Người Sài Gòn với ký ức ‘chợ nhà giàu’ Tôn Thất Đạm giữa trung tâm


Lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng sầm uất ở trung tâm Sài Gòn, Chợ Cũ Tôn Thất Đạm, hay còn gọi là ‘chợ nhà giàu’ trước đây ngày qua ngày ngắm nhìn sự chuyển mình của thành phố. Theo UBND TP, tiền thân Chợ Cũ là tự phát nên nằm trong kế hoạch giải tỏa để trả lại lòng đường, vỉa hè.

Ghé thăm chợ Soái Kình Lâm – thiên đường vải vóc lâu đời và nhộn nhịp nhất ở Sài Gòn

Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?

Chợ Cũ Tôn Thất Đạm trước ngày giải tỏa

Chợ Cũ Tôn Thất Đạm trước ngày giải tỏa

Bắt đầu từ những năm 1910, vai trò vận tải của đường thủy dần nhường chỗ cho hệ thống vận chuyển đường bộ và đường sắt.

Các kinh rạch trong thành phố bị lấp dần để trở thành các lộ sá. Vai trò của Chợ Cũ trong nền kinh tế giảm sút dần cho đến khi Chợ Mới (chợ Bến Thành ngày nay) được thành lập năm 1914 gần bến xe, nhà ga xe lửa nối với Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây thì Chợ Cũ gần như không còn được nhắc đến.

Ga trạm tramway ở Sài Gòn (trước Chợ Cũ) đi Chợ Lớn. Đằng sau hình là mái nhà gian hàng ở Chợ Cũ

Ga trạm tramway ở Sài Gòn (trước Chợ Cũ) đi Chợ Lớn. Đằng sau hình là mái nhà gian hàng ở Chợ Cũ

Thế nhưng, sau bao nhiêu biến động của thời cuộc, đến nay Chợ Cũ vẫn âm thầm ngắm nhìn sự chuyển mình của thành phố. Có những gia đình từ thời xách những rổ rau chạy tới chạy lui tìm chỗ ngồi bán, nay đời con, đời cháu của họ đã có một góc sạp đàng hoàng trong chợ.

Chợ Cũ thật khác biệt với những chợ ở Sài Gòn ngày nay, không chỉ vì sự kế thừa sạp qua các đời mà còn vì sự “khác lạ” của các tiểu thương.

Chợ Cũ và khu vực chung quanh là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở buôn bán của người Hoa, Việt và Ấn ở trung tâm thành phố Sài Gòn

Chợ Cũ và khu vực chung quanh là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở buôn bán của người Hoa, Việt và Ấn ở trung tâm thành phố Sài Gòn

Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến Chợ Cũ là sự yên bình, thân thiện của tiểu thương. Đi tới hàng nào, bạn cũng có thể đứng xem những món hàng, hỏi giá và không mua cũng chẳng sao.

Chợ Cũ chỉ dài chừng 200m trên đường Tôn Thất Đạm (quận 1), đoạn từ đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Hàm Nghi. Hai bên đường là hai dãy sạp nằm ngay ngắn, người đi chợ không cần gửi xe mà chạy thẳng vào chợ rồi dừng ngay trước sạp cần mua.

Đi đến Chợ Cũ ngày nay không cần gửi xe, chỉ cần chạy thẳng vào trong chợ và dựng xe trước sạp cần mua

Đi đến Chợ Cũ ngày nay không cần gửi xe, chỉ cần chạy thẳng vào trong chợ và dựng xe trước sạp cần mua

Trước thông tin sau Tết Đinh Dậu 2017, Chợ Cũ sẽ giải tỏa trắng, nhiều tiểu thương ở đây tiếc nuối và nghẹn ngào khi nghĩ đến một ngày Chợ Cũ sẽ chỉ còn là những ký ức.

Thượng lưu đi Chợ Cũ

Với bà Trần Thị Quý (65 tuổi), người gắn bó với Chợ Cũ 43 năm, kho ký ức về nơi đây luôn là những câu chuyện đời thật dung dị và chân thực.

Bà Quý kể, từ năm 22 tuổi, bà đã ra ngồi phụ má chồng bán đồ hộp, đường, sữa tại chợ. Ngày trước, chưa được phân sạp nên thấy chỗ nào trống thì bà đến ngồi bán rồi có người quản trị chợ đi thu tiền hoa chi. Sau này, Ban quản lý chợ được thành lập, mỗi người được phân cho cái sạp rộng chừng 8 tấc (80cm).

Chợ Cũ nay vắng vẻ, đìu hiu,...

Chợ Cũ nay vắng vẻ, đìu hiu,…

Theo lời bà Quý, thời đó tầng lớp thượng lưu, khách “sộp” mới đến Chợ Cũ, nhiều người còn gọi vui là “chợ nhà giàu”. Chợ Cũ khi ấy cũng tấp nập người mua, kẻ bán, chứ không đìu hiu như hiện nay.

“Hồi đó có cả lính Mỹ, lính Hàn Quốc đi mua đồ bình thường như người mình, có mấy ông cao to còn ga-lăng boa luôn phần dư. Còn hàng hóa tui bán là mua lại của những người được mua của nhà nước nhưng không xài hết, hoặc họ bán đi để mua bo bo trộn cơm ăn cho no bụng. Không riêng gì hàng tôi mà hàng nào cũng đắt khách”, bà Quý nhớ lại.

Tiểu thương ở Chợ Cũ rất "lạ lùng", ai đi qua cũng chào mời nhưng tuyệt đối không chèo kéo

Tiểu thương ở Chợ Cũ rất “lạ lùng”, ai đi qua cũng chào mời nhưng tuyệt đối không chèo kéo

Bà Quý cũng cho hay, ngày bà mới được nhận sạp, nhiều người đi chợ chạy xe phà phà ra mua rồi chạy về trông rất oách, đàn bà thường đi honda dame, cup 50, còn đàn ông thì đi honda 67. Bà Quý cười xòa: “Thời đó là giàu mới mua được xe này mà đi chứ bán hàng ở chợ như tui thì chỉ có đi xe đạp”.

Hàng quán ở Chợ Cũ ngày nay đã vắng vẻ, không còn náo nhiệt như ngày nào

Hàng quán ở Chợ Cũ ngày nay đã vắng vẻ, không còn náo nhiệt như ngày nào

Người Hoa ở Chợ Cũ

Cũng theo bà Quý, xung quanh khu vực Chợ Cũ ngày trước có rất đông người Hoa, các tiệm tạp hóa trên đường Huỳnh Thúc Kháng phần nhiều là của những người Hoa đã lớn tuổi. Ngoài ra, trên đường này còn có thêm vài tiệm bán mút may xe hơi, hạt giống, lác đác vài tiệm may. Một số người bán rau củ cũng bỏ gọn vào trong cái rổ, ngồi bán dọc đường này cho đến đường Võ Di Nguy (đường Hồ Tùng Mậu ngày nay).

Không khí Chợ Cũ những ngày này man mác buồn...

Không khí Chợ Cũ những ngày này man mác buồn…

Bán hàng ở Chợ Cũ 57 năm, bà Huỳnh Thị Kim (77 tuổi) cũng kể lại rằng ngày trước giải phóng, quanh khu chợ đa phần là người Hoa. Do vậy mà trên đường Hàm Nghi những người gốc Hoa bán heo quay, vịt quay luôn đắt khách (ngay khu bánh Như Lan hiện nay), còn trên Tôn Thất Đạm thì có tiệm cơm thố Chuyên Ký nức tiếng, đối diện là tiệm cơm khác nổi tiếng với món lòng heo kho. Rải rác quanh khu vực cũng có thêm vài quán cà phê, đặc biệt ở chỗ người uống có thể chọn uống vào dĩa hoặc uống vào ly.

“Theo như tôi nghe lại thì những người vội vàng đi công việc sẽ uống cà phê dĩa để cà phê nhanh nguội, uống nhanh rồi đi làm. Còn những người không bận việc sẽ ngồi nhâm nhi cà phê trong ly. Đây là phong cách uống cà phê của người Hoa thời ấy”, bà Kim thuật lại.

Nghe tin giải tỏa chợ từ lâu nhưng ai cũng buồn và nghẹn lòng mỗi khi nghĩ đến chuyện Chợ Cũ chỉ còn là hồi ức

Nghe tin giải tỏa chợ từ lâu nhưng ai cũng buồn và nghẹn lòng mỗi khi nghĩ đến chuyện Chợ Cũ chỉ còn là hồi ức

Ngược dòng hồi ức, bà Kim tiếp lời, xa xa một chút về hướng chợ Bến Thành là Ga Sài Gòn (công viên 23 tháng 9 ngày nay). Đây là ga xe lửa chạy tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, cạnh đó là bến xe ngựa, xe kéo và xích lô máy. Còn bến Bạch Đằng là bến đường thủy để đưa đón ai có nhu cầu đi đến những nơi xung quanh Sài Gòn.

Bà Kim nhớ lại: “Hồi đó ai có tiền mới đi xe kéo, giống như đi taxi ngày nay vậy. Trước chợ Bến Thành khi ấy xe đông nên có một cây cầu vượt bằng sắt bắc ngang từ chợ sang vòng xoay đặt tượng Quách Thị Trang và tượng Trần Nguyên Hãn, một cầu vượt khác bắc ngang từ trạm xe buýt qua vòng xoay nhưng sau bị dỡ bỏ vì người ta chê…xấu quá”.

Bà Huỳnh Thị Kim nói sẽ nhớ Chợ Cũ thiệt nhiều...

Bà Huỳnh Thị Kim nói sẽ nhớ Chợ Cũ thiệt nhiều…

Nói đến đây, bà Kim bật cười nhớ lại thời “oai hùng” của mình khi phải “nhảy tàu” để trốn cảnh sát. Bà Kim kể, ngày đầu mới đi bán rau ở Chợ Cũ, bà lấy rau từ những người ở Gò Công chạy xe ngựa lên đậu ở đường Cô Bắc, Cô Giang. Rau hồi đó rẻ rề, người ta mua nhiều nên bà lấy cũng nhiều rồi đội lên đầu đi bộ về đến bến đò bên đường Hàm Nghi để rửa rau cho sạch đất rồi mới mang về Chợ Cũ.

Nhiều lần đang bán, cảnh sát rượt, bà ôm nguyên rổ rau chạy rồi nhảy lên xe lửa về Ga Sài Gòn, có lần quýnh quá, bà nhét rau vào luôn giỏ của mấy người đi chợ. “Ngày đó tui bán chui chui vậy chứ mà bán được lắm, không như bây giờ, giờ chuyển sang bán bún và gia vị nhưng khách cũng đìu hiu thôi”, bà Kim chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi mai này Chợ Cũ giải tỏa rồi bà có buồn không, bà Kim bỗng khựng lại, lặng một hồi lâu trước khi thở dài rồi nói: “Giờ già rồi, nghỉ bán cũng được nhưng chắc chắn là sẽ nhớ Chợ Cũ nhiều lắm…”.

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: