Gánh tàu hũ 30 năm rộn tiếng cười của chị Lệ Hằng


“Lấy cho em một ly mang đi! Nhanh nha chị, em trễ giờ làm rồi đó”, đó là câu quen thuộc tại gánh tàu hũ của chị Lệ Hằng vào mỗi sáng sớm, góc ngã tư Nguyễn Thái Học- Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM). 

Tiệm mì 70 năm ở Sài Gòn khởi đầu từ gánh hàng rong

Gánh xôi của ngoại giá 5.000 đồng giữa “phố Wall” Sài Gòn

Sáng tinh mơ, Sài Gòn xe đổ ra nườm nượp, đã thấy chị Lệ Hằng ngồi bên gánh tàu hũ. Gần đó, những con bồ câu hoang trú ngụ trong các ngóc ngách chung cư sà xuống, thư thả mổ từng hạt thóc của anh xe ôm,vừa mang đến như thường lệ. Nắng vàng trải nhẹ trên vỉa hè.

Chị Lệ Hằng cười tươi, luôn tay múc tàu hũ, nước cốt dừa cho khách. Đã 30 năm chẵn, chị ngồi đây làm nghề buôn gánh bán bưng. Di cư vào Sài Gòn, người phụ nữ gốc Quảng Ngãi này đã mang theo nghề nấu tàu hũ cha truyền con nối, làm kế sinh nhai.

Khách hàng của chị Lệ Hằng trẻ có, già có, gồm đàn ông, phụ nữ, con gái… đa số là dân văn phòng. Họ đã quá đỗi quen thuộc với nụ cười tươi, ấm áp của chị vào mỗi buổi sáng sớm.

Nhịp đời hối hả. Ai cũng vội, nôn nóng có ly tàu hũ nhanh để kịp giờ làm.

Khách văn phòng đợi chờ mua tàu hũ của chị Lệ Hằng trước giờ đi làm

Tay giở nồi tàu hũ bốc khói thơm lừng mùi lá dứa, gừng, chị Lệ Hằng cười rôm rả, cho phóng viên biết: “Tui thức từ hồi 2 giờ sáng, ngâm đậu nành đó. Bột làm bánh lọt cũng xay giữa khuya cho kịp trước trời sáng. Mấy chục năm nay làm lụng quen rồi, bữa nào bệnh, nghỉ ở nhà là buồn muốn chết!”

Nấu 4 ký đậu nành thành tàu hũ, mỗi ngày chị Lệ Hằng bán được chừng 200 ly. Mỗi ly mười ngàn đồng, tổng cộng chị lời được 300 ngàn.

Ngồi ở góc đường này đến tầm 9 giờ sáng, dân văn phòng đến sở làm hết, chị lại quảy gánh ra đường Trần Hưng Đạo bán cho khách vãng lai phần tàu hủ còn lại. Trời đứng bóng, sạch nồi, chị thư thả quảy gánh nhẹ tênh về phòng trọ.

“Thỉnh thoảng tui cũng bị trật tự đô thị đuổi. Tui có gặp ông Đoàn Ngọc Hải đi dẹp vỉa hè một vài lần. Nghe đồn ông Hải không có phạt người nghèo khổ buôn gánh bán bưng, chỉ phạt mấy cơ sở kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường. Ban đầu tui không tin. Có lần tui chính mắt tui thấy ổng nhân hậu cho tiền bà già bán vé số dạo, mới bớt lo ổng làm căng, tiếp tục ngồi đây. Tui nghe nói ổng tiếp tục làm Phó chủ tịch quận 1 nhưng lâu rồi không thấy ổng đi dẹp vỉa hè nữa”.

Khách ngồi ăn tàu hũ trên vỉa hè

Giọng còn mang âm hưởng miền Trung đặc sệt, chị chia sẻ: “Trước đây, bán hết nồi tàu hũ là tui về nghỉ, lấy sức hôm sau bán tiếp. Từ ngày thằng nhỏ thi đậu vào trường cao đẳng Cao Thắng, ngành kỹ thuật ô tô, buổi chiều tui phải đi phụ dọn hàng cho người ta, kiếm thêm tiền đóng học phí cho con”.

Chắt chiu từng đồng lo cho con ăn học, chị Lệ Hằng khoe: “Tui mới đóng học phí giữa kỳ cho nó, gần 9 triệu đồng. Nó ngồi tính tiền học phí chi li, cả năm khoảng 18 triệu, bảo là đã đi đứt gần 3 tháng bán tàu hũ của mẹ. Nó thương tui vất vả, cố gắng học lắm”.

Nụ cười tươi tắn quen thuộc của chị Lệ Hằng buổi sớm mai

Tạo điều kiện tối đa cho con ăn học, chị Lệ Hằng chịu tốn thêm ít tiền nữa, cho con vào ký túc xá nhà trường ở, còn mình vẫn ở chung với nhiều người khác trong một phòng trọ ộp ẹp.

Chị giải thích: “Ở chung chạ ồn ào, sợ con khó học hành. Vả lại, phòng trọ toàn đàn bà con gái, chung đụng cũng bất tiện. Tui nói với con: Cực khổ để một mình mẹ chịu được rồi. Nhiệm vụ của con là phải lo học cho thành tài”.

Mang tàu hũ ra tận xe trao cho khách kịp giờ làm

Vất vả trăm bề, nhưng chị Lệ Hằng vẫn hy vọng một ngày mai xán lạn: “Mơ ước đổi đời thì ai lại không mơ. Tui cũng muốn có cái nghề khác, nhưng quanh đi quẩn lại chẳng biết làm gì ngoài gánh tàu hũ này, đắp đổi qua ngày. Thôi kệ, cứ ráng lo cho con. Sau này nó ra trường, đi làm thì mình đỡ khổ hơn”.

Trong lúc trò chuyện, chị luôn cười tươi. Chúng tôi có cảm nhận người phụ nữ này rất bình thản với cuộc sống chật vật, vất vả mưu sinh của mình.

Chị nói: “Buôn bán mà. Phải cười vui vẻ người ta mới thích. Chứ mặt chù ụ, ai mà mua hàng của mình? Khó khăn thì vẫn phải sống,vẫn phải lo làm để có cái ăn. Có gì đâu mà phải buồn. Cười cho đời bớt khổ”.

Chị Lệ Hằng đang múc tàu hũ cho khách

Rút cái điện thoại “đập đá” ra nhìn đồng hồ, chị Lệ Hằng nói: “Tới giờ tui quảy gánh qua kia bán rồi. Bên kia cũng có khách quen chờ tui qua để mua tàu hũ”.

Quảy quang gánh nặng trĩu lên chiếc vai gầy, chị bước nhanh chân. Cái dáng lam lũ của chị Lệ Hằng ngập ngừng trong dòng xe cộ xuôi ngược trong buổi sáng Sài Gòn.

Theo petrotimes


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: