Cà phê dĩa và bóng dáng một ngôi chợ xưa


Có một cái chợ đã trở thành địa danh ở Sài Gòn nằm ngay trên địa bàn quận 1, đó là Chợ Cũ.

Nhóm “Hát để sẻ chia” quyên góp tiền đóng viện phí cho bệnh nhi nghèo

5 tọa độ uống cà phê độc đáo ở Sài Gòn cho dịp nghỉ Tết Dương lịch

Ngày nay chợ cũ vẫn tồn tại, nó không khác với ngày xưa nhiều, vẫn những quầy, sập, những gian hàng bán sản phẩm từ bậc trung trở xuống, có thứ bày ra cả mặt đường theo kiểu chợ chồm hổm. Chợ cũ nằm bên hông đường hàm nghi, cách chợ bến thành chỉ mấy cái ngã ba, ngã tư không sang trọng nhưng đã từng một thời vang bóng.

Hồi đó khu vực Chợ Cũ có nhiều quán cà phê, hủ tíu của người Tàu, có cả tiệm ăn cao lầu và từng nổi danh với thương hiệu “Cao lầu Chợ Cũ”. Nhưng đặc điểm trở thành dấu ấn đối với kỷ niệm một thời tuổi thơ của tôi là những quán cà phê, hủ tíu khu Chợ Cũ có hình ảnh ông chủ quán người Tàu mặc áo thun trắng ngả màu cháo lòng ngồi sau cái quầy gỗ ánh lên màu thời gian với bàn tính khua lạch cạch để tính tiền và ông “phổ ky” tức phục vụ bàn cũng áo thun màu cháo lòng, quần tây xắn ống thấp ống cao, vai vắt cái khăn lau bàn lăng xăng chạy tới chạy lui phục vụ khách.

Mỗi khi có khách bước vào, ông ta xăng xái chạy tới, việc đầu tiên là rút cái khăn lau bàn cáu bẩn trên vai xuống, lau sơ mặt bàn vốn đã thấm ướt dầu mỡ như là một thủ tục đầu tiên, sau đó mới hỏi khách dùng gì bằng thứ tiếng Việt lơ lớ.

Xe ngựa, phương tiện vận chuyển thông dụng ở khu Chợ Cũ.

Khách vào quán cà phê khu vực Chợ Cũ hầu hết là công chức, thợ thuyền, người đạp xích lô, bác đánh xe ngựa. Ông “phổ ky” cứ nhìn trang phục, tác phong của khách mà xưng hô, đặc biệt với khách công chức ông ta thường gọi bằng “thầy Hai, thầy Ba…” với vẻ trân trọng. Còn khách uống cà phê sáng hồi đó thích uống cà phê dĩa, cà phê dĩa là một ly “xây chừng” nóng bốc khói được pha bằng vợt hay vớ khi mang ra cà phê vẫn đựng trong ly “xây chừng” đặt trên một cái dĩa nhỏ, nhưng sau đó khách đổ cà phê ra dĩa và xì xụp húp nên trở thành… cà phê dĩa.

Thưở nhỏ đi học, hôm nào trong túi rủng rỉnh tiền tôi mới vào quán cà phê, hủ tíu khu Chợ Cũ để ăn hủ tíu hoặc bánh mì xíu mại, còn cà phê thì không biết uống, nhưng tôi lại thích ngồi nhìn mấy ông khách “bình dân” ngồi rút hai chân trên ghế theo kiểu “nước lụt”, xì xụp thổi, húp cà phê trong dĩa trông thật “ngon mắt” và mùi cà phê nóng bay thơm lựng trong không gian ngôi quán luôn ồn ào đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất của các thực khách đủ mọi thành phần.

Dân cố cựu ở Sài Gòn đều biết khu Chợ Cũ và chắc chắn đều đã từng tới uống cà phê dĩa, ăn hủ tíu, bánh mì xíu mại ở đây. Ngoài cà phê dĩa, bánh mì xíu mại, bánh bao ở đây cũng rất ngon, nhất là món xíu mại có mùi vị rất đặc trưng, cục xíu mại tròn tròn màu trắng gợn lẫn với những viên thịt heo bằm màu hồng nhạt, chỉ to bằng mấy ngón tay chụm lại được đựng trong cái dĩa bằng sành màu gan gà nhỏ xíu ăn với bánh mì hoặc cho thêm vào tô hủ tíu… ngon tuyệt cho tới bây giờ vẫn chưa có món xíu mại nào thay thế được món xíu mại Chợ Cũ.

Một góc Chợ Cũ.

Đối với dân vãng lai, từ miền Nam kỳ Lục Tỉnh lên hay từ miền Trung vào thì lại thích món cao lầu Chợ Cũ hoặc cơm thố Chợ Cũ. Tôi còn nhớ quán cơm thố nổi tiếng khu Chợ Cũ nằm chếch ở góc ngã ba Hàm Nghi và con đường nhỏ rẽ vào Chợ Cũ, đó là một ngôi nhà hai tầng lầu cũ kỹ giống y như những ngôi nhà lầu khác nằm trong phố có nhiều người Tàu này. Quán lúc nào cũng đông khách, những cái thố bằng sành có hoa văn màu xanh, trong lèn chặt cơm dẻo, nóng bốc khói và bay mùi thơm hấp dẫn ăn với canh cải bẹ xanh, cá kho khô…

Sau ngày giải phóng, quán cơm thố này vẫn còn bán một thời gian, bẵng một lúc không tới khu Chợ Cũ, một hôm đi ngang không còn thấy quán cơm thố ấy nữa. Ông chủ quán cơm thố ấy đi về đâu, hay đổi nghề, không ai biết. Bây giờ Sài Gòn không ai uống cà phê dĩa, và hình như người ta cũng quên mất món cơm thố mà ngồi cà phê hộp uống cà phê… cứt chồn dởm pha phin, ăn cơm niêu sang trọng.

Nhưng tôi bảo đảm những người cố cựu ở Sài Gòn trước năm 1975 đều nhớ hương vị của cà phê dĩa và cơm thố khu Chợ Cũ. Nó giống như một thứ hồn vía của ẩm thực, không, một thứ hồn vía của kỷ niệm đối với ngõ ngách Sài Gòn xưa đã mất tăm trong đời sống bộn bề mà hình bóng cũ ấy không thể tìm lại được, nó chỉ dậy lên thành nỗi nhớ da diết khi ta hồi tưởng lại mà thôi. Khu Chợ Cũ ngày nay vẫn nằm ở… chỗ cũ, nhưng cách buôn bán thì mới hơn. Từ năm 1975 trở về sau này, có nhiều giai đoạn để “làm mới” Chợ Cũ, đó là cách sắp xếp lại quầy, sập theo ngành hàng và có Ban Quản lý chợ.

Các tiểu thương đã được tập huấn buôn bán theo phong cách văn minh: hàng hóa, thực phẩm, nhất là nguồn thực phẩm gia cầm, gia súc phải rõ nguồn gốc, có dấu đóng của cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhất là cải tiến một bước tệ “nói thách”. Nhưng thực tế, đạt được theo mong muốn, yêu cầu thì chưa. Nhìn chung về mặt cảnh quan Chợ Cũ bây giờ sạch đẹp, ngăn nắp hơn, cách buôn bán, thái độ ứng xử của tiểu thương với khách hàng cũng lịch sự, văn minh hơn.

Nhiều quán cà phê Tàu hay còn gọi cà phê dĩa khu Chợ Cũ.

Tôi đã từng lang thang trong khu Chợ Cũ ở nhiều thời điểm khác nhau, khi buổi sáng sớm là giờ cao điểm để nhìn ngắm, mục kích cả một khu chợ rộn ràng, nhộn nhịp, hàng trăm hoặc có thể hàng ngàn con người ra vào, mua bán tấp nập. Đó là không khí muôn thủa của một khu chợ, bất cứ chợ nào chứ không riêng gì Chợ Cũ, nhưng ở đây giữa dòng người chen chúc, hỗn tạp ấy có một tầng lớp thị dân xuất phát điểm là người nhập cư.

Số người này có thể nhận ra được trong phong cách… đi chợ, từ việc ăn mặc, cái giỏ xách đựng hàng, đôi mắt hơi ngơ ngác, lạ lẫm, hoặc thái độ rụt rè khi xem hàng, trả giá. Họ vẫn chưa hòa nhập một cách “nhuần nhuyễn” với cư dân chính gốc Sài Gòn. Và nhìn họ, tôi lại thấy gần gũi, nhớ hình bóng của một làng quê xưa và sẽ không bao giờ mất trong sự nhớ thương của người xa xứ.

Đó là những buổi trưa lang thang ở khu điện máy Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu, Tôn Thất Thiệp để… xem hàng điện máy ào ào về đây với những mẫu mã mới, hiện đại hơn, lùng tìm để mua những đĩa nhạc xưa với những bản nhạc vượt thời gian, không gian mà người ta gọi là “nhạc tiền chiến” được thu âm lại từ những giọng ca bất hủ như: Anh Ngọc, Thái Thanh, Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Dao…

Ăn bữa cơm trưa ở quán Đồng Nhân để nhớ không khí lửa khói mịt mù trên căn gác gỗ của quán cơm Bà Cả Đọi dù Đồng Nhân và Bà Cả Đọi là một. Rồi thế nào cũng tấp vào Chợ Cũ cũng chỉ để… lang thang nhìn ngắm, tìm lại một không khí xưa khi khu chợ vắng người mới hé lộ ra dáng dấp những hình bóng cũ.

Đó là những buổi chiều tối Sài Gòn vừa lên đèn chợt nhận ra trong ngày dự định mua một thứ gì đó mà đã quên nên vội vàng phóng xe ra Chợ Cũ. Khu chợ vào giờ này ít người hơn, những tiểu thương ngồi trên quầy sập cao đon đả chào mời khách mua hàng để mong sao bán hết số hàng còn tồn đọng mà buổi sáng đông người chỉ lo cắm cúi cân, lấy tiền, thối tiền chứ không có giây phút rảnh rang để cất tiếng, mở giọng, nở nụ cười “giao lưu” với khách.

Chợ Cũ giờ này còn bày ra một góc khuất của người kẻ chợ, đó là những “tiểu thương” chắc chắn là không có trong danh sách của Ban Quản lý chợ, họ là người nhà quê ở miệt ruộng, miệt vườn sát nách với Sài Gòn phồn hoa, đô hội vừa xong một buổi lưới, một buổi cào, hoặc một buổi “mò cua bắt ốc” tranh thủ ánh đèn đường còn sáng vội chạy ào lên Chợ Cũ mang theo tất cả những gì thu hoạch được đổi từ công sức, mồ hôi và có khi cả… nước mắt để ngồi xề xuống đoạn đường trống ngay hông Chợ Cũ để chào mời khách mua, những người khách cũng khá vội vàng trong một ngày lao động tranh thủ bóng chiều còn nhập nhoạng vội ghé qua Chợ Cũ, mua vội mớ thức ăn quê, mớ rau củ trước khi về nhà lo bữa cơm tối cho gia đình.

Đã có dự án xây lại Chợ Cũ, không biết khi nào và bao giờ Chợ Cũ sẽ thành khu… chợ mới. Nhưng những ngày này, có dịp đi ngang qua khu Chợ Cũ tôi lại bồi hồi, xúc động nếu một mai không còn nhìn thấy bóng dáng của một khu chợ đầy ắp kỷ niệm của mình từ thời còn thơ ấu mà tôi đã từng lang thang vào đây những buổi trưa để chỉ ghé một nơi duy nhất, đó là “cửa hàng” bán cá lia thia, lăng quăng của một bác giáo viên già ngồi cả buổi để chọn mua một con cá lia thia xiêm ưng ý.

Tôi còn nhớ như in cái dáng gầy liêu xiêu, mái tóc muối tiêu, ánh mắt hiền từ và mớ chai lọ lỉnh kỉnh nơi kệ hàng của người bán cá lia thia đã mất tăm ở khu… Chợ Cũ. Và cũng ở khu vực một ngôi chợ xưa đã mất tăm luôn nhiều thứ của Sài Gòn xưa mà cà phê dĩa Chợ Cũ là một trong những nhớ nhung ấy.

Theo Cafenews

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: