Gặp lại ông cụ bán nước sâm hơn 30 năm ở Sài Gòn


Đã hơn 30 năm qua, dù ngày nắng hay mưa, cụ ông 74 tuổi vẫn đều đặn đẩy xe nước sâm rong ruổi các con đường ở trung tâm Sài Gòn để kiếm tiền mưu sinh. Hình ảnh này đã khiến nhiều người không khỏi xót xa và thương cho hoàn cảnh của ông cụ.

sai-gon-cu-ong-ban-nuoc-sam-1

Hằng ngày, ông Năm vẫn đẩy xe nước sâm khắp các nẻo đường ở Sài Gòn bán kiếm tiền mưu sinh.

Đối với những người sinh sống tại các đường Đề Thám, Cô Giang, Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM), hình ảnh xe bán nước sâm của ông Năm Minh (74 tuổi, ngụ quận 7) đã trở nên quá quen thuộc.

Nhiều người cho biết, không biết xe nước sâm của ông Năm có từ bao giờ, họ chỉ biết là khi thấy nóng trong người thì ra mua nước sâm của ông uống cho mát.

Tối ngày 15/7, chúng tôi gặp ông Năm tại góc đường Đề Thám – Cô Giang, khi đó ông cụ đang ngồi nghỉ mệt sau quãng đường dài đẩy xe nước sâm đi bán. Ông Năm cho biết, đã bán nước sâm ở khu vực này hơn 30 năm và tất cả những người sinh sống nơi đây ông đều quen.

“Từ trước đến nay tôi không làm nghề gì khác, chỉ bán nước sâm thôi. Hàng ngày tôi dậy lúc 6 giờ đi chợ mua nguyên liệu về rửa sạch rồi đem nấu, sau đó đẩy xe đi bán tới khuya. Xe nước sâm tôi bán là phương tiện mưu sinh lâu dài nên mọi người yên tâm sử dụng, tôi không có sử dụng đường hóa chất. Uống vào là mát lắm!”, ôngNăm hồ hởi cho biết.

sai-gon-cu-ong-ban-nuoc-sam-2

Xe nước sâm của ông Năm được nấu tại chỗ nên người uống rất yên tâm.

Theo quan sát, nước sâm của ông Năm là loại được nấu tại chỗ, kèm theo đó là mùi thơm đặc trưng của mía lau, khiến người uống rất yên tâm.

Trò chuyện một lúc, ông Năm cho biết thêm, ông có hai người con và nhà ở tận đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Vì hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày ông Nămđến khu vực chợ Cầu Ông Lãnh bán nước sâm kiếm tiền nuôi cả gia đình. Thấm thoát đã hơn 30 năm và các người con của ông cũng đã lớn khôn.

“Nhà nghèo nên hai đứa con tôi không được ăn học đàng hoàng. Giờ lớn lên chúng phải đi làm thuê kiếm sống. Tụi nó cũng khuyên tôi già rồi nên nghỉ ở nhà, nhưng nghỉ làm sao được khi lương của tụi nó rất ít mà phải trang trải nhiều thứ. Vậy thì làm sao lo được cho hai vợ chồng tôi”, ông Năm trầm tư nói.

Do nhà ở xa nên hằng ngày, sau khi bán hết hàng, ông Năm lại gửi xe nước sâm ở nhà người quen trên đường Cô Giang. Còn mình thì đi ra các mái hiên nhà hay gầm cầu ngủ. Gặp những ngày mưa gió, ông Năm rất lo cảm lạnh, sáng không đi bán hàng được.

“Tôi bán hết hàng sớm nhất cũng là 12g đêm, giờ đó thì xe đâu mà về nhà. Thử nghĩ đi, tôi bán cả ngày chỉ kiếm được hơn 100 ngàn đồng mà đi xe ôm từ quận 1 về quận 7 rồi còn tiền đâu mà mua gạo nấu cơm ăn. Bởi vậy, bán xong tôi gửi xe sâm ở nhà người quen rồi đi ra ngoài vỉa hè ngủ, sáng lại đó tắm và rửa các dụng cụ nấu sâm rồi đi bán tiếp. Cuộc đời tôi không sợ gì cả chỉ sợ mưa gió vào ban đêm làm mình cảm lạnh, sáng ra không đi bán được thôi. Có lẽ trời thương nên bao năm qua tôi chưa bao giờ bệnh cả, có thì chỉ là đau bao tử do ăn uống thất thường”, ôngNăm nói. Tuy vậy, hàng tuần ông Năm vẫn dành ra hai ngày nghỉ để bắt xe buýt về quận 7 thăm gia đình và đưa tiền đi chợ cho vợ.

sai-gon-cu-ong-ban-nuoc-sam-3

Bán từ sáng tới khuya, tiền lời ông Năm kiếm được chỉ hơn 100 ngàn đồng.

Được biết, trước đây hình ảnh ông Năm đẩy xe nước sâm đi bán từng được cộng đồng mạng liên tục chia sẻ. Khi đó, nhiều người biết hoàn cảnh của ông đã tìm đến mua hàng ủng hộ. Tuy nhiên, theo thời gian thì những vị khách này càng thưa dần và hiện nay chỉ còn những người trong khu vực mua sâm của ông Năm.

“Mình đâu có trách họ được, chẳng lẽ ngày nào cũng bắt họ đến mua nước sâm của tôi uống. Cũng có nhiều người tìm đến mua mà do tôi bán không cố định một chỗ nên không tìm thấy. Nhưng tôi cũng rất cảm ơn những người đã đến mua nước sâm ủng hộ tôi, có họ xe nước sâm của tôi mới tồn tại đến bây giờ”, ông Năm nói.

Nói về ông Năm, nhiều người trong khu vực này đều cho biết, ông ấy vui tính và hiền lành. “Ai chứ ông cụ bán nước sâm đó tôi quá quen rồi, ông ấy bán ở đây cũng mấy chục năm rồi đó. Lâu lâu, thấy nóng trong người là tôi đều mua nước sâm của ông cụ uống cho mát. Mà nước sâm của ông ấy nấu sôi ùng ục như vậy thì uống yên tâm lắm”, cô Hồng nhà trên đường Đề Thám cho biết.

Được biết, thời gian gần đây do có nhiều người bán sâm trong khu vực này nên ông Năm phải thường đẩy xe ra khu vực chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ để bán.

Tuy có cực và vất vả hơn nhưng hằng ngày, dù nắng gắt hay mưa dầm thì ôngNăm vẫn đều đặn đẩy xe nước rong ruổi khắp các con đường tại Sài Gòn bán kiếm tiền mưu sinh.

Theo Yan.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: