Sài Gòn xưa tái hiện độc đáo qua tranh của 9X Việt


Bộ tranh “Sài Gòn xưa” của Lê Hưng Trọng đang thu hút được nhiều sự chú ý của nhiều người dân Nam Bộ và đặc biệt là giới nghệ thuật.

trong-lee-1

Lê Hưng Trọng – hay còn được gọi là Trọng Lee – sinh năm 1983, tại Phan Rang, Ninh Thuận. Anh tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc – Xây dựng, khoa Kiến trúc, ĐH Dân lập Văn Lang, TP.HCM. Chàng trai từng đạt giải Nhất cho phương án Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2011 và là tác giả của biểu tượng Nàng Tiên Cá hai đuôi đầu tiên của thương hiệu Starbucks tại Việt Nam, sau đó được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cuối năm 2014, Hưng Trọng xuất bản cuốn sách ảnh nghệ thuật bằng màu nước theo phong cách thần tiên mang đậm dấu ấn về Sài Gòn xưa.

trong-lee-2

Tác phẩm đề cập đến những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng tồn tại hàng thế kỷ của Sài Gòn như: chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, UBND thành phố, nhà hát thành phố, thương xá Tax… Với tính cách tỉ mỉ của một cựu sinh viên Kiến trúc, Hưng Trọng luôn cẩn thận, chi tiết trong từng nét phác thảo. Các bức vẽ của anh chia sẻ luôn nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía cộng đồng mạng.

trong-lee-3

Bức tranh mang tên Sài Gòn xưa được chọn làm bìa cuốn sách. Hưng Trọng cho biết ý tưởng về dự án Sài Gòn xưa xuất hiện cách đây 3 năm khi anh có cơ hội đi du lịch tại một số quốc gia. “Mỗi lần đặt chân đến mỗi vùng đất mới, tôi thường bị ấn tượng và cuốn hút bởi những bức hình quảng bá về đất nước bạn. Sau nhiều lần như vậy, tôi nghĩ, tại sao mình không thử làm một món đồ gì đó để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Hơn nữa, Sài Gòn từng là mảnh đất tôi gắn bó nhiều năm liền. Dự án của tôi ra đời từ khi ấy” – tác giả chia sẻ.

trong-lee-4

Nhà thờ Đức Bà được vẽ cách điệu. Đây là một trong những bức tranh khiến Hưng Trọng ấn tượng và tâm đắc nhất. Ban đầu, Sài Gòn xưa chỉ là những bức tranh đơn lẻ với dự định ra mắt trong một triển lãm nhỏ. Tuy nhiên, khi được mọi người đón nhận một cách tích cực, chàng trai đã bắt tay vào việc đầu tư, phát triển thành một cuốn sách nghệ thuật lớn.

trong-lee-5

Quầy rong bán giải khát là một chi tiết không thể thiếu trên đường phố của Sài Gòn những thập kỷ trước. Quá trình thực hiện dự án này cũng khiến tác giả gặp vô vàn khó khăn. Ngay từ việc tìm tư liệu sao cho chính xác với lịch sử, sắp xếp thời gian để nghiên cứu, trong khi vẫn phải đảm bảo công việc hàng ngày là một Kiến trúc sư.

trong-lee-6

“Sài Gòn xưa lại là sự kết hợp giữa hội họa lẫn nhiều kiến thức về lịch sử. Hơn nữa, tôi lại là một người khó tính với bản thân, nên mọi bức vẽ tôi đều rất tỉ mỉ. Riêng điều này cũng tốn khá nhiều thời gian” – tác giả chia sẻ. Thương xá Tax được anh uốn nắn, bao quát trong biểu tượng chú gà.

trong-lee-7

Hình ảnh chợ Bình Tây qua nét vẽ của Hưng Trọng. Anh tâm sự: “Đã có không ít lần tôi nản chí và muốn bỏ cuộc với “công trình” này. Bởi công việc của một kiến trúc sư vốn rất bận rộn, lại thường xuyên phải đi công tác. Vì thế, nguồn cảm hứng và tâm huyết của tôi cho Sài Gòn xưa cũng từng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, với niềm yêu thích và sự quyết tâm, cuối cùng, tôi cũng đã có thể gửi gắm đến người xem một tác phẩm tương đối hoàn hảo”.

trong-lee-8

Bức tranh khắc họa hình ảnh tại Bùng binh cây liễu.

trong-lee-9

Một góc của phố chợ xưa. Điểm cuốn hút của tác phẩm ảnh này không chỉ nằm ở những hình vẽ hay ý nghĩa lịch sử, mà nó còn được Hưng Trọng thêm thắt bằng nhiều chi tiết độc đáo.

trong-lee-10

Bản thảo của Sài Gòn xưa.Với thành công ban đầu của tác phẩm, Hưng Trọng luôn mong muốn có thể mang một phần thân thuộc của Việt Nam đến với tất cả mọi người – trong và ngoài nước. “Qua cuốn sách này, tôi hi vọng người nước ngoài sẽ có cái nhìn hoàn mỹ hơn về Việt Nam chúng ta” – tác giả chia sẻ.

Nguồn: Nhật Ánh / Ảnh: NVCC


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: