Rao Sài Gòn, rao Hà Nội…


Rao Sài Gòn, rao Hà Nội 2

“Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ, năm ngàn một ổ. Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ ơ ơ…”. Ủa? Tại sao lại phải chua thêm cái cụm tính từ “đặc ruột thơm bơ” nhỉ? Đứa em thắc mắc.

Đứa chị bảo: “Thì chắc là có loại bánh mì rỗng ruột và không thơm bơ thì nhà rao mới có cái câu đó để hút khách chứ”. Ờ ờ… Có bánh mì đặc ruột tức là có những người làm ra thứ bánh mì rỗng ruột, mà thứ bánh mì đó có người mua không ưa.

A, đừng nói người bình dân không hiểu kinh doanh nhé. Sách quản trị kinh doanh trường Mỹ dạy rằng “ở đâu có phàn nàn, ở đó có cơ hội”, chẳng phải lời rao trên là đúc kết xuất sắc bài học kinh doanh này đó sao?

Cả ngày đi làm, buổi tối trước khi đi ngủ và sáng sớm, trước khi bị “cuốn theo chiều gió” là lúc tôi có thể lắng nghe hơi thở của thành phố này một cách gần và thật nhất. Có khi tới 1 giờ đêm vẫn còn nghe hủ tiếu gõ, tiếng rao “Bánh chưng chiên ê!”, “Bò bía đây, bò bía nào”.

Rao Sài Gòn, rao Hà Nội 1

Ảnh: Thuận Thắng

Và ngày nào cũng như ngày nào, chắc chắn 11 giờ đêm sẽ có tiếng phụ nữ lớn tuổi đặc trưng chất giọng ở miền quê Nam bộ, hơi nặng và đục: “Chè đậu xanh nước cốt dừa đây!”. Tôi luôn cảm động vì lời rao ấy, và tự hỏi người mẹ ấy đang sống trong căn nhà thế nào, mấy giờ bà được đặt lưng xuống giường và chìm vào giấc ngủ?

Bà đang kiếm tiền nuôi bao nhiêu đứa con, liệu ông chồng có đỡ đần bà hay chỉ sa đà nhậu nhẹt, tại sao không thấy ngày nào bà nghỉ, chả lẽ bà không mệt hay không bệnh bao giờ?

Tôi biết ơn cuộc đời cho tôi cơ hội để học cách sống thật sâu mỗi ngày qua những nhịp điệu nhỏ nhoi ấy. Và tôi phát hiện ra Sài Gòn cả ngày sôi nổi với rất nhiều điệu rao, tiếng rao, nhưng riêng buổi sớm tinh mơ là đặc biệt vắng bóng dàn hợp âm này.

Những buổi sáng khi mặt trời chưa nhú lên khỏi cảng sông phía đông nơi cửa sổ phòng tôi hướng ra, tôi nằm nhắm mắt nghe tiếng xe bắt đầu chạy rì rầm thưa thớt phía dưới con đường lớn, tiếng nói lao xao của những người dọn hàng sớm hay cảm nhận cơn gió mát dịu chui qua ô cửa sổ, lướt qua các đồ đạc trong phòng. 4g sáng ngày nào cũng vậy, cốc cốc cốc… tiếng mõ tụng kinh đều đều của ngôi chùa gần đó lan tỏa đi qua các hẻm nhỏ còn say giấc.

4g sáng cũng là lúc tiếng chuông đầu tiên của ngôi nhà thờ xinh đẹp phía bờ sông ngân lên vang rền, boong… boong… Đó là hồi chuông bắt đầu buổi đọc kinh sớm nhất trong ngày của 
nhà thờ.

Ở giữa tiếng chuông nhà thờ và tiếng gõ mõ sớm mai, tôi luôn thấy mọi tôn giáo hay niềm tin đều đẹp như nhau, chỉ có cách diễn đạt là khác.

Rồi tới 5g sáng có thêm hai mùi rất đặc trưng ở mảnh đất này là mùi nước lèo của món bún bò rất nhiều sả và mùi cà phê mới pha, thơm nồng nàn và thanh tao quyến rũ. Nhưng chỉ một chốc lát thôi, 6g sáng là dàn nhạc mưu sinh lại tiếp tục nổi lên: Ai bánh mì nóng giòn; Dưa ngon bao ngọt 10 ngàn 1kg đây; Ổi giòn bao ngon 15 ngàn 2kg ơ ơ; Khoai lang tím Nhật 15 ngàn 1kg ơ… Rổn rảng!

Nhất là nếu bạn đang đứng lựa thực phẩm giữa một cái chợ xanh – tên gọi chung cho hàng nghìn cái chợ dân sinh thường tụ tập ở đầu hẻm các khu dân cư. Chợ thường họp chỉ vào khoảng 6g-10g sáng 
trong ngày.

Ở Hà Nội, nếu bạn thức khuya sẽ nghe tiếng “Ai bánh khúc nóng ơ”, “Bánh mì nóng giòn đây!”, “Bánh bao nóng đây” và vào sáng tinh mơ thì tuyệt chỉ có thể nghe tiếng xe chạy văng vẳng đâu đó xa xôi.

Khi đi xa Hà Nội, tôi đặc biệt nhớ tiếng gió rít lạnh lùng ngoài cửa sổ mùa đông, đặc biệt những ngày mùa đông mưa. Bên tai như thầm thì lời Bằng Kiều hát: “Nghe bâng khuâng mùa đông mùa đông, ô cửa sổ xa vắng. Trong cơn mưa mùa đông mùa đông, em là câu 
hát buồn…”.

Còn khi đi xa Sài Gòn, tôi đặc biệt nhớ mùi cà phê mới vào sáng sớm, nó lang thang ở thế giới ngoài kia rồi tan vào ô cửa sổ của chúng tôi. Và cũng đặc biệt nhớ những sợi mưa xiên ngang bầu trời với cả nghìn ngôi nhà đủ kiểu bon chen, lấp đầy bởi những tiếng rao hoang sơ ẩn hiện trong màn sương mờ ban mai.

Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng cuộc đời mình đã chuyển sang gam màu hoàn toàn khác mà trước đây tôi chưa khi nào có thể hình dung. Chỉ vào năm mà tôi đã thật sự phân thân giữa hai miền, chỉ riêng những tiếng rao thôi đã khác xa nhiều đến thế. Và tôi đoan chắc con người hoàn toàn có khả năng chìm đắm trong quá vãng thuộc về nơi kia khi thân thể đang ở nơi này.

Nếu tâm hồn ta bắt buộc phải thành một thể thống nhất, để tập trung vào hiện tại, luôn trong tâm thế chụp bắt lấy tương lai của đời mình, thì tôi vẫn muốn lựa chọn cách khác, điềm đạm hơn, chấp nhận để mình tách thành những mảnh riêng biệt, để sống qua những tầng sâu khác nhau của nhân gian này.

Theo Hồng Phúc/Tuổi trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: