Chuyện làm ăn ở Sài Gòn (1)


Viết cho mấy bạn trẻ, có ý định làm ăn, hay nói cho đúng từ là khởi nghiệp, ở Sài Gòn, bởi Sài Gòn là đất làm ăn, như tôi đã từng nói nhiều lần, cơ hội luôn có và luôn chia đều cho mọi người, không phân biệt bạn là ai và bạn đến từ đâu, không phân biệt bạn là lính mới hay đã từng lừng lẫy danh tiếng, bởi Sài Gòn luôn độ lượng và công bằng. Nói trước là qua những trang viết này, tôi không có ý định kể hết việc kinh doanh của mình vì tôi cũng chỉ là một người bình thường thôi, không đủ tầm để kể mấy chuyện đó, tôi chỉ muốn chia sẻ vài trải nghiệm, bằng việc kể chuyện.

Phần một: Khởi Nghiệp

Câu chuyện khởi nghiệp thì rất nhiều người viết rồi, tôi thấy đa phần đều ít nhiều nhuốm màu huyền thoại, bởi đa phần đều được kể bởi những doanh nhân giàu có và thành đạt, nhiều người trong số họ dùng quá khứ bần hàn bươn chải của mình như một cách quảng bá tên tuổi, dù thực ra không cần thiết đối với một doanh nhân. Tôi được biết đến như một người viết không chuyên, nên tôi xin viết dưới một góc nhìn khác, có thể bạn thấy lạ, hãy đọc cho vui và nếu có chút ít gì giúp được cho bạn thì cũng mừng.

Tôi đã từng khởi nghiệp nhiều lần, câu này nghe như là câu: tôi đã từng bỏ hút thuốc lá nhiều lần, nghĩa là cũng từng ấy lần tôi thất bại. Tôi ra đời kiếm tiền từ rất sớm bằng việc bán thuốc lá dạo bên bờ biển năm lớp Ba rồi sau đó là đạp xích lô, làm công nhân, bốc xếp, làm rẫy… nên tôi khá hiểu giá trị đồng tiền, dù luôn miệng coi tiền bạc là phù du, ai cũng vậy. Chính vì từng là người lăn lộn để kiếm tiền nên những năm tuổi trẻ tôi ôm ấp những giấc mộng kinh doanh lớn và bất cứ khi nào có cơ hội là tôi bắt đầu, thậm chí là bắt đầu với hai bàn tay trắng, tôi từng làm báo, làm dịch vụ xuất nhập khẩu, thu gom nông sản xuất khẩu, làm du lịch, làm café, bán hàng, quảng cáo, phát hành sách, in ấn… và bao nhiêu câu chuyện thất bại không làm tôi nản lòng, trái lại, nó cho tôi những bài học quí giá, và hơn cả, cộng với hai chục năm ở Sài Gòn, nó cho tôi một góc nhìn, đủ tỉnh táo để không nuôi ảo mộng, nhưng đủ đam mê tin tưởng vào cuộc đời, vào con người, vào Sài Gòn

Vì sao nên khởi nghiệp?

Câu hỏi này chắc dễ trả lời, để kiếm tiền, để được làm việc đúng chuyên môn, để thõa mãn đam mê, để có cuộc sống sung túc, để có sự nghiệp riêng, để được tự do, để có danh tiếng, để nối nghiệp gia đình, để thực hiện những ước mơ… có nhiều câu trả lời, đôi khi người ta khởi nghiệp đơn giản chỉ là vì… bị thất nghiệp. Nếu bạn hỏi tôi rằng tôi khởi nghiệp lúc nào thì tôi không nhớ, nếu phải lấy mốc thời gian thì có lẽ những năm lớp Ba bán thuốc lá dạo ban đêm ở bờ biển cũng được coi là khởi nghiệp, với đầy đủ sự khốc liệt mà một doanh nghiệp phải đối mặt, từ tiếp thị đến cạnh tranh. Nhưng nếu bạn hỏi tôi vì sao nên khởi nghiệp thì lý do của tôi là vì tôi thích, đời tôi, tôi chỉ làm những điều tôi thích, tôi thích sự mạo hiểm, tôi thích rủi ro, tôi thích thử thách, tôi thích chinh phục… những sở thích bạn có thể cũng có nếu bạn là dân leo núi, nhưng vì tôi sợ độ cao, nên tôi không chọn leo núi, tôi chọn kinh doanh.

Có lần, tôi và một người bạn thân bán được một cái máy xông mũi cho một phòng khám tai mũi họng có tiếng ở Nha Trang, lúc ấy chúng tôi tầm 18~19 tuổi, số tiền lãi kiếm được sau thương vụ ấy nhiều, rất nhiều so với một sinh viên nghèo thời bấy giờ, tôi thích đến nỗi không cất đi mà cứ nhét căng đầy hai túi quần, đó là lần đầu tiên tôi kiếm được nhiều tiền như vậy và chúng tôi tiệc tùng với lũ bạn liên miên từ tiền kiếm được. Lúc đó, cái ý niệm: kinh doanh để kiếm tiền, phi thương bất phú, có nảy lên trong đầu tôi, tôi bắt đầu nghĩ rằng mọi thứ nên bắt đầu ngay bây giờ, để kiếm tiền phụ cha mẹ, để nuôi em tôi ăn học, để có thể thoải mái tiêu xài với bạn bè, nếu là một bạn khác thì có lẽ bạn ấy đã nhảy ra khởi nghiệp kinh doanh lúc đó, nhưng tiếc thay, tôi thì không. Tôi biết rõ đó chỉ là may mắn, may mắn trong một thương vụ không phải là tín hiệu tốt cho tất cả. Tại thời khắc quyết định việc làm ăn đó, chúng tôi chỉ đơn giản là thích, thích đi mua một thứ rẻ và bán lại nó cho người cần dùng với giá cao hơn. Dù suy nghĩ rất nhiều, cân nhắc rất nhiều trước việc có nên lao theo con đường kinh doanh hay không, nhưng cuối cùng tôi vẫn phủi tay, không, cũng không hẳn tôi tỉnh táo sáng suốt gì đâu, lúc ấy tôi rất ham chơi, tuổi trẻ mà, tôi bận đi chơi, bận làm thơ và chu du thiên hạ.

Lần khác, đâu năm 1997, tôi có quen một thương gia người Ấn, chúng tôi gặp nhau ở Phòng Công Nghiệp và Thương Mại (VCCI) ở Sài Gòn, ông này nói tiếng Anh không thể dở hơn được nên cuộc trao đổi giữa ông và mấy nhân viên của VCCI thành thảm họa, thấy tình thế căng quá, vô tình có mặt ở đó nên tôi tình nguyện làm phiên dịch cho ông, lúc ra về ông có cho tôi 100 đô la nhưng tôi không lấy, vậy là kéo ra quán café nói chuyện. Sau đó chừng vài hôm, ông này mời tôi ăn tối ở một nhà hàng … Pháp, bởi, như ông nói, thật khó cho hai chúng tôi nếu chọn một nhà hàng thuần Việt hay thuần Ấn, đó là một nhà hàng đẹp, với nhiều món ăn ngon và rất phù hợp để nói chuyện. Trong bữa tối, ông trình bày ý định muốn nhập khẩu một số hàng nông sản của Việt Nam sang Ấn Độ, Parkistan, Bangladesh và SriLanka, chủ yếu là gia vị như hạt tiêu, vỏ quế, hoa hồi…Ông muốn mời tôi làm đối tác cho công ty ông ở Việt Nam, tôi tìm nguồn hàng, thu gom, đóng gói và xuất khẩu còn ông ta nhập hàng và tiêu thụ. Tôi không hứa sẽ hợp tác với ông doanh nhân nọ, tôi chỉ hứa sẽ giúp ông tìm nguồn hàng và thực hiện một vài đơn hàng đầu tiên. Lúc đó tôi đang làm việc xuất nhập khẩu cho một hãng giày Hàn Quốc nên tôi khá quen thuộc với việc xuất hàng, sẵn công ty đang ít việc, tôi nghỉ phép, đi một vòng mấy chỗ trồng nguyên liệu, thăm thú giá cả thị trường, qui cách, chủng loại theo yêu cầu khách hàng… tôi giữ đúng lời hứa, chỉ giúp ông doanh nhân nọ trong một thương vụ đầu, từ thương vụ thứ hai tôi giới thiệu cho ông một công ty chuyên xuất nhập khẩu nông sản và hai bên làm việc khá tốt với nhau. À, chuyện mà tôi muốn kể là sau bữa tối gặp gỡ với doanh nhân người Ấn nọ, tôi lại nảy sinh ý định kinh doanh… nhà hàng, một nơi gặp gỡ và trò chuyện của giới làm ăn, tôi thích sự sang trọng của không gian, sự tử tế của việc phục vụ , vẻ đẹp và hương vị của các món ăn. Dĩ nhiên sau một vài vấn đề, mà chủ yếu là mặt bằng và vốn, tôi đã từ bỏ ý định kinh doanh này, nhưng dù sao, đó là lý do tôi muốn nói, nên phân biệt giữa sở thích và cơ hội.

Có một chuyện rằng một hôm Bill Gates diễn thuyết ở một trường đại học, có một sinh viên hỏi ông rằng: tôi phải làm sao để kiếm được nhiều tiền như ông? Bill trả lời đại ý rằng: “vì Chúa, đừng bắt chước tôi, chỗ tiền đó tôi đã kiếm hết rồi”. Có những người giàu thừa nhận rằng mình may mắn vì kiếm được nhiều tiền, nhưng khi phải đưa ra một lời khuyên hay một lý do để khởi nghiệp, thì tiền là một yếu tố họ loại trừ, dù rằng, ai kinh doanh cũng phải nghĩ đến tiền, dù đó là một nghệ sĩ hay một chính trị gia.

Trong hằng hà sa số các cuốn sách dạy làm giàu, dạy kinh doanh xuất hiện gần dây thì cuốn “Evil Plans, having fun on the road to world domination” của Hugh MacLeod có thể không nằm trong số đó, bởi nó không khuyên bạn khởi nghiệp hay kinh doanh thế nào, nó làm bạn yêu thích công việc và sự chinh phục thế giới, thế giới ở đây không hàm nghĩa rộng lớn, nó chính là thế giới của bạn, là cuộc đời bạn.

Đọc tiếp phần 2: Chuyện làm ăn ở Sài Gòn.

Chuyen lam an o sai gon

Nguồn: damhaphu.com


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: