Ở lại Sài Gòn ăn Tết cũng vui mà em!


Mấy hôm nay, cái Nga phòng bên cứ khóc rấm rức vì Tết này phải ở lại Sài Gòn. Nga 25 tuổi, quê Hà Tĩnh, vào Nam làm công nhân được 6 năm. 5 cái Tết kia, dù thưởng Tết ít hay nhiều,  Nga đều về quê. Tết năm nay, Nga phải ở lại Sài Gòn vì công ty khó khăn nhiều tháng qua, nếu Nga về quê, tiền Tết chỉ đủ mua vé xe, không có dư để gửi biếu bố mẹ, nên Nga chọn ở lại.

Những mùa Tết xưa trong ký ức một người Sài Gòn

Câu chuyện về những cuộc chia ly trong ngày Sài Gòn cuối năm

Một buổi tất niên công ty mang đến nhiều niềm vui cho anh chị em CN.

Một buổi tất niên công ty mang đến nhiều niềm vui cho anh chị em CN.

Quyết định ở lại Sài Gòn rồi nhưng Nga vẫn cứ khóc. An ủi thế nào cũng không chịu nín. Tôi dỗ: “Ở lại Sài Gòn ăn Tết cũng vui mà em. Năm nay chị “bao vui”, không vui chị sẽ đền bù”.

Tôi hơn Nga 3 tuổi, có thâm niên làm việc ở Sài Gòn này 10 năm, 18 tuổi tôi đã vào Nam, 20 tuổi tôi đã bắt đầu ăn Tết xa nhà. 10 năm ở Sài Gòn, số lần về quê ăn Tết của tôi lại càng hiếm hoi. Tất nhiên, ngày nhìn các bạn háo hức dọn đồ đạc, mua sắm món quà, hay đơn giản khoe cái vé xe về quê, tôi lấy làm buồn lắm! Nhưng nghĩ đi thì phải nghĩ lại, về quê thì cũng là về với bố mẹ, không về ngày Tết thì mình về ngày khác. Hơn nữa lại tiết kiệm được khá nhiều tiền cho chí phí đi lại, số tiền đó tôi gửi cho bố mẹ sắm Tết. Ra năm, tôi xin nghỉ phép, về quê chơi một tuần cho thỏa nỗi nhớ.

Còn những ngày Tết ở Sài Gòn, nếu chịu khó cũng có lắm cái vui. Thứ nhất, các chị em ở nhà trọ. Bình thường mình cứ đi làm suốt, không có cơ hội gặp mặt, chuyện trò, Tết đến, nhà nào còn ở lại thì rủ nhau nấu bánh chưng, gói nem, làm mứt, trò chuyện rôm rả, hiểu nhau hơn. Thứ hai, ngày Tết, ở trung tâm thành phố có rất nhiều tụ điểm vui chơi công cộng, hoàn toàn miễn phí hoặc có phí đi chăng nữa thì cũng rất rẻ như đường hoa, đường sách, chợ hoa… Đó là những tụ điểm mà dễ gì mình đến trong năm, chưa kể, lúc đó Sài Gòn lại đẹp nhất, yên bình, không kẹt xe, vội vã. Thứ ba, có rất nhiều nhà văn hóa, điểm vui chơi ca hát tổ chức các chương trình văn nghệ miễn phí cho công nhân như Nhà văn hóa quận, Cung văn hóa lao động, chưa kể, có cơ hội gặp nhiều ca sĩ mình yêu thích… Thứ tư, tổ chức công đoàn có nhiều chương trình họp mặt, mở các hội thi gói bánh chưng, trang trí cây mai, cây đào, thi hát văn nghệ… rộn ràng, nhộn nhịp từ 25 Tết. Chưa kể, thời buổi bây giờ hiện đại, đêm giao thừa, bật Facebook, Zalo lên, nói chuyện trực tiếp với gia đình, khoảng cách ngàn cây số bị rút gọn ngay. Tôi chưa kịp nói hết câu, cái Nga đã mỉm cười bảo rằng, sẽ không khóc nữa, Tết này quyết “đu” lấy tôi để đi chơi Tết.

Nghe nó bảo vậy, tôi vừa vui, lại vừa lo. Vui vì nó đã cười nói hoạt bát, tạm thời quên đi cái Tết xa quê, không khóc để chị em tôi bớt xót ruột. Lo vì cái Nga đã tuyên bố quyết “đu” lấy tôi để đi “trẩy hội hoa Xuân” thì tôi phải có trách nhiệm. Trước tiên, tôi phải tìm lại lịch hoạt động các chương trình tôi vừa liệt kê từ ngày 25 Tết cho đến ngày mùng 6 Tết. Viết hết ra giấy, đưa cho cái Nga chọn, ưng cái nào là cả phòng tôi lên lịch, sắm bộ quần áo đẹp du Xuân. Tôi thường bảo mấy đứa em trong phòng: “Ngày Tết, về quê được với gia đình thì hạnh phúc nhưng nếu phải ở xa thì cũng không lấy đó làm điều buồn phiền. Ta phải vui thì bố mẹ mới vui. Ở đâu cũng có niềm vui cả, quan trọng là mình có chịu tìm hay không”.

Theo laodong.com.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: