Sức sống mới trên xóm Gò Mả Rạch Lào


Từ một xóm có nhiều khu mộ tập trung, không gian lạnh lẽo đầy âm khí, chẳng còn khoảng cách giữa người sống và người chết, giờ đây xóm Gò Mả Rạch Lào đã có cuộc sống mới. Những ngôi mộ được di dời, thay vào đó, nhiều ngôi nhà nhỏ khang trang, ấm áp xây san sát nhau, bọn trẻ được cắp sách đến trường…

Diệp Bảo Ngọc mong sức khỏe, công việc phát đạt trong năm Kỷ Hợi
Bốn quán ăn nổi tiếng càng đông khách nhờ sao Việt

Sống trên những nấm mồ
Phải rất khó khăn chúng tôi mới tìm được xóm Gò Mả Rạch Lào, nằm sâu trong con hẻm 288 bis, đường Lưu Hữu Phước, thuộc P.15, Q.8, TP.HCM. Đây là xóm duy nhất trên địa bàn Q.8 còn mồ mả. Xóm Gò Mả Rạch Lào – con xóm nằm ven dòng kênh Rạch Lào quanh năm đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Gò Mả Rạch Lào – ngay từ tên gọi, nhiều người có thể mường tượng ra cuộc sống của những người dân nơi đây khi sống xen lẫn giữa những ngôi mộ của người chết.
Cuộc mưu sinh chưa bao giờ là dễ dàng với người dân nơi này. Xóm Gò Mả Rạch Lào trước đây có nhiều khu mộ tập trung, song một số người dân nhập cư nghèo từ khắp nơi tìm đến khu vực này kiếm kế sinh nhai với đủ mọi nghề, từ thợ hồ, bán vé số, nhặt ve chai… Họ khai hoang khoảng đất trống giữa những ngôi mộ rồi dựng tạm mái nhà che nắng, che mưa nên người ta còn gọi bằng cái tên “xóm nghĩa địa”. Những người lần đầu đặt chân đến đây không khỏi rùng mình bởi không gian lạnh lẽo đầy âm khí, song với người dân trong xóm vốn sinh ra đã quen sống chung với mồ mả thì dường như chẳng còn khoảng cách giữa người sống và người chết.
Đất chật, người đông, con nít thiếu sân chơi nên suốt ngày chỉ quanh quẩn bán đồ hàng, xúc đất bên những ngôi mộ. Người lớn thì tận dụng các bia đá để phơi quần áo, mùng mền. Những chiếc xe, bàn ghế dựng ngả nghiêng ở lối đi giữa những nấm mồ. Chị Thảo, một người dân sống lâu năm ở đây cho biết, xóm Gò Mả được ông Lê Văn Đeo (còn gọi là Hai Đeo) và bà Mười Hô khai phá bởi vốn trước đây vùng đất này thuộc đất hoang, khá hoang sơ, ít người qua lại. Khoảng chục năm trở lại đây, người dân từ khắp nơi đổ về xóm Gò Mả Rạch Lào, từ các quận lân cận, các tỉnh miền Tây cho đến những tỉnh phía bắc xa xôi. Xóm được ông Hai Đeo và bà Mười Hô phân lô ra bán để chôn cất người chết.
Khi lượng người nhập cư quá tải, số lượng người cần nơi cư ngụ nhiều, người nhập cư đến đây sống chung với người chết bên những ngôi mộ và cái tên xóm Gò Mả Rạch Lào có từ đó. Người dân địa phương kể, cách đây hơn 40 năm, ở đây chỉ có 13 hộ đầu tiên đến sinh sống, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là thiếu cả điện lẫn nước. Vài năm trước, người dân trong xóm kiếm sống nhờ vào việc làm sạch bao xi măng, lúc nào cũng phải sống chung với bụi bẩn, đối mặt với nhiều bệnh tật. Mỗi bao giũ sạch là 200 đồng, người chịu khó siêng năng sẽ kiếm được vài chục ngàn đồng mỗi ngày, nhưng cũng hại sức khỏe lắm.
Với người dân Gò Mả lao động chân tay là chính, không có nghề nghiệp ổn định nên việc nuôi gia đình, kiếm miếng ăn hằng ngày còn nhiều khó khăn, nói gì đến chuyện bọn trẻ được cắp sách đến trường. Thiếu thốn, khổ cực nhưng hơn 40 năm qua, người dân nơi đây vẫn bám trụ, từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Bà Phạm Thanh – một người dân trong xóm cho biết: “Cách đây mấy năm, vì đời sống khó khăn, tôi phải bán đi 2m đất trong nhà để nuôi con. Nhiều nhà ở đây có hộ khẩu nhưng vì nhà tôi nhỏ quá nên không được cấp. Sống mấy chục năm trời không có giấy tờ gì nhưng vẫn đâu ai dám bỏ đi vì ở đây có mái nhà để che nắng che mưa là tốt rồi. Nơi đây có những người đồng cảnh ngộ để sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau nên cùng thấy ấm áp”.
Đa số người dân trong xóm là người nhập cư, thất học, mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, việc gì cũng làm, ai gọi đâu làm đó, chủ yếu là dân lao động nghèo nên kinh tế vô cùng khó khăn, đời sống tinh thần nghèo nàn. Sống giữa Sài Gòn phồn hoa nhưng không gian nơi đây luôn phảng phất nỗi buồn… bên dòng kênh Rạch Lào nặng mùi và ô nhiễm.

Con kênh Rạch Lào đen ngòm, quanh năm bốc mùi hôi thối (Ảnh: Sơn Phạm)

Cuộc sống mới
Đầu năm 2014, các ngôi mộ trong xóm Gò Mả Rạch Lào được di dời gần hết và hiện tại còn một ít mồ mả nằm sâu trong hẻm 288 bis đường Lưu Hữu Phước. Trước đây P.15 là nơi tập trung nhiều khu nghĩa trang nhất của Q.8, và nhiều mồ mả nhất là xóm Gò Mả Rạch Lào. Thời gian gần đây, với chính sách hỗ trợ di dời mồ mả của thành phố, các ngôi mộ được di dời đến nơi khác.
Hiện nay, xóm Gò Mả Rạch Lào vẫn còn một số ít mộ nằm trong nhà của người dân vẫn chưa được di dời nhưng những đổi thay của xóm là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy. Cùng với sự quan tâm của chính quyền thành phố thông qua chính sách di dời mồ mả, xóm Gò Mả Rạch Lào đã từng bước thay đổi, vươn lên thoát nghèo.
Sau thời gian di dời mồ mả, nhiều hộ dân trong xóm đang chuẩn bị đón năm mới 2016 với không khí thật tươi vui, háo hức. Cùng với niềm vui đón một mùa xuân mới, nhiều hộ dân cũng đang hân hoan hạnh phúc khi sức sống mới đang tràn ngập mảnh đất này. Con đường dẫn vào xóm nghĩa địa không còn là đường đất, khập khiễng khó đi như trước. Thay vào đó là đường bê tông thoáng đãng từ đầu đến cuối xóm. Những đứa trẻ được quan tâm nhiều hơn, thay vì phải đi bán vé số mưu sinh cùng gia đình, giờ chúng đã cắp sách đến trường làm quen với chữ cái và con số.
Những ngôi mộ được di dời, thay vào đó, nhiều ngôi nhà nhỏ san sát nhau thêm phần ấm cúng, khác hẳn với không gian lạnh lẽo khi “sống chung với người âm”. Xóm Gò Mả Rạch Lào nay đã có cuộc sống mới. Đời sống kinh tế người dân được quan tâm và cải thiện rất nhiều, những nhu cầu tối thiểu như điện, nước đã được đáp ứng đầy đủ.
Ở Gò Mả Rạch Lào, giờ đây người dân không còn phải mua từng can nước, hay đợi những cơn mưa rào các gia đình tranh thủ cầm xô cầm can ra hứng nước để lấy nước sinh hoạt. Không còn cảnh lạnh lẽo đầy âm khí, Gò Mả Rạch Lào đang dần hồi sinh với những ngôi nhà khang trang và ấm áp.
Một mùa xuân nữa lại về với xóm Gò Mả Rạch Lào, người dân nơi đây đang háo hức, mong chờ một năm mới với nhiều niềm vui hơn.

Theo xaluan


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: