Câu chuyện về những cuộc chia ly trong ngày Sài Gòn cuối năm


( 2SaiGon) – Vậy là đã hết năm, tờ lịch ghi ngày 31 ngập ngừng rời khỏi cái bìa lịch. Nhìn cái bìa lịch Tam tông miếu trống huơ, bỗng trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ về một cuộc chia ly. Ý nghĩ ấy làm tôi ứa nước mắt.

Sài Gòn xưa với những con đường học trò rời rợi bóng me

Những mùa Tết xưa trong ký ức một người Sài Gòn

Chia ly không phải là chấm hết, tôi tự an ủi mình bằng cách loay hoay gắn cái bloc lịch năm mới còn thơm mùi giấy lên trên  cái bìa cũ kỹ. Cái bìa lịch Tam tông miếu bây giờ không còn ai xài nữa. Tôi giữ nó như giữ kỷ niệm về một thời, một người đã xưa lắc lơ.

Kể từ thời khắc này, không ai còn quan tâm đến những con số đánh dấu ngày dương lịch nữa. Người ta bắt đầu đếm ngược thời gian bằng ngày âm lịch. Cũng có thể vì háo hức chờ mong  tết đến, cũng có thể để cảm nhận nỗi lo sợ ngày trôi nhanh.

Nhưng dẫu có thế nào thì Sài Gòn vẫn đang mở lòng đón nhận một chút gió se se lạnh để biết ở đâu đấy mùa xuân đang về.

tờ lịch ghi ngày 31 ngập ngừng rời khỏi cái bìa lịch

Tờ lịch ghi ngày 31 ngập ngừng rời khỏi cái bìa lịch

“Một ngày như mọi ngày”, mỗi sáng trong dòng người tất bật lướt qua nhau, tôi lặng lẽ trôi đi như chiếc lá được mặc định trên một cung đường quen thuộc, không thể khác – con đường từ nhà đến cơ quan, từ quận tám sang quận ba.

Con đường đủ dài để tôi tựa vào lưng ghế, hay dán mặt vào ô cửa kính của chiếc xe bus, mỗi ngày ngẫm ngợi về một câu chuyện, những câu chuyện buồn nhiều hơn vui, cay đắng nhiều hơn ngọt bùi, nụ cười ít hơn nước mắt.

mỗi sáng trong dòng người tất bật lướt qua nhau, tôi lặng lẽ trôi đi như chiếc lá được mặc định trên một cung đường quen thuộc

Mỗi sáng trong dòng người tất bật lướt qua nhau, tôi lặng lẽ trôi đi như chiếc lá được mặc định trên một cung đường quen thuộc

Bây giờ, khi tôi đang là chính mình, đối diện với chính mình, và đối diện với một cuộc chia ly, tôi bỗng dưng tỉnh táo, tỉnh táo đến lạ thường.

Tôi đã từng trải qua nó, đã từng đứng nhìn theo con tàu rùng mình nuốt những thân ray, bỏ lại sân ga vắng, bỏ lại tôi ngơ ngác buồn nhìn theo vệt khói, thấy mình bất lực trước cuộc tình, trước cuộc đời, trước tôi.

Tôi đã từng một mình lang thang trong đêm nông trường lộng gió trong cái lạnh thấu xương giữa bốn bề mông quạnh, ngồi bên bờ con kênh đang đào dang dở, nhìn lòng kênh loang loáng nước, hắt ánh trăng vằng vặc, ao ước giá mà trong phút chốc mình được tan theo ánh trăng kia.

Tôi  đã từng ngồi chết lặng trên bến trong một buổi sớm mainhìn theo bóng con đò dọc dần khuất ngã ba sông

Tôi đã từng ngồi chết lặng trên bến trong một buổi sớm mai nhìn theo bóng con đò dọc dần khuất ngã ba sông

Tôi cũng đã từng ngồi chết lặng trên bến trong một buổi sớm mai, nước mưa hòa nước mắt nhìn theo bóng con đò dọc dần khuất ngã ba sông cái bận tiễn thằng con trai mười tuổi đi học xa nhà.

Tôi chưa bao giờ kể cho nó nghe tôi đã đứt từng đoạn ruột như thế nào trong cái buổi chia ly hôm ấy, và nó cũng chưa bao giờ biết rằng tôi hối hận như thế nào khi đẩy nó xa vòng tay mẹ lúc nó còn quá bé.  Đó là cuộc chia ly làm tôi đau đớn nhất.

Đau hơn cả lần tôi đành đoạn ra đi, bỏ lại ngôi nhà có ô cửa nhỏ nhìn ra một góc vườn, nơi có tiếng con chìa vôi chuyền cành tíu tít buổi sớm mai, có tiếng gà xao xác khi trưa vắng, có tiếng chim vịt gọi bạn mỗi chiều hoang, nơi tôi đã đi qua hết cả một quãng đời xuân sắc.

Tôi cũng đã từng buồn bã xiết bao khi nhìn theo bóng một người liêu xiêu nghiêng ngả trong chiều trên con dốc phố sương mù phủ đầy sắc vàng rực rỡ của dã quỳ, một bàn tay thì không đủ ấm nhưng đan vào thêm một bàn tay lạnh giá nữa thì có ích gì, thế là thành cuộc chia ly…

Dốc phố sương mù phủ đầy sắc vàng rực rỡ của dã quỳ

Dốc phố sương mù phủ đầy sắc vàng rực rỡ của dã quỳ

Tôi bảo tôi tỉnh táo không có nghĩa là tôi bảo hòa, không có nghĩa là tôi chai sạn với nỗi đau, chỉ là từ lâu rồi, tôi đã biết cách tự mình chữa lấy vết thương cho mình mỗi khi bị sóng đời va đập, xây xát.

Đã từ lâu, tôi không còn thói quen cứ mỗi lần vật vã cơn đau lại cuống cuồng chạy đi tìm một bờ vai nâng đỡ. Tôi bây giờ lúc nào cũng tí tớn, hào sãng. Anh bạn thân thấy vậy lo lắng, cứ hễ gặp tôi là hỏi: “Bà có sao hôn?”. “Có sao là sao?”. “Là khi mặt biển bình yên chính là lúc dưới lòng đại dương kia đang cuồn cuộn cơn sóng dữ, “chân lý” này là do bà “phát hiện” ra chứ ai!”.

Nghe bạn mình nói vậy, đêm, tôi về nhà nằm gác tay lên trán nghĩ ngợi mông lung sợ mình trở thành vô cảm, lại ngửa mặt hu hu khóc. Tiếng khóc dội vào lòng tôi tựa tiếng khóc đêm nào trước biển Nha Trang lồng lộng gió. Tôi biết lòng tôi đang ầm ào…

Biển đêm Nha Trang lồng lộng gió

Biển đêm Nha Trang lồng lộng gió

Tôi cám ơn những nỗi buồn đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cho tôi nhiều cảm xúc để yêu thương, giận hờn, tha thứ… Cho tôi những giây phút thật tĩnh tâm để trải lòng mình qua từng câu chuyện, với từng nhân vật…  những nhân vật mà tôi nắm trong tay số phận của họ bằng quyền lực của một người sáng tác (cho dù tôi không nắm được trong tay số phận của chính mình).

tôi thường đan bàn tay mình vào tay nhân vật

Tôi thường đan bàn tay mình vào tay nhân vật

Ở cuối mỗi câu chuyện, tôi thường đan bàn tay mình vào tay nhân vật, truyền cho họ một chút hơi ấm, một chút nghị lực, một ít sức mạnh và niềm tin, cùng họ nhìn về phía trước.

Nếu tôi không nói ra, có lẽ những nhân vật của tôi không bao giờ biết được, rất nhiều khi tôi cũng cần lắm một bờ vai để tựa vào, một lời an ủi, thậm chí bảo ban, để vượt qua giông bão cuộc đời. Vì thế, hôm nay tôi xin được viết câu chuyện của chính mình, câu chuyện về những cuộc chia ly.

Ngô Thị Thu Vân


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: