Hãy tạo đất sống cho cà phê nguyên chất tại Sài Gòn


(2saigon.vn) – Rất nhiều lần tôi đem cà phê hạt nguyên chất của mình đem xay và chiết tại chỗ để khách hàng thử, mà có người nhấp môi xong kêu…như mùi khoai lang, nhạt thếch, chả có gì ngon.

Đã dự đánh một vòng kiếm quán cà phê nào đó yên yên giữa Sài Gòn xô bồ để ngồi dịch cho xong đống tài liệu đang chất ngập đầu, thế nào rồi quăng xe đại một bãi rồi cuốc bộ lòng vòng cả một vòng lớn quanh thành phố đã lên đèn. Đến lúc đuối rồi thì tấp đại vào một quán và lại ngồi gõ lóc cóc những dòng này mà chẳng thể tập trung nổi để làm việc.

Một tách capu nóng hôi hổi hai shot cho một buổi tối vốn cần nhiều tỉnh táo, nhưng kẻ như tôi uống cà phê vào chỉ có thể ngủ thằng cẳng mà thôi. Tôi yêu cà phê từ trong những giấc ngủ cho đến ra ngoài đời thực. Thứ chất lỏng nâu đen sóng sánh ấy chứa cả một trời những hương vị, những dư vị không thể tả được.

Cà phê Sài Gòn

Cà phê Sài Gòn

Nhớ một trường đoạn trong tuổi trẻ của tôi gắn liền với cà phê hơn mọi thời điểm khác. Tôi đi bán cà phê giữa cái đất ngập ngụa hàng quán cà phê như Sài Gòn. Tôi lăn lộn từ nghề barista, đến làm quản lý một quán cà phê nho nhỏ, rồi sau đó lại buộc đời mình với nghề “sale” cà phê hạt và máy móc nhập gốc từ Châu Âu. Tôi đắm mình trong hương cà phê, tự thưởng cho mình 4 shot espresso và 2 tách capu đều đặn mỗi ngày. Vẫn giữ hàm lượng nhiêu đấy mà nạp vào người một thời gian rất dài, thế nên có ăn nhiêu cũng chẳng mập nổi (bỏ nhỏ chị em nghe thôi nha! Haha) . Loại cà phê mà tôi thích là loại 70% Arabica pha với 30% Robusta, loại trộn lẫn này cho ra một hương vị rất vừa phải. Arabica luôn nồng đặc biệt hơn Robusta ở mùi hương, nồng ngay đầu lưỡi và có một vị chua rất thanh ở hậu vị, trộn với Robusta đắng ở giữa lưỡi và dần thấm xuống cuống họng rồi hương cứ lưu mãi lưu mãi, đó là cảm giác tuyệt vời của cà phê nguyên chất. Không thể có bất kì một loại đậu hay bắp rang khét nào có thể thay thế được. Rất nhiều lần tôi đem cà phê hạt nguyên chất của mình đem xay và chiết tại chỗ để khách hàng thử, mà có người nhấp môi xong kêu…như mùi khoai lang, nhạt thếch, chả có gì ngon.

Cà phê Sài Gòn

Tôi buồn cho khả năng buôn bán kém cỏi của mình một chút, mà lòng như đeo chì khi nghĩ mà thấy tội lũ cà phê. Chúng đã bị thay thế bởi những thứ kém cỏi hơn, nghiễm nhiên tràn lan và được mặc định cho một mùi vị đậm đà nhiều “gia vị”, nồng cháy khét thì mới gọi là cà phê ngon. Tôi không cười nổi trước những câu nhận định thiếu tính chuyên môn như thế, nhưng cũng không thể trách được vì chính người tiêu dùng đã dễ dãi với lựa chọn, túi tiền cũng như sức khỏe của bản thân mình mà đánh mất cả tiêu chuẩn khi sử dụng hàng thật.

Tôi không muốn bàn đến chuyện chuyên môn, cái tôi nói ở đây là những đánh giá chân thực và đúng với chất lượng mà sản phẩm nguyên chất mang lại. Đừng đánh cho nó cái giá quá thấp do cái nhìn chủ quan của mình mà giết chết đi cơ hội được “sống” của hàng thật. Những loại cà phê kém chất lượng vốn dĩ không biết có bao nhiêu phần trăm là cà phê trong đó, hoặc thậm chí là không có. Thành phần cấu tạo có nhiều phần là những loại đậu, bắp rang khét lên, rồi được nêm nếm thêm gia vị như người ta nấu ăn thậm chí còn được “gia cố” thêm bởi nhiều loại hóa chất khác, rồi cứ thế tung ra thị trường với những bao bì “đảm bảo” hàng nguyên chất, giá thành thì quá mềm để đánh vào tâm lý của người tiêu dùng.
Mỗi một lúc chúng ta đánh đổi sức khỏe của mình bằng những món hời tôm tép từ lợi nhuận của kẻ khác.

Công nghệ làm cà phê bẩn

Công nghệ làm cà phê bẩn

Chỉ cần dành một chút thời gian để lên mạng tìm hiểu, chúng ta sẽ có vô vàn những nguồn dẫn chứng về việc làm cà phê giả, kém chất lượng, đi kèm với những hình ảnh rất chân thực của các cơ sở sản xuất cà phê giả. Nhìn sợ hãi lắm. Nơi làm ra cà phê phải là nơi đem lại nhiều nguồn cảm hứng nhất chứ không thể là những tòa nhà đầy cặn bẩn và hóa chất. Dành thêm một chút thời gian nữa để tìm hiểu thì thấy cà phê nguyên chất tốt cho tim mạch và nhiều bộ phận khác trên cơ thể mình nếu biết cách sử dụng một lượng vừa đủ mỗi ngày.

Hiện nay giá để có thể thưởng thức một tách cà phê nguyên chất vốn không mềm chút nào tại Sài Gòn. Đánh một vòng một số quán “có tâm” trong việc tự rang và làm cà phê nguyên chất, sẵn sàng nhập hạt từ rất nhiều vùng nổi tiếng trên thế giới, cực kì chất lượng lại truyền cảm hứng vô cùng thì có thể liệt kê ra không ít đâu. Cũng có những quán lấy hàng từ chính “quê ta đất ta”, cà phê Việt Nam mình 90% nổi danh là Robusta. Nói 90% là để đánh giá phần 10% còn lại là dòng Arabica đang được trồng và phát triển. Theo như một bài viết từng đề cập, giá thành của cà phê Arabica thường cao gấp đôi so với giá Robusta. Cà phê Arabica đại diện cho khoảng gần 70% các sản phẩm cà phê cao cấp trên thế giới. Arabica có nguồn gốc từ vùng cao nguyên nhiệt đới Ethiopia, Đông Phi.  Brasil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này, chất lượng được đánh giá cao nhất.

Vốn dĩ đất ta, khí hậu ta khó có thể mà trồng ra Arabica ngon sánh bì với các nước khác, nhưng mà đáng khen cho một nỗ lực không ngừng ở những người yêu cà phê và dung dưỡng chúng để đâm chồi ra những loại Arabica của Việt Nam có thể nói là rất ngon.

Bỏ ra từ 40,000 đồng trở lên cho một tách cà phê nguyên chất, có gì mà lại không đáng đúng không? Hãy đánh giá trên công sức của những người đã trồng, đã rang, đã xay để tạo ra tuyệt tác ấy. Uống một tách nguyên chất thôi là đủ thấy cả một trời ý tưởng dâng tràn, dư vị cứ thế lưu thật lâu và thấy mọi giác quan đúng nghĩa như được bôi trơn bằng thứ chất lỏng nâu đen ấy.

Hãy nhìn màu cà phê nguyên chất, bạn sẽ thấy chúng có màu nâu cánh ván, sóng sánh. Hãy học yêu màu sắc ấy để mỗi lần nhìn thấy đều nghe lòng dịu dàng. Hãy học yêu mùi hương nguyên chất ấy để mỗi lần nghe thoảng trong gió từ một quán nào đó, là mọi giác quan đều thức tỉnh, hãy học yêu dư vị ấy ngay từ đầu lưỡi để thấy cả một thế giới sẽ mở ra chỉ bằng một tách cà phê nguyên chất.

Bài và Ảnh : Mip 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: