Ra phố chiều nay


Bạn ở nước ngoài về cứ nói mãi vẫn thích một Sài Gòn thời còn thưa vắng người hơn bây giờ, khi mà có thể thong thả đi trên đường ngắm lá me bay hay thong dong thả hồn trong phố vắng một chiều mưa. Với thú vui dạo phố đã có từ lâu, mình vẫn thường lang thang đó đây ở nơi đang sống, hoặc khi đến một thành phố du lịch phương xa, những lúc về thăm quê nhà. Mỗi lần đi là một lần có cảm giác khác. Khi thì mới lạ, khi thì thú vị, khi thì an yên. Rồi một hôm, mình lại ra phố Sài Gòn.

Sài Gòn lạnh: Làm gì nếu không có “gấu”?

Đẹp lung linh những hang đá mùa Noel xóm đạo

ef418_29e89_ktsg_ra_pho_chieu_nay_200

Chiều thứ Bảy, hay là mình ra phố Tây cho lạ? Sau bao lần nghe ngóng về vấn đề dọn dẹp vỉa hè, cẩu xe đậu trái phép, dẹp lấn chiếm lòng lề đường, mình cũng dè dặt chạy xe về nơi phồn hoa đô hội. Quả thật, đã sống gần hai mươi năm nơi này, chưa bao giờ mình nghĩ có ngày thành phố chật ních đến như vậy. Phương tiện giao thông công cộng chưa tiện lợi và chưa phổ biến. Đi xe hơi thì sạch sẽ nhưng quá chậm và nhiều nơi không có chỗ đậu xe, đặc biệt những quán ăn uống trứ danh thường tọa lạc ở những nơi sầm uất nên lại càng bất tiện. Đi xe máy thì ngửi khói bụi và cũng phải chịu cảnh kẹt xe, leo lề nên thú vui dạo phố bằng xe máy một thời giờ đành gác lại. Thôi thì đi bộ vậy!

Đi bộ, vỉa hè lúc thoáng, lúc chật, đành đi xuống lòng đường. Và cũng vì quá tải mà không khí cũng không còn nhẹ nhàng cho người tản bộ. So với Đà Lạt hay một số thành phố du lịch khác ở Việt Nam, thậm chí là so với chính Sài Gòn mươi năm trước, Sài Gòn bây giờ đã khác quá nhiều. Cuộc sống hối hả và chen chúc quá. Người ở quê mấy năm mới lên lại Sài Gòn sẽ không khỏi buột miệng kêu lên “xe ở đâu mà đông, người ở đâu mà nhiều!”.

Câu trả lời đâu khó mấy. Người đa số là dân nhập cư từ các tỉnh, từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Sinh viên đến học đại học, học xong ở lại làm việc. Dân tứ xứ khó khăn về công việc, hay tránh thời tiết khắc nghiệt, vụ mùa thất bát, đất đai bạc màu,… cũng xuôi ngược về thành phố mưu sinh. Người đi mang theo xe, và cứ như thế, thành phố ngày càng chật ních. Đường trên cao chưa xong, đường ngầm dưới đất cũng chưa xong, nghe đâu dự toán lệch quá xa thực hiện nên một số dự án phải dừng lại chờ điều chỉnh rót thêm vốn. Trong khi đó, người nhập cư vẫn cứ tới đều đều.

Không chỉ cuối tuần, nếu chịu để ý, có thể thấy đường phố bây giờ lúc nào cũng đầy xe, cảm giác mọi giờ đều là giờ cao điểm, tất cả các phương tiện đều di chuyển rất chậm. Chương trình radio dành cho tài xế luôn nhắc nhở các bác tài phải kiên nhẫn, một điều nhịn chín điều lành. Về đêm, khi tới giờ xe tải, xe container được vào thành phố, lưu thông càng rầm rộ hơn, khách bộ hành hay khách đi xe máy lại càng cảm thấy mình nhỏ bé trước những đoàn xe to đùng chuyển động thật đáng sợ. Gần về sáng thành phố mới có một vài khoảnh khắc ngơi nghỉ, vắng xe.

Chuyện của người làm chính sách, người làm quy hoạch là bài toán giãn dân, tránh tập trung quá đông ở một thành phố xem ra chưa được đặt ra đúng mức ở ta. Ở miền nào hay thành phố nào cũng được hưởng phúc lợi như nhau, hạ tầng cũng đáp ứng tốt như nhau, siêu thị, bệnh viện, trường học, dịch vụ vui chơi giải trí đều tương đồng và ở đâu cũng đều có cơ hội việc làm thì sẽ ít xảy ra di dân cơ học. Thử hình dung nếu không giải quyết được vấn đề này, dân cư cứ đổ xô về một vài thành phố sinh sống thì mọi việc sẽ chuyển sang hướng khác, nan giải và mất kiểm soát.

Chiều thứ Bảy rồi xuống phố, tôi không buồn bởi một giờ kẹt xe, hay dư hương lãng đãng của một thời thong dong trên phố đầy hoài niệm. Tôi đang sợ không biết rồi lâu năm nữa, ra đường ta sẽ đi lại ra sao để hẹn gặp nhau trong những buổi cuối tuần, hàn huyên trò chuyện bên ly cà phê hay uống vài ly rượu mà kể nhau nghe những ấm lạnh trong đời…

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: