Khá lên nhờ hiểu nhu cầu của người Sài Gòn


Với tôi, kiếm tiền ở Sài Gòn không khó, vấn đề là bạn có nhìn ra và đáp ứng được nhu cầu của người Sài Gòn hay không.

Tôi quê ở Huế nhưng sinh tại U Minh, Cà Mau. Năm 1994, việc học ở vùng U Minh còn chưa được coi trọng, nên cha gửi tôi lên Sài Gòn học cấp III. Năm 1998, khi tôi vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cha mẹ tôi bán nhà lên Sài Gòn định cư. Kinh tế gia đình khó khăn, tôi phải vừa học vừa làm. Năm nhất đại học, tôi đi bỏ mối đĩa CD. Nghề hết thịnh, tôi chuyển sang dạy kèm.

Cha tôi hỏi “Dạy kèm được bao nhiêu một tháng”, tôi nói chỉ vài trăm ngàn đồng. Ông nói, nhà có nghề sửa máy may truyền thống, sao không làm thử. Thế là tôi chuyển qua nghề lắp ráp, sửa chữa máy may Singer, là mặt hàng đang bán chạy thời đó, vì có rất nhiều tổ hợp may ra đời.

Ngoài ráp máy cho công ty, tôi còn ráp máy theo yêu cầu riêng của khách, mỗi máy kiếm được nửa chỉ vàng. Lúc ấy, chẳng những trang trải được tiền học, tôi còn có tiền để ăn chơi.

Dù mới học năm 2 đại học, tôi đã quen bạn gái và cưới vợ, nhưng chỉ được bốn tháng thì… chia tay. Sau ba năm theo nghề máy may, tôi không tích lũy được đồng nào, lại bị gián đoạn việc học hai năm, bị nghiện thuốc lá và nhiễm thói ăn nhậu. Dù sao, tôi cũng đã làm cho cha tôi vui vì đã một lần nghe theo lời khuyên của ông.

Tôi bèn chuyển sang nghề buôn vải vụn và cố học cho xong chương trình đại học. Thời đó, các ông chủ Hàn Quốc, Đài Loan chỉ tính mỗi cái áo tốn bao nhiêu vải chứ không quan tâm đến vải thừa.

Thực tế, khi đi rập (may công nghiệp), cứ 300 áo thì dư ra một cây vải. Tôi thầu mua số vải dư này mang ra chợ bán, có khi mỗi tháng được hai – ba đợt hàng, mỗi đợt lời đến 30 triệu đồng. Tất nhiên, cũng có khi ba tháng mới có được một đợt hàng.

Nhưng nghề này rồi cũng thất bại, tôi bỏ về quê, một xã ven biển của Huế. Trong dòng họ, tôi là diện “đích tôn” (con trai trưởng của người có vai vế lớn nhất họ), lại là người đầu tiên có trình độ đại học, nên được cả họ kỳ vọng.

Thế nhưng, đường vợ con của tôi không ra gì, đường công danh, sự nghiệp cũng chẳng sáng sủa. Mọi người thất vọng, tôi cũng tự thất vọng về mình. Sau hai tháng lưu lại Huế, tôi vào lại Sài Gòn với quyết tâm phải thay đổi cuộc đời.

Tôi đến tìm hiểu mô hình trường mầm non tư thục của mấy người bạn rồi thuê mặt bằng, mở trung tâm đào tạo ngoại ngữ – tin học. Tôi còn nhớ ngày khai giảng là 2/9/2003. Trường thuê, hiệu trưởng thuê, giảng viên mời. Vậy mà cũng có lời, mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng, vì học viên có tới 600 em.

Tôi chỉ cắt đặt mọi thứ ở trung tâm, còn bản thân thì đi làm cho một công ty về logistic, tiền lương đủ trả nửa tiền thuê mặt bằng trung tâm ngoại ngữ. Trung tâm của tôi đang hoạt động bình thường thì học viên ngày càng ít dần, sau này tôi mới biết là do tôi không chịu tái đầu tư.

Cơ sở vật chất ban đầu ra sao, sau mấy năm cũng y vậy, trong khi các trung tâm khác đầu tư phòng ốc hiện đại, có phòng media, tai nghe, màn hình phẳng, wifi … Năm 2007, tôi dẹp trung tâm, dư được một khoản tiền để mua ba chiếc xe tải chở hàng.

Sau đó, tôi được mời làm tổng quản lý cho một trung tâm ngoại ngữ – tin học sắp ra đời ở Q.12. Công việc của tôi là thiết kế toàn bộ chương trình học, loại giáo trình, hợp đồng thuê từ thầy cô cho đến hiệu trưởng.

Trung tâm này sau đó hoạt động rất tốt, học viên lên đến hàng ngàn người, phải mở thêm chi nhánh ở H.Hóc Môn. Tôi nghiệm ra, mình là người bắt chước rất nhanh, làm được nhiều việc nhưng lại không tính toán bài bản được, có khi làm cố vấn lại hay hơn làm chủ.

Trong quá trình làm tổng quản lý, tôi thường đi ngang chợ nông sản Hóc Môn, thấy người ta chỉ cần một xe rau củ quả là nuôi được cả nhà, bèn thuê mặt bằng 600m2, mở chợ mi-ni, chia sạp bán quần áo, đủ thứ rau củ quả và cho thuê sạp. Một thời gian sau, chợ đầu mối nông sản Hóc Môn khánh thành, chợ mi-ni của tôi bị dẹp. Chủ mặt bằng thương tình, trả lại cho tôi 40 triệu đồng tiền cọc.

Đang làm ăn ngon trớn thì buộc phải dẹp, tôi nản lòng, gần hai tháng trời không muốn làm gì, đi đâu, hễ đi đâu là tối về say túy lúy. Nhưng, vốn là người chịu làm, tôi không suy nghĩ tiêu cực nữa, mở một quán nhậu ống tre (nướng, hấp đều bằng ống tre). Đồ ăn chế biến qua ống tre thì ngon, nhưng không phù hợp cho số đông nên sau một năm mở quán, tôi lỗ te tua.

Vừa may, ông cậu ở Giá Rai (Bạc Liêu) gửi biếu mấy ký cua gạch Cà Mau. Tôi ăn thấy ngon, hỏi giá lại thấy rẻ, bèn nghĩ sao mình không kinh doanh cua biển? Tôi đóng cửa quán, xuống Đầm Dơi, Năm Căn, Sông Đốc (Cà Mau) nghiên cứu thị trường, xây dựng đầu mối.

sai-gon-muu-sinh

Không riêng gì anh Lâm, nhiều người khá lên nhờ vựa cua ở Sài Gòn – Ảnh minh họa

Năm năm nay, tôi chuyển hẳn qua kinh doanh cua Cà Mau, vừa bán quán với đủ món cua; vừa bán cua sống cho người ta mang về, mỗi ngày bán cua sống được 120 – 140kg. Chiều chiều, quán cua của tôi 25 bàn đều kín chỗ ngồi.

Bây giờ, mỗi tháng, trừ mọi chi phí, tôi còn lời 80 – 100 triệu đồng. Tôi đã mua được một căn nhà mặt tiền gần quán để đáp ứng cho số lượng khách ngày càng đông và đang dự tính mua tiếp căn nhà kế cận.

Tất nhiên, làm gì cũng phải hiểu biết về nó, kiểu “nghề dạy nghề”, phải dấn thân mới được. Chẳng hạn như con cua, con ốc qua vận chuyển từ Cà Mau về, phải hao hụt số lượng, nên cần biết cách bảo quản để không lỗ ký.

Nhân sự cũng phải biết cách điều hành mới tiết kiệm được người. Ví dụ như với số lượng khách như vậy, phải mướn sáu đầu bếp, nhưng anh chỉ nên mướn bốn thôi, rồi chia ca, khi khách ít thì anh em được nghỉ, khi đông khách thì bếp luôn có người làm.

Qua đủ thứ nghề đã trải nghiệm, tôi nhận thấy người Sài Gòn ai cũng mang sẵn ví tiền trong túi, vấn đề là anh phải nhìn thấy nhu cầu của họ để đáp ứng. Như cha tôi, nay ngoài 70 tuổi, chỉ cần một máy may mà mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng nhờ nghề may váy chống nắng cho phụ nữ. Vì phụ nữ thích mặc váy ngắn cho đẹp, nhưng lại sợ nắng ăn chân…

Nguồn: Ngọc Hồ (ghi theo lời kể của anh Nguyễn Viết Lãm, Q.Tân Bình, TP.HCM)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: