Tại sao người Sài Gòn ghét “sọc dưa” và thích làm ăn?


Tôi là người Sài Gòn chánh hiệu, trải nghiệm những thăng trầm với cuộc sống của Sài Gòn, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành đều gắn liền với sự phát triển của thành phố này.

Một phụ nữ giúp người già qua đường - một hình ảnh đẹp trên đường phố Sài Gòn (ảnh chụp trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Một phụ nữ giúp người già qua đường – một hình ảnh đẹp trên đường phố Sài Gòn (ảnh chụp trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM) – Ảnh: N.C.T.

Tôi xin phép đưa ra một số nhận định có tính chủ quan về người Sài Gòn.

Thứ nhất, người Sài Gòn chưa bao giờ nhận mình là người Sài Gòn và luôn dung hợp – hài hòa. Người Sài Gòn có phần dung hòa về lý thuyết nhưng lại thuần nhất về hành động. Lối sống người Sài Gòn vừa chất phác, giản dị vừa phóng khoáng, vừa có nét thoải mái tự do của người nông dân Nam bộ, vừa có kỷ cương tôn trọng pháp luật của xã hội công nghiệp.

Tại sao tôi phải nói điều này vì hầu hết đều có xuất phát điểm là “lưu dân” mà lưu dân thì thân phận như nhau, có những tương đồng trong văn hóa, số phận “nghèo” khó của thuở ban đầu gần giống nhau, khai phá trên vùng đất mới còn biết bao nhiêu khó khăn khi đương đầu với môi trường phương Nam “rừng thiêng, nước độc”; “muỗi, rắn và nhất là cọp và cá sấu”; “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um, chèo ghe sợ sấu cắn chưn (chưn không phải chân), xuống sông sợ đĩa, lên rừng sợ ma”.

Để tồn tại, họ phải đoàn kết lại với nhau cải tạo môi trường để “cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi”; “ruộng đồng mặc sức chim bay, biển hồ lai láng cá bầy đua bơi”.

Mặt khác, người lưu dân với xuất thân là vùng Ngũ Quảng vào đây với môi trường mới, họ chưa biết môi trường này ra sao, nên họ vào đây là những quan hệ hàng ngang, mỗi nhà-làng-dòng họ đi chỉ một vài người, họ để lại anh cả ở lại vùng đất tổ, trông mồ mả, giỗ kỵ, tảo mộ… cho ông bà mình.

Và chỉ đi là những “thằng con thứ” (Nam bộ và Sài Gòn chỉ có anh Hai), nếu lỡ không may chết “bờ-bụi” vẫn còn người ở lại lo cho ông bà ở quê nhà (từ đây xuất hiện hình thức cúng giỗ kỵ tại Sài Gòn và Nam bộ mới có thêm mâm Chiến sĩ, Đất đai mà vùng Trung bộ-Bắc bộ không hề có).

Thứ hai, người Sài Gòn là có tính “mở”. Mở ở đây chúng ta cần nhìn bề rộng lẫn bề sâu. Bề rộng chính là không gian văn hóa của vùng đất phương Nam luôn mở rộng theo chiều dài của châu thổ.

Đây là kết quả vô cùng quan trọng tạo nên một khung “kinh tế hàng hóa lại xuất hiện lạ lùng trong chế độ phong kiến tại Sài Gòn” trở thành một cái đạo: “Đạo nào vui bằng đạo đi đi buôn, xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông”.

Tại Sài Gòn lại xuất hiện “chành” rồi trở thành “chợ đầu mối” mà chỉ có Sài Gòn mới có “gom thì gom thật lớn, chia thì chia thật nhuyễn”, tức là từ hàng sỉ đến hàng lẻ Sài Gòn đều có.

Về chiều sâu, người Việt chúng ta vốn được xem là cư dân có bề dày khai phá đồng bằng, phát huy vai trò của cây lúa nước (từ Sài Gòn mới có châu thổ sông Cửu Long).

Trong cái “mở chiều sâu” mới có phóng khoáng, hiếu khách, trọng nghĩa, khinh tài. Chẳng hạn khi bạn là người lỡ đường trên đất Sài Gòn, chỉ cần hỏi đường đi thì không chỉ một người chỉ, mà nhiều người chỉ một cách tường tận.

Thứ ba là luôn năng động, linh hoạt, sáng tạo và luôn trọng tính thực tế. Trên vùng đất mới mà không ra tay làm ngay, chờ lý luận dẫn đường thì chỉ có chết, đòi hỏi con người phải luôn năng động, sáng tạo thích nghi với cái mới để tồn tại trên vùng đất mới.

Sài Gòn là nơi giao lưu văn hóa mọi miền, giao lưu và chọn lọc. Sài Gòn tiếp thu, lưu giữ những điều hợp lý, vận dụng để thay đổi những điều không còn hợp lý và sự thay đổi đó diễn ra rất nhanh chóng. Nó được khẳng định, bổ sung, nhân lên gấp bội trong điều kiện hàng trăm năm kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường phát triển nhất nước.

Trong lĩnh vực chống giặc ngoại xâm, người Sài Gòn-TP.HCM nhạy cảm trong đánh giá kẻ thù và kiên quyết chống lại; sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp đấu tranh phù hợp.

Về phần thực tế, nói rõ người Sài Gòn trọng nội dung hơn trọng hình thức, trọng thực hành nhiều hơn trọng lý thuyết. Người Sài Gòn tin vào tính thiện nên bộc trực thẳng thắn. Không tính kỹ, không nghĩ sâu mà thấy việc là làm ngay nhưng rõ ràng không chấp nhận kẻ “sọc dưa” – không rõ ràng, lối sống “sọc dưa”…

Người Sài Gòn đánh giá con người thường căn cứ việc làm, trọng những người làm giỏi hơn là nói nhiều. Từ tính cách trọng làm hơn trọng nói, người Sài Gòn-TP.HCM chú ý nhiều đến làm kinh tế buôn bán, làm thợ, thủ công nghiệp, công nghiệp hơn là văn chương, lý thuyết.

Tuy nhiên, do trọng thực hành hơn trọng lý thuyết cho nên có lúc người Sài Gòn không nghiên cứu tính toán kỹ, không suy nghĩ sâu gây sự hiểu lầm cho những người xung quanh.

Theo Huỳnh Văn Sinh
Nguồn: tuoitre.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: