Sài Gòn sông bể…


Đang đi bộ dọc bờ hồ Xuân Hương Đà Lạt nghe thấy tiếng rao: ‘Để giấy tờ của bạn không bị mục lát (nát), hãy đến với công nghệ ép pờ-nác-tích (plastic) của chúng tôi’. Tiếng rao ngòng ngọng nghe quen quá.

Lỡ thương Sài Gòn

Gánh hàng rong lên quán cháo bò viên ‘ông hói’: 20 năm người Sài Gòn không quên

1_54630

À! hồi ở Sài Gòn ngày nào chẳng có anh bán hàng rong kéo chiếc xe qua hẻm nhà tôi rao lên như vậy. Tự nhiên nhớ tuôn trào.

Dạo đó, Sài Gòn đã có hẳn công nghệ thu âm tiếng rao. Ai bán hột vịt lộn mua băng hột vịt lộn, bán xôi mua băng bán xôi… Hàng gì cũng có. Bởi vậy, tiếng rao mới có cách “xuất khẩu” đi khắp nơi. Có tiếng rao nghe ngắn gọn, bộc tuệch kiểu “bánh mỳ Sài Gòn đặc biệt thơm ngon, hai ngàn một ổ” hoặc “bánh giò nóng nào, ai bánh chưng nóng không”… Có tiếng rao được đầu tư bài bản như một tiểu phẩm hoàn hảo trên truyền hình.

Tôi cá là ai từng sống ở thành phố đô hội này chắc chắn nghe tiếng rao của dân bán keo dính chuột: “Trung tâm công nghệ góa mào (hóa màu) vừa cho ra đời một sản phẩm mới. Đó là… keo dính chuột”. Một kiểu rao nghe qua có vẻ rất hàn lâm, nhưng ngẫm lại thì chẳng biết cái “Trung tâm công nghệ góa mào” nó nằm ở đường nào.

Tiếng rao “công nghiệp” dù đỡ đần cho những người bán hàng rong cả ngày lê bước phố phường nhưng lại vô hồn. Không như tiếng rao miệng, nghe qua là biết người bán hàng quê ở đâu, vào Sài Gòn lâu chưa, hôm nay vui hay buồn, bán đắt hay ế.

Ở chợ Căn cứ quận Gò Vấp có một anh đứng bán bí xanh. Ngày nào anh cũng lặp lại một câu đến trăm lần: “Bí xanh đây, bí xanh mười nghìn ba quả, xổ rẻ hết nuôn”. Hôm nào anh cao giọng chữ “hết nuôn” thì biết ngay anh bán được. Có hôm ế khách, cũng câu rao ấy nhưng cái giọng “xìu xìu ển ển”, nghe phát mệt. Và dù đã được pha trộn từ “xổ rẻ” đậm chất Nam Bộ nhưng người ta biết ngay anh này người Bắc thứ thiệt, ngọng “nờ cao nờ thấp” chẳng “nẫn” đi đâu được.

Buổi tối, lần nào đi ngang qua ngã tư Phan Văn Trị giao Nguyễn Oanh cũng bắt gặp tiếng rao của anh chàng bán chăn mền dạo: “Hôm nay bán, ngày mai nghỉ, ngày mốt đi Mỷ (Mỹ). Giá bèo, quẹo lựa, quẹo lựa bà con ơi”. Cả năm, tôi đi qua vẫn nghe rao vậy, chợt bật cười, thiệt tình, hổng biết ngày nào ảnh đi Mỹ. Cả Sài Gòn đều biết anh nói xạo. Nhưng cách nói xạo hồn nhiên đậm chất miền Tây của anh nghe lại thấy vui vui.

Em tôi bảo, nó luôn phải “né” đi qua giao lộ Ngô Gia Tự – Ngô Quyền. Vì đi ngang qua đó tự dưng thấy… ngứa lưng. Ở ngã tư này, có một ông chú người Quảng Ngãi bán cây gãi lưng bằng nhựa. Mỗi lần đèn đỏ bật lên là ông lại lấy cây ra gãi sồn sột: “Trời ơi, nó đã, nó sướng…”. Ông kéo dài cụm từ “nó đã, nó sướng” đến cả phút với gương mặt vô cùng biểu cảm. Đèn đỏ dừng tới 70 giây, nhiều người không chịu nổi phải gạt chân chống, móc 10 nghìn đồng mua một cây mới thấy yên!

Hàng rong mà, mỗi món vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng thì lời lãi đáng bao nhiêu. Chẳng ai giàu có rồi lại chọn nghề bán hàng rong, dốc mọi sức lực để thu hút sự chú ý về mình. Bởi vậy, có hôm chú bán cây gãi lưng dường như mệt quá đã thu âm lại tiếng rao của mình để mở MP3 tua đi tua lại, nghe giọng vữa rớt, chán ốm. Được một hai bữa ông bỏ luôn cái loa, quay lại rao miệng.

Người ta đã có thể số hóa tiếng rao. Nhưng sự rung động bên trong “con âm” của mỗi người đó thì không thể số hóa.

Sài Gòn rộng lượng bao dung nên thành phố luôn được đền đáp bằng cơ man là cảm xúc nhớ thương của mỗi cuộc đời đã đi qua hay vẫn đang hằng sống.

Này chú bán bánh mỳ dạo ơi, hôm nay chú vui hay buồn?

Theo baomoi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: