Ấm lòng với nước dừa miễn phí ở Sài Gòn


Sau trà đá miễn phí, cơm miễn phí, bánh mì miễn phí, sửa giày miễn phí, sửa xe miễn phí, thì mới đây, nước dừa miễn phí ở Sài Gòn đã khiến vùng đất này dường như đậm tình hơn, ấm áp hơn.

Trên con đường thuộc quốc lộ 22 hướng ra Củ Chi đầy khói, bụi, nắng, và gió, nếu chạy thật nhanh, bạn sẽ chỉ thấy những người và xe lao đi vun vút…

Quán nước dừa miễn phí bên đường.

Quán nước dừa miễn phí bên đường.

Cận cảnh chiếc biển làm mọi người chú ý.

Cận cảnh chiếc biển làm mọi người chú ý.

Còn nếu đi chậm lại? Một chút thôi, việc đi chậm lại sẽ trao cho bạn một bất ngờ đến vỡ oà: ngay bên đường quốc lộ, một tấm biển “Nước dừa uống miễn phí” đặt cạnh một bình dừa tươi mát lạnh, lổn nhổn những viên đá trong veo vẻo, có làm bạn reo lên như một đứa trẻ không nào?

Anh Hải, chủ nhân của bình nước dừa tươi miễn phí, ngồi sau một quầy dừa to, đang nhanh tay bổ phăm phăm từng quả dừa khô đon đả bảo: “Uống một tí nước dừa rồi đi tiếp cô ơi. Đường còn xa, uống đi cho đỡ khát”.

 Chân dung anh Hải - người bán dừa tốt bụng.


Chân dung anh Hải – người bán dừa tốt bụng.

Nước dừa uống đến đâu mát lành đến đó. Cái dư vị ngọt ngào đọng lại ở cổ họng khiến bạn thấy biết ơn người đã tự tay mời mình một món quà quê thấm đẫm tình người.

Anh Hải người Bến Tre, lên Sài Gòn lập nghiệp với nghề bán trái dừa, một món đặc sản “không vùng nào ngon bằng” của quê anh. Bắt đầu từ hơn một tháng nay, người dân quanh đó chuẩn bị Tết nhất bằng cách sên mứt dừa đem ra chợ bán. Họ đặt anh chặt một ngày trên dưới 50 kí dừa, chỉ lấy cơm dừa trắng phau béo ngậy để làm mứt. Cơm dừa thì bán rồi, nước dừa cũng chẳng để làm gì, anh nghĩ ra chuyện đổ vào cái bình mà ngày thường anh vẫn dùng để đựng trà đá miễn phí mời bà con.

 Bàn tay vợ anh đang thoăn thoắt nạo dừa.


Bàn tay vợ anh đang thoăn thoắt nạo dừa.

“Ngày thường nó là cái bình đựng trà đá miễn phí. Nhưng ngày Tết nó biến thành bình nước dừa, cũng miễn phí luôn. Ngày Tết phải khác ngày thường chớ”, anh Hải vừa chỉ cái bình vừa cười ha ha. Xong anh tiếp: “Sáng nào tui cũng đổ nước dừa đầy bình, tới trưa là hết sạch rồi. Lúc đó nếu có ai đặt thêm cơm dừa làm mứt thì tui lại chặt tiếp, lại châm nước dừa vào bình tiếp. Mọi người đi qua đây uống bao nhiêu cũng được hết. Đã khát thì thôi, nhưng ai mang hũ ra đây hứng nước dừa về kho thịt là tui hổng có cho. Để nước cho người khác uống nữa chứ đâu làm vậy được…”.

Những miếng cơm dừa này được dùng làm mứt phục vụ dịp Tết.

Những miếng cơm dừa này được dùng làm mứt phục vụ dịp Tết.

Khi được hỏi, thật ra khi chặt trái lấy cơm dừa, thì phần nước vẫn có thể để dành bán được mà, sao anh “chơi sang” đãi bà con hết vậy? Anh Hải cười cười chỉ ra con đường quốc lộ tấp nập khói bụi: “Ai đi đường nắng nôi cỡ này mà chẳng mong có miếng nước mát cổ. Tui bán cơm dừa là đủ lời rồi, tham chi phần nước nếu nó giúp được bà con đỡ khát hả cô”…

Ngồi cạnh chồng, vợ anh Hải thoăn thoắt nạo cơm dừa để riêng ra một cái thau to. Tay chị không ngừng làm việc để kịp giao cho mối lấy cơm dừa làm mứt trước đầu giờ chiều. Nói như chồng chị thì phần cơm dừa này giúp gia đình anh chị có một cái Tết đủ đầy rồi, nên anh chị đâu cần gì thêm nữa.

Khuôn mặt rạng rỡ của anh Hải khiến nhiều người cũng vui lây.

Khuôn mặt rạng rỡ của anh Hải khiến nhiều người cũng vui lây.

"Tui lời rồi cô à"- câu nói chân thật đến tận tim cùng nụ cười hàm răng trắng bóng của anh đã khiến cái nắng gay gắt ở Sài Gòn như ngọt lịm.

“Tui lời rồi cô à”- câu nói chân thật đến tận tim cùng nụ cười hàm răng trắng bóng của anh đã khiến cái nắng gay gắt ở Sài Gòn như ngọt lịm.

Vâng, anh lời những đồng tiền lương thiện bán trái dừa, bà con lời một cơn khát được xoa dịu. Và Sài Gòn, cái vùng đất ấm tình này lời thêm được một người nhân hậu hào sảng như anh….

Theo Thegioitre.vn 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: