Nhớ những mùa trâm


Sài Gòn ngã tư Võ Văn Tần – Trương Định, người phụ nữ bày bán rổ trâm chín. Tôi vội bảo bạn dừng xe, chạy lại mua. Bạn mắng: “50 ngàn một ký trâm, bù thêm 5 ngàn nữa là mua được 1 ký táo Mỹ rồi”. Tôi cười: “Không ngờ trái trâm quê mình đem xuống đây bán đắt ngang táo Mỹ”.

Sống chậm giữa mùa mưa… sao Sài Gòn

Nao lòng trước những con đường hoa vàng đẹp hút hồn dưới nắng Sài Gòn

Ở quê tôi, trâm là thứ quả mọc dại đầy hai bên bờ suối. Suối trong veo, uốn lượn quanh xóm làng. Vào những ngày của tháng 3 tháng 4, khi chùm trâm bắt đầu chuyển từ màu xanh sang đỏ rồi tím đen là lúc dòng suối trở thành “giang sơn” của bọn trẻ. Cả đám có thể đu vít, vắt vẻo trên cành trâm từ sáng đến tối. Những trái trâm to bằng đầu ngón tay út, tím mọng, vị chua chua, ngọt ngọt, chan chát nhét đầy túi áo, túi quần. Buổi chiều đi học về, cả đám lại rủ nhau đi dọc theo suối hái trâm. Suối dài bất tận và hàng trâm cũng dài bất tận. Càng hái càng say mê. Nhiều khi tối mịt mới về. Bởi vậy, mùa trâm cũng là mùa ăn đòn.

Nhớ có lần thằng út bị mẹ đánh vì tội bỏ trâm vào túi áo trắng đi học làm chiếc áo lem màu tím không tài nào giặt ra nổi. Mẹ vừa giơ roi, chưa kịp chạm mông là nó đã khóc ré, chạy khắp nhà. Tôi đứng một góc, thấy thương quá nhưng ôm bụng cười ngặt ngẽo vì cái miệng méo xệch của nó bị nhuộm tím đen. Hồi chiều, chắc nó ăn nhiều trâm lắm.

Cũng vào mùa trâm, thằng Cường ở gần nhà tôi bị mẹ nó sai đi mua dầu hỏa mà quên mất. Thay vì rẽ vào quán chạp phô đầu xóm, nó lại chạy ù ra suối. Cường mải mê hái trâm. Mẹ nó đứng bên bờ suối, gọi: “Cường ơi!”. Nó dạ rõ to. Mẹ nó điên tiết, hét: “Đem dạ về đây”. “Dạ ở chỗ nào, mẹ?”. Đúng là không hổ danh Cường ngố. Nghe đâu tối về, nó được một trận no đòn. Vậy mà những ngày sau, Cường ngố vẫn ngồi vắt vẻo trên cây trâm, phun hạt trâm vào đầu bọn con gái, đọc: “Trời mưa lâm thâm/cây trâm có trái/con gái có duyên/đồng tiền có lỗ”.

Có lần, chúng tôi ngồi trên tảng đá to nhất giữa suối, hỏi nhau: “Mày được ăn táo Mỹ chưa, ăn cherry chưa, ăn lê chưa?”. Thế là cả đám ngồi ăn trâm mà như đang ăn những trái cây chắc rất đắt kia. Cảm giác ngon hơn hẳn. Lúc đó, tôi đã ước gì mình lớn thật nhanh để đến những vùng đất mới. Tôi sẽ kiếm nhiều tiền và ăn thử xem táo Mỹ, cherry, lê nó chua ngọt ra sao.

Cho tới ngày sống nơi thành phố, tôi thi thoảng thèm nhớ vị chan chát của trái trâm dại quê nhà. Những lần về thăm quê, tôi thấy hàng trâm xưa chỉ còn trơ gốc. Cường ngố bảo, từ khi có nhà máy gần suối hoạt động, cả xóm chẳng còn ai ra suối tắm giặt, hàng trâm cũng chết dần chết mòn. Hai đứa tôi thở dài. Luyến tiếc những mùa trâm dại chỉ còn trong ký ức.

Theo laodong


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: