Hẻm Sài Gòn


Một trong những đặc điểm của Sài Gòn là những con hẻm. Đã ở Sài Gòn, khi ra nước ngoài du lịch hay định cư, nhiều người vẫn nói về những con hẻm của thành phố này như là một điểm để xác định người nói có phải là dân Sài Gòn chính cống bà lang trọc, dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín hay không.

“Anh, chị ở khu nào?”, “Nhà tôi ở hẻm Tam Tông Miếu… Hẻm quán cơm bà Cả Đọi… Hẻm cà phê Năm Dưỡng…”. Nghe được vậy thì khỏi nói, tay bắt mặt mừng vì gặp người Sài Gòn trên đất nước không… hẻm.

Trong một tản văn, nhà văn Minh Hương viết: “Sài Gòn đâu chỉ san sát nhà cao cửa rộng lộng lẫy, nghinh ngang đường sá tráng lệ. Sài Gòn còn nhiều con hẻm lẩn khuất, quanh co mà cư dân ngày càng đông đúc thêm, tưởng như lúc nào cũng sôi sục người là người. Tuy bề ngoài các con hẻm đều hao hao giống nhau nhưng không con hẻm nào giống hẳn con hẻm nào. Mỗi con một kiểu dáng, một phong cách, một tính tình, mang những nét đặc thù rõ nét. Có thể nói con hẻm của tôi là một Sài Gòn thu nhỏ. Lẫn lộn sống chung nhiều sắc tộc, phần lớn là người Việt, Trung, Nam, Bắc có cả”.

Hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận trước kia gọi là hẻm Ông Tiên, nay thường được gọi là hẻm từ thiện.  Ảnh: HTD

Hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận trước kia gọi là hẻm Ông Tiên, nay thường được gọi là hẻm từ thiện.
Ảnh: HTD

Phân biệt hẻm từ “những ngôi nhà không số hoặc thật nhiều cái gạch ở giữa những con số” (Thọ Diên). Nhiều nhà văn, nhà báo tại Sài Gòn khi xưa đã sống và lớn lên từ hẻm như Võ Phi Hùng đã xác định hình hài của hẻm: Từng con hẻm có một hình hẻm khác nhau do nhà tọa lạc quy định. Có hẻm nằm ngay trước cửa nhà, thò chân bước ra là chạm hẻm. Có hẻm ở sau nhà, hẻm cặp vách hông. Có hẻm thẳng đuột, hẻm quanh co, hẻm đầu to, đuôi hẹp… lép. Có hẻm từ mặt đường lộ tuôn xuống là một con dốc vừa cao vừa gắt, muốn vô hẻm phải đâm bổ đầu xuống. Lại có con hẻm ngày không có ánh mặt trời, đêm không có đèn chiếu rọi. Thôi thì đủ các thể loại: Hẻm uốn lượn mình xà, hẻm tà tà dích dắc, hẻm bị cắt, bị bít, hẻm đầu, hẻm đít, hẻm có cây mít, hẻm xít bên cây xoài, hẻm lia thia nhà thòi ra thụt vào, hẻm bị cào đứt khúc vì giải tỏa. Hẻm 24 giờ buôn bán đủ thứ cho một bữa cơm bình dị, bổ dưỡng. Hẻm 12 cung bậc âm thanh từ đám ma, đám cưới, hát karaoke đến tiếng lè nhè của bợm nhậu”. Sài Gòn hoa lệ nhưng cũng có vạn con hẻm nghèo còn đó. Tình người trong các con hẻm luôn ấm áp đầy đặn, sẻ chia. Giả định như Sài Gòn không có bao nhiêu con hẻm nghèo là chắc mất đi hơn phân nửa cái tình của Sài Gòn rồi, như con hẻm từ thiện ở đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) – có tủ thuốc sơ cứu dành cho người bị nạn, cơ sở mai táng cho người cơ nhỡ, có bánh mì phát không, có nước uống miễn phí. Cũng có con hẻm chuyên sản sinh hoa hậu, người mẫu, diễn viên như hẻm Lưu Luyến (đường Lê Văn Sỹ, quận 3)…

Hẻm - đặc sản của Sài Gòn. Ảnh: sưu tầm

Hẻm – “đặc sản” Sài Gòn.
Ảnh: sưu tầm

Sài Gòn còn có những con hẻm cà phê hay còn được gọi là cà phê hẻm. Những quán cà phê cóc “ngự” ngay đầu hẻm nhỏ để các bác già ngồi đọc báo và luận bàn thiên hạ sự. Hay có những anh nhập cư trước khi đi làm ghé quán cà phê cóc nói: “Nhớ quê đứt ruột” thì cô bán cà phê ghẹo: “Tới đây thì ở lại đây. Bao giờ bén rễ cây xanh mới dìa”. Biết đâu nhờ vậy mà có những cuộc tình rồi có những đám cưới tổ chức trong hẻm, đàn ca hát xướng rôm trời. Để rồi sau đó, hẻm nhỏ sẽ đón vài cư dân oe oe khóc chào đời trong hạnh phúc của cha mẹ. Hoặc có những cái quán cà phê khang trang, còn vườn cây xanh, có nhạc máy, có ghế ngồi tựa lưng sau khi khách sành địêu đã đi vòng vòng vào những con hẻm nhỏ tưởng như không có lối ra.

Như nhánh của những dòng sông, có những con hẻm liên thông với nhau rồi chạy ra con đường lớn để giải quyết giùm nạn kẹt xe của thành phố – chạy vòng vòng rồi bỗng dưng thấy một con đường. Có phải vậy không mà từ ngày xưa người dân Sài Gòn không gọi là con hẻm mà thường nói là đường hẻm (?). Ở thành phố khác chỉ có ngõ, ngách, kiệt chứ không có đường hẻm. Bây giờ, tôi nghĩ gọi là đường hẻm có vẻ phù hợp hơn vì hẻm đã biến thành đường để gồng gánh trên vai nó những hỉ nộ không thua gì một con đường. Và đường bây giờ đôi lúc cũng đã biến thành hẻm vì sự chật chội, nhỏ hẹp của nó. Hẻm và đường – đường và hẻm sống chung với nhau rất “tình thương mến thương”, rất ư là Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi…

LÊ VĂN NGHĨA


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: