Chuyện kể trong “Quán Ti Ti”


Ở Sài Gòn trọn tám năm sáu tháng nhưng tôi chỉ đổi chỗ cắt tóc đúng ba lần

1_48989

Lần đầu vì anh thợ chuyển chỗ, lần thứ hai là tôi chuyển trọ, còn lần thứ ba đầu tháng này vì quán quen quá đông khách, trong khi buổi trưa đám cưới bạn đã cận kề. Tôi đành tạt vào một quán đầu dãy trọ, quán mở đã lâu với biển hiệu đầy khiêu khích: “Quán Ti Ti – chỉ hớt tóc nam”.

Quán vắng khách, mặc dù cuối tuần, có lẽ ngày này, đàn ông bị “giam lỏng” cả, ý nghĩ đó xẹt qua đầu tôi khi mở cửa là một cô gái trẻ, da trắng, môi hồng, váy bó sát quá gối. Cô gái cười, tôi cũng giả đò cười rồi nhanh chóng ngồi lên ghế, chốc chốc nhìn ra cửa vì sợ người quen bắt gặp. Cô gái rất vui tính, vừa cắt tóc vừa líu lo trò chuyện. Bắt đầu câu hỏi “anh có gia đình chưa”, rồi cứ thế mạch chuyện từ nghề qua đời cô kể như chưa bao giờ được kể.

Những câu chuyện chắp vá không đầu không cuối tưởng chừng vô thưởng vô phạt lại là những chuyện lần đầu tôi nghe trong đời. Như chuyện nghề cắt tóc, cô bảo khó nhất là cạo lông mặt, ngày xưa đi học cô phải mua da heo về tập cạo, rồi hết da heo cô phải tập cạo lông tay, lông chân mình. “Cạo đến lúc mình không thấy đau thì khách mới thích anh ạ” – giọng cô gái cứ thầm thì như dòng suối vắng.

Bỗng tôi chú ý, lúc cô chuyển qua bên phải, xuất hiện ở mái tóc hớt cua lấm tấm những sợi bạc, và nhìn kỹ là một vết sẹo như vết cắt sâu từ lâu lắm. Tôi đồ rằng chắc ngày xưa khi học cắt tóc, bạn nghề cô đã phạm phải, rồi hỏi rất vô tư: “Vết sẹo ở bên thái dương em là dấu vết của nghề à?”

Lời vừa dứt, cô gái khựng lại, mắt thoáng buồn. Mất chừng mấy giây cho sự im lặng, cô thở dài một tiếng rồi hỏi tôi rằng anh có bố không, và bố anh là người như thế nào?

Tất nhiên tôi có bố, và bố tôi là một người tuyệt vời, tôi tuần tự kể một cách tự hào về bố của mình. Cho đến khi cô gái lên tiếng “giá như em cũng có một người bố để tự hào như anh”, thì tôi biết phía sau vết sẹo là một nỗi niềm hơn cả nỗi buồn.

Cô kể, cô là một đứa con riêng của mẹ và từ ngày bé tí đã chịu nhiều khinh khi từ bố dượng. “Vết sẹo này của bố dượng em đấy anh ạ. Năm đó em lớp 9, một bữa bố mất năm mươi nghìn và nghi em ăn trộm. Em thề là em không bao giờ làm việc đó. Nhưng bố không tin, bố chửi rồi ném luôn gạt tàn thuốc làm bằng vỏ lon bia vào mặt. Không may chỗ cạnh sắc xẹt qua đầu ăn luôn miếng da, còn tàn thuốc thì vương đầy tóc, rơi đầy nhà”.

Kể đến đây cô ngưng lại một lúc. Tôi ngồi im, nhưng lòng cứ không yên, lại gợi chuyện: “Cô chỉ biết cắt có tóc nam thôi sao?”. “A, cái biển ngoài cửa chứ gì? Là cứ treo thế để dễ “thịt” bọn đàn ông các anh. Đứa nào cũng thích được phụ nữ vày vò, tóc lại tốt nhanh như sà lách, đã thế càng chiều cho chúng chết” – cô cười phá lên. Tôi bảo: “Cô nói vậy, chẳng sợ lần sau tôi không đến nữa ư”. “Thế hả, lần sau của anh là mấy năm?”. Cả hai chúng tôi cùng cười. Hồi lâu, cô kể tiếp: “Em bỏ nhà đi từ năm lớp 12. Em không đi một mình, vì lúc đó em có bầu. Tự nguyện anh ạ, em muốn làm mẹ đơn thân, không muốn lấy chồng. Rồi em vào Sài Gòn, một năm sau mẹ theo em xuống. Mẹ ở nhà còn khổ hơn đứa con “bên lề” như em anh ạ”.

Chợt cửa mở, trước mắt tôi là bà cụ vẻ khắc khổ bế trên tay đứa bé bi bô tập nói. Cô giới thiệu đó là mẹ và con gái, người mẹ mà “chạy” theo cô vào Sài Gòn. Tôi liếc nhanh, tóc bà cụ đã bạc, hai bên gò má lởm chởm những vết thâm loang lổ, không phải tàn nhang…

 

Theo laodong


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: