếng quạt máy quay nhè nhẹ. Đi một mình cũng được, mà có một người cùng ngồi bên cạnh, thì thầm khe khẽ thì cũng vui.

Sự yên ả bao trùm cả không gian quán, cái cũ kĩ, tĩnh mịch và vẻ hoài cổ ở đây khiến bất cứ ai cũng trở nên lắng đọng, chậm lại và nhỏ nhẹ, chẳng phải là nhập gia tùy tục gì mà đơn giản chính cái phong vị “bao cấp” hoài cổ của quán cà phê khiến bản thân tự dưng muốn hòa nhập vào không gian đó.

Không có wifi như những quán cà phê hiện đại khác, đến đây người ta “siêng” trò chuyện với nhau hơn ẢNH: LƯU TRÂN

Không có wifi như những quán cà phê hiện đại khác, đến đây người ta “siêng” trò chuyện với nhau hơn
ẢNH: LƯU TRÂN

Không gian quán ấm áp và gần gũi như bước về nhà ẢNH: LƯU TRÂN

Không gian quán ấm áp và gần gũi như bước về nhà
ẢNH: LƯU TRÂN

Rõ ràng, khi con người ta gần như “bội thực” giữa tầng tầng lớp lớp những tòa nhà cao tầng hiện đại, những chiếc xe lao vùn vụt, tiếng còi chát chúa, các nhà hàng quán ăn lấp lánh đèn màu biển hiệu xa hoa xung quanh… thì chốn này giống như một “điểm hẹn hiếm hoi” để người ta quay về với những chuyện kể ngày xửa ngày xưa thường nghe…

Bởi ở đây có một khoảng trời riêng dành tặng những kẻ cần một nơi để thở sâu và hít hà cái mùi yên ả…

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: