Gã “khùng” hơn 20 năm làm chuyện không công giữa Sài Gòn


Sài Gòn, thành phố phồn hoa giữa dòng người ngày ngày vẫn hối hả bon chen chạy đua với đời. Nhưng ở đấy, trong từng con hẻm, góc phố kia, những điều bình dị nhất về tình người vẫn luôn lấp lánh.

..Và tự dưng ai đó lại thấy thêm yêu cái thành phố những tưởng ngột ngạt, hỗn tạp và đầy trêu ngươi này. Hình ảnh chú Lương đơn thân hơn 20 năm bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật giữa Sài Gòn là một trong số đó…

Lương dở hơi…

Từ bác xe ôm, chú ba gác máy, chị hàng nước, bà bán xôi, đến người bán vé số nơi góc phố Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) không còn lạ với hình ảnh người đàn ông có tên họ đầy đủ Phạm Văn Lương (52 tuổi). Họ còn gọi anh là “Lương dở hơi”, “Thằng gàn” khi “Dù bát cơm qua ngày “bữa có bữa không” nhưng thằng “Lương dở hơi” kia vẫn nhất định không tháo cất tấm bảng “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật”.

Hình ảnh quá đỗi quen thuộc những ai ngày ngày đi ngang qua ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh (Quận 1. TP. Hồ Chí Minh).

Dù tấm bảng chỉ ghi dòng chữ to tướng “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật” treo chình ình bên góc ngã ba đường trung tâm thành phố nhưng hết thẩy những người nghèo, học sinh-sinh viên khó khăn, người lao động nghẹt nghèo anh cũng cộng vào, không ngoại lệ.

Theo lời kể chị hàng nước: Hơn 20 năm qua, có rất nhiều người dân nghèo, sinh viên khó khăn Sài Gòn nhỡ xẹp hay thủng lốp xe giữa đường đã được anh Lương bơm vá sửa xe tự tâm, không lấy đồng nào. Anh làm không mong sẽ được ai đó nhớ hay mang ơn. Anh làm tất cả chỉ là tấm lòng nhân của những người cùng cảnh. Thế mà, vẫn có nhiều người tốt luôn nhớ bữa sau đem tiền đến gửi lại anh và cảm ơn.

anh 2

Anh Phạm Văn Lương đã có gần nửa đời người gắn trọn đời mình với những phiên chợ mưu sinh “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật”.

Đó chỉ là vài mẩu chuyện vụn về tấm lòng nghĩa hiệp “vượt tầm” của người đàn ông “dở hơi” này được những ai cùng mưu sinh nơi ngã ba vỉa hè Bệnh viện Từ Dũ thương cảm kể lại. Nơi đây, còn đó lấp lánh trái tim người đàn ông tốt bụng này với người khuyết tật. Nhưng nếu kể ra, hàng giờ, liên ngày vẫn không thể nào đong đầy. Anh đã sống và làm như tâm niệm nội dung tấm bảng mà mình vẫn tự tin giương cao giữa phố xá Sài Gòn hối hả và bôn chen ngần ấy năm “Bơm vá miễn phí cho người khuyết tật”.

Anh Lương bén duyên với nghề từ câu chuyện xảy ra cũng 23 năm, hôm đó là một ngày cuối tuần thì phải, anh không nhớ rõ. Có một ông lão đáng tuổi cha mình bị liệt cả hai chân lết trên chiếc xe lăn đến quán anh than thở “sao đi nhiều quán, quán nào cũng từ chối, hay họ ngại sửa xe cho người tàn tật mất thời gian, đến khi lấy tiền cũng khó”. Vừa nghe, anh Lương vừa xông xáo bắt tay sửa xe cho ông lão. Sửa xong, anh quyết không lấy tiền dù ông lão cứ mãi dúi vào túi áo. Và hôm sau, anh Lương đã cho phép treo tấm bảng “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật” giữa ngã ba phố sáng chói.

“Gà trống nuôi con”

Anh Lương kể, anh là người Quảng Ninh. Thời thanh niên anh từng đi bộ đội. Năm 1991, anh vào Sài Gòn lập nghiệp. Sau đó, anh có vợ và hai đứa con. Nhưng nghẹt nỗi, khi sinh được đứa con thứ út chưa đầy 2 tuổi, không chịu được cảnh nghèo, sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ, người vợ của anh “bỏ rơi” anh và hai đứa con. Từ đó, một thân anh nuôi hai con lớn khôn trong cảnh túng quẫn tột cùng.

Dẫu vợ “nhẫn tâm” ra đi để mình anh gồng gánh 2 đứa con nhỏ trong nghẹt nghèo nhưng tự thâm tâm mình, anh Lương vẫn chưa hề có một lời nào oán trách.

Gần 10 năm sống lăn lóc nơi vỉa hè Sài Gòn, nay ba cha con cũng thuê được một phòng trọ gần đó để gia đình sum vầy đêm đêm. Hai con nhỏ đã lớn và cũng được đi học, dù chỉ học ở mái ấm tình thương. Hỏi ra mới biết, căn phòng trọ anh Lương thuê có giá khoảng 1 triệu đồng/tháng, nằm cách ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh không xa, tại một xóm trọ nghèo ở Sài Gòn. Cả ngày, anh đi làm, hai con đến trường. Đến tối, gia đình mới được tụ họp đông đủ trong mâm cơm đạm bạc mà ấm cúng. Nhớ lại một thời gian gian khó đã qua, anh Lương không khỏi luyến tiếc. Anh luôn và thầm khao khát có được những bữa cơm như thế này, không có gì lớn hơn bằng.

anh 3

Không chỉ vá xe, mà trên hết là “vá” cả cuộc đời của mình

Những việc làm của anh suy cũng “quá tầm” khi ngày qua ngày vẫn phải lăn lộn với đời để kiếm từng “đồng tiền xương máu” sinh nhai cho gia đình. Thế nhưng, trong ý nghĩ người đàn ông đơn thân này vẫn không từ bỏ tâm huyết góp thêm nụ cười cho đời. Bao người vẫn khuyên “…hãy gỡ bỏ tấm biển “gàn” kia xuống để chăm lo cho chính mình, làm tròn trách nhiệm của người cha với con cái nuôi là lo ăn học và trưởng thành”, nhưng anh vẫn vậy, sống điền viên một cách “kỳ lạ” nhất giữa đời thường với tâm niệm: “Lá lành đùm lá rách… Lá rách ít đùm lá rách nhiều.”

Có lẽ, giữa Sài Gòn phồn hoa này, hình ảnh anh Lương đan xen trong dòng người tấp nập xuôi ngược kia chỉ như tựa bông hoa đẹp trong vườn nhiệm màu. Và có lẽ, bao người đi qua vẫn thấy dòng chữ trắng nền xanh “Bơm vá xe miễn phí cho người khuyết tật” án ngữ, nhưng chắc mấy ai dừng lại hỏi về anh, về cuộc đời người lữ khách tha phương, chỉ cảm thấy ấm lòng khi xã hội nhiễu nhường này vẫn có những trái tim mà bao nhiêu tiền bạc không thể sánh bằng.

 Bài: Lưu Minh 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: