Cháo huyết 5k ở Sài Gòn: Quán cháo cho dân lao động nghèo, 40 năm tô muỗng không đổi


Đến đầu đường Nguyễn Hữu Hào quận 4, chỉ cần hỏi quán cháo huyết 5 ngàn ở đâu, thì ai ai cũng biết.

Cháo vịt Thanh Đa

Gánh hàng rong lên quán cháo bò viên ‘ông hói’: 20 năm người Sài Gòn không quên

Sài Gòn vốn được mệnh danh là thành phố xa hoa, đắt đỏ nhất Việt Nam. Nhưng ở một vài ngõ ngách nơi này, lại có những thứ vô cùng rẻ.

Nhưng rẻ chẳng phải vì không chất lượng, mà là vì tấm lòng của người bán.

7kg gạo nấu cháo bán hết trong 2 tiếng

Chủ quán là cô Phan Thị Thu Hồng (49 tuổi), quê ở Kiên Giang. Ngày hồi mới chớm 20 thì xa quê, xa ba má theo chồng về xứ đô thành.

Chủ quán là cô Hồng, người miền Tây lấy chồng Sài Gòn

Cái góc quán nhỏ này nhìn tạm bợ là vậy, chứ thật ra cũng tồn tại ngót ngét 40 năm. Má chồng của cô Hồng là người mở hàng, bán mười năm đầu, cô về làm dâu, rồi theo ‘bà nội sắp nhỏ’ học nghề, bán ba mươi năm tiếp đó.

Chỗ ăn sáng này là không gian mở, nằm ngay ngã tư giao giữa Hoàng Diệu và Nguyễn Hữu Hào, tiện quẹo ra quẹo vào.

Khách đến ăn không có bàn gì hết, cứ một chồng ghế cao để đấy, ai đến thì lấy hai cái, một cái ngồi lên và một cái để tô. Ăn xong thì chất chồng tô ngay dưới chân.

Thực khách ăn xong chồng tô lại để ngay dưới chân.

Mỗi ngày, quán mở lúc 6 giờ và nồi sạch cháo tầm khoảng 9 giờ, không có hôm nào không bán hết.

Để hàng dọn ra vào hừng hừng sáng thì lúc 2 giờ, cô Hồng phải lụi cụi dậy nhóm lửa, rang gạo, hầm cháo. Cô không nhớ nổi mình bán bao nhiêu tô, chỉ biết mỗi ngày như thế thì nấu 7 kí gạo.

Cháo huyết ở quán có đủ những nguyên liệu mà cháo huyết truyền thống cần có. Gạo được rang vàng, nấu nhừ, cho huyết vào cùng, lúc ăn thì trụng thêm giá, bỏ thêm vài miếng da heo, thêm chút hành, chút tiêu, chút ớt và dùng kèm với quẩy.

Hương vị cháo được giữ nguyên qua hai thế hệ.

‘Tăng giá, người lao động nghèo lấy tiền đâu mà ăn?’

40 năm, giá mỗi tô cháo huyết tăng lên từ từ, 500 đồng, 2 ngàn, 3 ngàn rồi 5 ngàn. Cháo riêng một tô, quẩy riêng một tô, khách muốn ăn thêm huyết thì sẽ mua thêm, cứ mỗi phần như thế đều là 5 ngàn đồng.

Ở Sài Gòn, số tiền ấy không thế mua được nhiều thứ, vậy mà gia đình cứ kiên trì giữ giá 5 ngàn suốt 10 năm. Hỏi thì chủ quán bảo: ‘Mình tăng giá thì mấy người lao động bình dân tiền đâu mà ăn. Một tô 5 ngàn thì gia đình tui cũng đủ sống rồi’.

Vừa múc một phần cháo vào bát, cô Hồng dùng vạt áo trên cánh tay để lau mồ hôi đang lấm tấm trên trán. Cô nói: ‘Gánh cháo này, xưa má chồng tui chuyên bán cho người nghèo, người lao động tay chân thu nhập thấp. Trước khi mất, bà có dặn tui phải giữ lấy cái gánh hàng này. Không được tăng giá quá cao, vì như thế, những người dân nghèo thật sự, họ sẽ không có gì bỏ bụng giữa cái Sài Gòn xa hoa’.

Mỗi suất có giá rất bình dân.

Chủ quán lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình và nhớ từng thói quen ăn uống của khách. Có mấy người bước vào, kêu cho một tô, cô chủ nhìn mặt thấy quen liền tiếp lời: ‘Không da, nhiều ớt đúng không em?’.

Hay có mấy người sáng vội đi làm, mua hộp mang theo, chỉ cần tấp xe ngoài lề nói: ‘Như cũ nghe bà chủ’, thì cô Hồng chỉ gật đầu một cái là bắt tay vào làm luôn, không cần hỏi đi hỏi lại.

Chủ quán lúc nào cũng vui tươi, nói cười với khách.

Cái quán nhỏ xíu mà có đến 7 người làm, cô Hồng ngồi khuấy chào, rồi mấy người còn lại, người xé quẩy, người lau chén, người thêm hành tiêu, người chạy bàn, người tính tiền, người dắt xe cho khách.

Quán dù đông đến mấy, khách cũng chưa từng chờ quá 5 phút, vì ‘này là bữa sáng mà, mình làm lẹ để không trễ giờ làm của người ta’, chủ quán chia sẻ.

Tầm 8h sáng là lúc quán đông nhất, người ra người vào tấp nập, cả 7 người của quán đều vã mồ hôi, lúc nói chuyện với nhau thì phải la to. Vậy mà khách cũng chẳng thấy phiền, vì họ cũng la to y thế, với người Sài Gòn, hẳn cái việc ăn to nói lớn cũng là một nét rất quen.

Vừa bán, vừa niềm nở trò chuyện, tiếng cháo sôi sùng sục hòa vào tiếng cười khanh khách của cô chủ. Lâu lâu lại thấy cô ôm bụng, hỏi ra mới biết, cô thường tự véo bụng như thế để nó không kêu thành tiếng, bởi lo cặm cụi nấu cháo từ khi gà còn chưa gáy, đến giờ, cô vẫn chưa được ăn sáng…

Quán bao nhiêu năm, chén bát bấy nhiêu tuổi

Nhiều khách ăn xong, khen vị cháo mộc mạc giống hồi ở quê, nhiều người khác lại khen, sao cái muỗng cái tô nhìn ngộ?

Cái muỗng có cái hình bông hoa chỗ cán cầm, còn cái tô thì làm bằng chất sành vàng óng, hoa văn bên ngoài cũng có màu sắc và kiểu cách của nét Nam bộ xưa.

Theo người bán, quán này mở được 40 năm thì cái muỗng, cái tô cũng có chừng ấy tuổi đời.

Chiếc muỗng có hình nửa bông hoa phía cán.

Chủ quán cho biết, bán cháo với giá 5 ngàn đồng thì tiền lời không nhiều, chỉ đủ sống. Những chén bị sứt miệng được tận dụng để đựng quẩy, không bán cháo vì sợ xảy ra sự cố khi ăn.

Cháo dù rẻ nhưng vị rất được lòng người. Cháo nhuyễn, thơm, độ lỏng vừa phải. Huyết cắt cục vừa miệng, mỗi miếng cắn làm đôi là hết. Cháo là món dễ ăn, cả người lớn, trẻ nhỏ, người bệnh, người khỏe mạnh đều hợp.

Chú Dũng (50 tuổi) bị bệnh về bao tử đã hơn 1 năm nay, thầy thuốc dặn mỗi sáng nên ăn gì đó nhẹ nhàng, dễ tiêu cho mau lành bệnh. Chú mới lần mò tìm đến quán cháo gần nhà để ăn thử, vì thấy sao khách đến đông quá. Ăn là để trị bệnh vậy thôi, ai ngờ ăn cả năm rồi tự nhiên thấy ghiền vị cháo chỗ này.

Chú khen: ‘Cháo huyết chỗ này ngon, người nấu nêm nếm vừa miệng. Huyết thì ăn có cảm giác đặc, có cảm giác là huyết thật chứ không phải bở bở theo kiểu đổ thêm nước vào, một số nơi khác thì họ có làm như vậy’.

Vị cháo ngon, nhưng có một điều còn níu chân thực khách hơn cả điều đó, chính là giá cả. Mỗi bát cháo chỉ 5 ngàn đồng, kèm đĩa quẩy cũng chỉ vỏn vẹn 10, đàn ông đi làm thì kêu thêm tô nữa là căng bụng.

Người đến quán vô cùng đa dạng, nếu có người ăn vận bình dân thì cũng có người mặc áo quần sang trọng. Họ đến đây, cùng ngồi với nhau, cùng húp xì xụp, cùng hỏi thăm dăm ba câu, chẳng chút nề hà cũng không hề có khoảng cách.

Khách nhiều người khá giả, tui biết điều đó chứ. Nhưng tui tin, gánh cháo này của tui đã âm thầm giúp được nhiều hoàn cảnh cơ cực ở Sài Gòn – cô Hồng chia sẻ.

Không gian quán và cách thưởng thức của thực khách vô cùng xuề xòa, đơn giản.

Quán là địa điểm yêu thích của những người lao động bình dân.

Để có một bữa sáng vừa no, vừa bổ, vừa ngon như thế, hẳn ở một nơi khác, người ta phải bỏ ra một số tiền khác. Khách đến đây không tiện hỏi sao chủ quán lấy rẻ thế, vì hỏi như thế thì không lịch sự, vì nhỡ đâu chủ quán đâm ra suy nghĩ rồi tăng giá thì sao, nghe rất thực tế và cũng rất đỗi buồn cười.

Nhưng Sài Gòn có nhà cao cửa rộng thì cũng có những mái nhà trọ xập xệ nắng mưa, Sài Gòn có những người đẹp đẽ ngồi trong văn phòng thì cũng có những người lao động chân tay bươn chải ở muôn vàn ngõ hẻm, bát cháo nơi này không chê người giàu còn người không giàu, chưa giàu thì cần nó.

Giữa rất nhiều quán xá sang trọng mọc lên mỗi năm, quán cháo nhỏ vẫn âm thầm tồn tại, như một cách chứng minh về việc thành phố này dung dị ra sao, như một câu chuyện đẹp về việc người Sài Gòn tốt bụng thế nào.

Theo Baodatviet 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: