Hào sảng như Sài Gòn


Giữa vòng vây của bao bộn bề lo toan thì trà đá miễn phí, vá xe miễn phí, gạo tết cho người nghèo… là biểu trưng của một Sài Gòn hào sảng!

Xúc động, hạnh phúc đến rớt nước mắt là cảm giác của nhiều người khi xem tấm ảnh đang được chia sẻ trên mạng: Gạo tết phát miễn phí cho người nghèo tại Sài Gòn. Giữa vòng vây của bao bộn bề lo toan thì trà đá miễn phí, vá xe miễn phí, hay gạo tết cho người nghèo… là biểu trưng của một Sài Gòn hào sảng!

Đô thị để sống

Cận ngày ông Táo về trời, Sài Gòn nắng nhẹ. Bên tách trà, trong căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa phố thị náo nhiệt, lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM trầm ngâm nói về thành phố đã có hơn nửa thế kỷ ông gắn bó: “Sài Gòn độ lượng với tất cả mọi người. Từ nhiều thế kỷ qua, những người xa quê đến đây, rồi gắn bó nhau đã hình thành nên tính cách khoan từ, hào sảng của người Sài Gòn kéo dài đến hôm nay và còn mãi tiếp tục”.

Thực tế, dù chưa có một nghiên cứu nào đánh giá Sài Gòn là đô thị đáng sống so với nhiều địa phương khác của cả nước, tuy vậy, những người như lương y Bảy, một trí thức từ Huế đã chọn thành phố này làm quê hương thứ hai.

Nhờ Sài Gòn, ông Bảy có một gia đình hạnh phúc, một công việc tốt đẹp góp phần đem lại sức khỏe cho nhiều người. Các con ông, chẳng những học hành tới nơi tới chốn mà còn kế nghiệp cha, học đến tiến sĩ Đông y đi dạy ở nước ngoài…

sài gòn - hào sảng 1

Tủ bánh mì miễn phí trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình thạnh, TP.HCM)

Ông Bảy nói, vài chục năm qua, ông đều đặn đạp xe đến chùa Pháp Hoa, Q.Gò Vấp khám, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, là cách ông đáp đền sự dung nạp của Sài Gòn dành cho mình.

Những ngày cuối năm, “xóm đồ la” ở bến Ba Đình, Q.8 tất bật hơn. Sở dĩ cái xóm ở đường Ba Đình có tên như vậy bởi lẽ cư dân ở đây phần lớn sống bằng nghề bán dạo, phải rao, phải la lên để quảng bá. Vậy mà chị bán rau củ quả, anh bán bông tăm, móc khóa, chú chạy xe ôm… đều sẵn lòng san sẻ chút lợi nhuận vốn ít ỏi của mình để góp lại mua gạo, nấu cơm rồi chở đến bệnh viện (BV) phát cho bệnh nhân nghèo.

Chị Huỳnh Thị Thanh Mai, trưởng nhóm, cho biết, nhóm thiện nguyện của chị hình thành từ suy nghĩ đơn giản: mình khỏe mạnh, trong khi nhiều người nghèo lại mắc các chứng bệnh nan y. Thế là hùn nhau lập tổ nấu cơm phục vụ miễn phí.

Thu nhập của một thành viên “xóm đồ la” chỉ khoảng 200.000đ/ ngày, nhưng họ dám đóng vài chục ngàn đồng để mua gạo, mua đồ ăn… Ít ai ngờ rằng, cái nồi cơm ở gốc cây sung dung dị tại Q.8 lại là nơi giúp hàng ngàn bệnh nhân giảm bớt khó khăn. Hẳn nhiên, từ các căn phòng trọ của “xóm đồ la”, niềm hạnh phúc được sống vì người khác cũng từng đêm lan tỏa sau rất nhiều nhọc nhằn.

sài gòn - hào sảng 2

“Đội đặc nhiệm bệnh viện”

Người nghèo khó khốn khổ đã đành, nhưng người nghèo lại thêm bệnh tật thì nỗi khổ đó nhân lên gấp bội. Một bác sĩ đang công tác tại BV đa khoa khu vực Củ Chi cho biết, BV của ông và nhiều BV khác không thiếu chuyện bệnh nhân trốn viện, “xù” viện phí, để rồi ôm bệnh tật ở quê nhà.

BV có nỗi niềm, bệnh nhân cũng vì túng bấn trở thành người quỵt nợ. Biết câu chuyện, chủ một doanh nghiệp tại Sài Gòn lập nên “đội đặc nhiệm BV” có một không hai của cả nước. Các “chiến binh biệt kích” này có nhiệm vụ “điều tra” xem bệnh nhân nào trốn viện vì nghèo mà bệnh chưa điều trị dứt. Sau đó, tìm đến tận nơi, “dẫn độ” bệnh nhân quay lại BV để được chữa bệnh.

Toàn bộ chi phí sẽ do doanh nhân này thanh toán. Hỏi chuyện, vị doanh nhân phúc hậu này cười xòa: “Chỉ là chuyện nhỏ mà. Làm từ thiện không phải để quảng bá doanh nghiệp hay đánh bóng tên tuổi”. Từ chối mọi cuộc trả lời phỏng vấn hay quay phim trên truyền hình, đó là cách hướng về cộng đồng của một doanh nhân tính cách Sài Gòn.

Sài Gòn, những chuyện nhỏ

Mấy ngày gần tết, quán cà phê của người mẫu Huỳnh Trang Nhi đặt thêm một tủ bánh mì. Không phải để bán, mà trên chiếc tủ đó là hàng chữ xanh, đỏ bắt mắt: Miễn phí, mỗi người một ổ, dành cho người khó khăn.

Người mẫu Huỳnh Trang Nhi, một cư dân gốc Sài Gòn chia sẻ, thấy có người tặng bánh mì miễn phí cho người khó khăn, chị bắt chước làm theo. Mỗi ngày với chị, được làm một điều tốt là đem đến cho mình một niềm vui.

Người Sài Gòn là vậy, không câu nệ, luôn hào sảng và luôn học hỏi. Chính vì vậy mà điều hay, cái đẹp cứ thế nhân rộng lên ở xứ này. Những câu chuyện nhỏ về anh thợ sửa xe vá miễn phí cho người nghèo, anh thợ sửa giày may giày miễn phí, thùng trà đá ven đường của chị tạp hóa, biển chỉ đường của dì bán áo mưa… hình thành nên một Sài Gòn tử tế.

Không chỉ tử tế với người tử tế, Sài Gòn cùng dung nạp luôn mọi thành phần đến làm việc, tìm kiếm cơ hội phát triển và cả những thành phần… bất hảo. Thành phố phát triển kéo

Chính sự tử tế, độ lượng của Sài Gòn làm nhiều tay anh chị hoàn lương, phục thiện. Để giúp người lầm lỗi, nhóm của luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM còn lập ra quỹ hoàn lương để giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Quỹ hoàn lương tạo ra các khoản tín dụng, giúp vốn làm ăn và đào tạo nghề cho người một lòng hướng thiện, lao động chân chính.

Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh hiện là một trong những đô thị lớn nhất Đông Nam Á với dân số khoảng 10 triệu người. Mỗi ngày đô thị này còn đón thêm khoảng 1,5 triệu lượt người vãng lai để làm ăn, du lịch…

Sài Gòn không chỉ là đô thị đáng sống mà hơn thế, đây là một đô thị để sống. Nơi mọi người đều có cơ hội như nhau để thành đạt và ấm áp như quê hương…

Nguồn: Thanh Nhã


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: