Đêm Sài Gòn ngồi nhớ tiếng dân chài


Không hiểu sao trong đầu tôi giờ lại ám ảnh bài hát Tiếng dân chài bởi những giai điệu dữ dội như sóng biển, mượt mà như ánh trăng vàng dát trên mặt nước và tươi vui như khi được khoang cá đầy, hoan hỉ trong cuộc sống cần lao vất vả…

Tôi là người sinh ra tại Sài Gòn nên biển cũng như cuộc sống của ngư dân với tôi luôn là điều xa lạ, xa lạ cho đến tận bây giờ.

Bãi biển đầu tiên trong cuộc đời cho tôi tung tăng với sóng và đợi chờ những đợt nước tấp vào bờ như không ngừng của từng con sóng bạc đầu ngoài xa tiếp nối nhau vào miền đất cát.

Đó là kỷ niệm của những ngày còn thơ theo bạn bè đi biển. Chỉ để tắm và ngắm nhìn những con tàu nhỏ xíu, dập dềnh xa khơi.

Và những con thuyền nhỏ chở đầy cá tươi về đậu trên bãi cùng với nụ cười hể hả của ngư dân.

Trong trí nhớ thơ ngây tôi còn có những dấu ấn về những làng chài lưới ở ven biển Nha Trang bằng những hàng lưới giăng mắc treo trên những dọc hàng cây để sửa soạn cho một ngày ra khơi tới.

Rồi khoảng năm 1971, tôi được xem Thanh Tú đóng vai chàng trai ngư phủ tên Vọi trong phim Trống Mái của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, phỏng theo tiểu thuyết của Khái Hưng để biết về cảnh sống của ngư dân Sầm Sơn năm 1936 (Thanh Hóa).

Chỉ có điều là bối cảnh Sầm Sơn lại chuyển về Nha Trang. Nhưng chắc biển nào cũng là biển thôi.

Sông Sài Gòn về đêm...

Sông Sài Gòn về đêm…

Rồi trong một dịp thi thố văn nghệ học sinh, chúng tôi được phân công đóng trong hoạt cảnh ca nhạc Tiếng dân chài của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Tôi vừa đóng vai một anh ngư phủ, tay ôm lưới (mặc áo bà ba chứ không dám ở trần) cùng hát phụ họa: Đêm dâng với ngọn triều/ Dô à dô kéo thuyền nhổ neo/ Vi vu buồm lên cao/ Dô à dô sóng reo dạt dào/ Trăng lên vừa nhô xa/ Con thuyền trôi trong trời bao la/ Mái chèo này chèo xa tắp bến bờ/ Mau mau anh em ta…

Bây giờ, mỗi khi có dịp nghe lại bài hát này tôi lại hình dung dãy nhà lá của dân chài lưới trên với những trùng trùng cọc giăng lưới đánh cá trang hoàng cho dung nhan bờ cát vàng thoai thoải.

Những em bé chắc bằng tuổi tôi hồi đó mình trần đen bóng chạy chơi dưới nắng trưa cùng với tiếng hát trong xóm chài thường văng vẳng ra trên bờ biển.

Một cảnh đẹp ngày trúng lưới thật thanh bình, hạnh phúc của ngư dân. Thật vô cùng đơn giản.

Hương khói gia đình bát ngát trong câu mong chờ! Rồi sau đó, có dịp nào đứng trước biển nhìn những con tàu đánh cá xa khơi, nhìn những chiếc thuyền thúng đang nằm uể oải phơi nắng sau những ngày ra khơi vật vã, tôi lại nhớ đến giai điệu bài hát Tiếng dân chài: Sông sâu (là) sông sâu/ Sông này nuôi sống dân chài nghèo…

Bài hát này nhạc sĩ Phạm Đình Chương cảm tác khi nhớ về cảnh ngư dân đánh bắt cá bên bờ sông Mã, rồi sau này là một trong những bài hát chủ lực của ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc, Hoài Trung, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương).

Thử tưởng tượng một ban hợp ca nổi tiếng nhất lúc ấy trong không khí nghệ thuật của phòng trà Đêm Màu Hồng hay trong những đại nhạc hội vẫn vang lên lời bài hát của người ngư phủ gửi cả cuộc đời mình bên con sông, lòng biển.

Những chiếc thuyền ra khơi không kém phần nguy hiểm lúc ở giữa lòng biển mênh mông đất trời để khi về cung cấp cho người TP những con cá tươi ngon.

Có ai biết đâu đã Xa bờ bến thuyền chài lần lượt/ Mỗi con buồm tìm một hướng giăng câu/ Bủa lưới mình dò tận đáy sông sâu/ Lùa tôm cá theo thủy triều sinh hoạt/ Dù mệt nhọc giữa biển trời bát ngát/ Đoàn dân chài vẫn ca hát nghêu ngao…

Người Sài Gòn mắc ơn người miền biển từng đêm khua ngọn chèo đèn soi con mực để những chuyến xe xuôi về sớm cùng chợ đầu ngày.

Người đồng bằng yêu cây lúa, ruộng đồng phù sa bùn lấm thế nào thì người dân chài yêu biển mặn nước bởi mồ hôi ngư phủ như thế ấy.

Suốt cuộc đời gửi gắm tuổi hoa niên cho đến khi thả mình vào lòng biển, lòng người ngư phủ đầy yêu bãi biển, con thuyền “chở cá ngàn phương đổ về” từ vú bà mẹ biển…

Người ngư phủ khi nhìn biển để nhớ “Ới ai đời sống dân chài…”.Mồ hôi nào bằng giọt nước mắt ngóng nhìn ngoài dặm xa khơi, ngoài kia là biển trông vời thuyền xưa thì lòng người Sài Gòn sẻ chia bằng nghĩa ân tình ruột thịt vì biển sông này của chẳng riêng ai…

Theo Lê Văn Nghĩa/Pháp luật TP.HCM

Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: