TP.HCM: Sao mãi không dẹp được nạn cướp giật?


Đêm ngày 15.2, trên đường chở mẹ về nhà, chị Trần Lê Tuyết Nhi (22 tuổi, quận Bình Tân) bị 2 tên cướp giật túi xách. Xe đổ, người ngã, mẹ chị Nhi là bà Lê Mộng Huyền (hơn 40 tuổi) tử vong.

Người Sài Gòn và bùng binh Quách Thị Trang

Nghề làm móng… cho ngựa

Sáng nay, lại một lần nữa tôi xót xa khi đọc thông tin “thêm một nạn nhân tử vong do cướp giật” tại TP.HCM. Thêm nạn nhân nghĩa là bản danh sách những người lương thiện mất mạng nơi thành phố được mệnh danh là đầu tàu về kinh tế – xã hội của cả nước, nơi đang đặt hoài bão là “thành phố đáng sống” với các quận là “Singapore thu nhỏ lại” kéo dài thêm.

Một phụ nữ bị cướp giật phăng túi xách ngay cửa nhà. Ảnh: Một Thế Giới

Một phụ nữ bị cướp giật phăng túi xách ngay cửa nhà. Ảnh: Một Thế Giới

Thêm một nạn nhân tử vong, một người bị trọng thương trong không biết bao nhiêu vụ cướp giật xảy ra mỗi ngày (thống kê và chưa thống kê, trình báo và chưa được trình báo) tại thành phố được coi là văn minh, hiện đại và năng động bậc nhất cả nước này nghĩa là thêm một gia đình tan hoang, con mất mẹ, chồng mất vợ… Đau xót biết nhường nào!

Trong cuộc làm việc gần đây với lãnh đạo chính quyền TP.HCM, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại yêu cầu với thành phố: “Cần chỉ đạo quyết liệt hơn, mạnh hơn, có giải pháp căn cơ, đồng bộ, hiệu quả trong trấn áp và phòng chống tội phạm, nhất là nạn cướp giật trên đường phố vẫn còn nhiều, gây hoang mang, bất an cho người dân…”

Cảnh sát đặc nhiệm hình sự hướng Nam (Công an TP.HCM) tập chống cướp giật. Ảnh: VNN

Cảnh sát đặc nhiệm hình sự hướng Nam (Công an TP.HCM) tập chống cướp giật. Ảnh: VNN

Yêu cầu này rất kịp thời và xác đáng khi tôi nhớ lần gần đây nhất khi vào công tác tại TP.HCM, vai đeo máy ảnh và đứng trước thềm khách sạn, lễ tân của khách sạn đã phải rời quầy ra đứng sát bên tôi ngần ngại hồi lâu mới dám nói: “Anh đeo máy ảnh vậy dễ bị giật lắm! Mấy hôm trước một vị khách Tây lưu trú tại khách sạn em đã bị tụi cướp đánh, giật cả máy ảnh với túi xách rồi lên xe bỏ chạy. Em chờ anh lên taxi thì em mới vào”. Và rốt cuộc vì sự an toàn của bản thân, tôi chọn để máy ảnh và tư trang ở nhà, mang theo mấy trăm nghìn tiền lẻ đủ để chi phí đi lại trong nội thành.

Trong những ngày ở TP.HCM dịp đó, tôi cũng tận mắt chứng kiến hai tên cướp giật ba lô của một cô gái đi xe đạp. Khi cô gái cùng một số người đuổi theo thì liền bị chúng rút dao đe doạ vọt xe chạy mất dạng.

Anh taxi chở tôi ra sân bay kể lại câu chuyện mới đây thôi, khi anh đang chở một vị khách cũng ra sân bay. Vị khách ngồi ghế trước và nghe điện thoại. Xe đang đi thì có đôi trai gái gõ cộp cộp vào kính xe bên phải, chỗ ngồi của vị khách và chỉ trỏ về phía sau với vẻ rất “cấp bách”, khi tài xế chưa kịp phản ứng, vị khách vừa hạ kính xe xuống đã bị người phụ nữ phía sau giật phăng chiếc iphone 7 đang cần trên tay trong sự ngỡ ngàng!

Một nạn nhân bị chấn thương sọ não tiên lượng tử vong do bị cướp giật. Ảnh: Báo Giao thông

Một nạn nhân bị chấn thương sọ não tiên lượng tử vong do bị cướp giật. Ảnh: Báo Giao thông

Như nhận thấy những hậu quả nhức nhối do cướp giật gây ra, trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, TP.HCM đã mạnh tay với tội phạm này.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng yêu cầu tái lập đội cảnh sát đặc nhiệm săn bắt cướp vang danh một thời để trấn áp loại hình tội phạm nguy hiểm này.

Được sự chấp thuận của Bộ Công an, ngày 25.1 vừa qua, công an TP.HCM đã ra mắt Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam hoạt động chủ yếu tại 5 địa bàn: quận 7, 8, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Gần 1 tháng qua, có không ít vụ việc đã được ngăn chặn, một số kẻ cướp giật phải thúc thủ nhưng vì sao tình trạng cướp giật gây thương vong tại TP.HCM có cảm giác vẫn không hề giảm? Vì sao TP.HCM dường như vẫn là “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm cướp giật?

Bỏ qua những yêu cầu như là người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác hay như lý do vì số lượng người nhập cư vào TP.HCM quá nhiều, lực lượng mỏng yếu khó quản lý được… vân vân và vân vân, thì có lẽ nguyên nhân chính liệu có phải rằng chế tài trừng trị cướp giật quá nhẹ và cảnh sát vẫn chưa “đủ quyền” trừng trị loại tội phạm này?

Thật thế, Bộ luật Hình sự năm 1999 hiện hành đang áp dụng quy định hành vi cướp giật tài sản bị phạt tù từ 3 đến 10 năm đối với hậu quả làm chết một người. Nếu gây chết 2 người thì hình phạt tù cũng chỉ từ 7 đến 15 năm. Nếu chết từ 3 người thì hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân là cùng.

Ngay cả Bộ luật Hình sự 2015 (tính áp dụng từ 1/7/2016 nhưng đang hoãn thời hạn thi hành) quy định hình phạt răn đe tội phạm cướp giật cao nhất chỉ là “tù chung thân” mà thôi.

Rõ ràng muốn triệt tiêu được tình trạng cướp giật manh động, chế tài trừng trị những kẻ gây tội ác phải mạnh hơn. Và cảnh sát hình sự – đặc nhiệm hơn bao giờ hết phải là lực lượng được quyền bắn hạ ngay tức thì những kẻ gây ra tội ác chứ không phải rượt đuổi!

Theo Dân Việt


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: