Những đứa trẻ “khát” chữ ở xóm nhà lá giữa lòng Sài Gòn


Nép bên cạnh những tòa nhà “chọc trời” là những ngôi nhà lá tạm bợ của hơn 50 hộ dân ngụ cư, ở đó có khoảng 20 trẻ em đã quá tuổi đi học nhưng vẫn không được đến trường.

Những đứa trẻ vật vã mưu sinh ở Sài Gòn

Những phận người nghèo trong đêm mưa Sài Gòn

Xóm “nhà lá”

Gọi là “xóm nhà lá, “xóm của dân ngụ cư” bởi những người dân nơi đây đều là dân ngoại tỉnh từ tận miệt vườn Kiên Giang, Cà Mau, Mỹ Tho, Cần Thơ,… đổ về TP.HCM kiếm kế sinh nhai.

Họ làm đủ nghề, đàn ông thì làm thợ hồ, thợ đụng (ai thuê việc gì cũng làm), còn phụ nữ thì nhặt nhạnh ve chai, vệ sinh môi trường…

Thu nhập bấp bênh, những gia đình đông đúc chen chúc nhau trong những gian nhà trọ lợp bằng mái lá tạm bợ trên khu đất giải tỏa, ngay giữa trung tâm Sài Gòn.

Mái nhà lá tạm bợ nép bên cạnh những tòa nhà cao ốc giữa Sài Gòn. (Ảnh: Dương Thương)

Mái nhà lá tạm bợ nép bên cạnh những tòa nhà cao ốc giữa Sài Gòn. (Ảnh: Dương Thương)

Chiều tà, cả xóm nhà lá đều vắng bóng những người đàn ông trẻ khỏe trụ cột, chỉ còn lại một vài cụ già, phụ nữ và đám trẻ chân tay, mặt mũi đều nhem nhuốc.

Trong số những người ở nhà, ông Nguyễn Văn Hoành (57 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) một mình thui thủi với nồi cơm vừa cắm vội.

Thân hình gầy gò và gương mặt khắc khổ, ông nghẹn giọng: “Lúc chiều tui đi lên công trình làm, nhưng rồi người ta chê tui già không làm được việc nên không nhận nữa. Vợ và các con đều đi làm tăng ca cả, tui về trước thì cắm cơm, nấu đồ ăn chờ vợ và con về…”.

Ông Nguyễn Văn Hoanh ngả lưng trên chiếc gối tự chế từ miếng mút lượm từ công trình. (Ảnh: Dương Thương)

Ông Nguyễn Văn Hoành ngả lưng trên chiếc gối tự chế từ miếng mút lượm từ công trình. (Ảnh: Dương Thương)

Ông Hoành kể, vợ chồng ông quê ở tận Kiên Giang, có đến 4 người con. Mang tiếng ở quê, nhưng gia đình ông ở miền giáp biển không có lấy một miếng đất cắm dùi để gieo trồng. Phận đời làm thuê làm mướn vận vào người ông từ bao lâu nay.

“Cách đây nhiều năm, tui bị phát bệnh động kinh, co giật, người ta sợ không ai dám thuê, tui trở nên thất nghiệp. Các con bắt đầu làm thuê tự lập cả, còn vợ chồng tui ở nhà có rau ăn rau có cháo ăn cháo”, ông lão rưng rưng bên khóe mắt.

Trong nhiều bữa cơm, món chủ đạo của người dân nơi đây là rau lục bình thay cho rau muống. (Ảnh: Dương Thương)

Trong nhiều bữa cơm, món chủ đạo của người dân nơi đây là rau lục bình thay cho rau muống. (Ảnh: Dương Thương)

Ở quê đói ăn thiếu mặc, hơn 6 năm trước ông cùng vợ dắt díu nhau theo vợ chồng người con trai cùng lên Sài Gòn “tha hương cầu thực”.

Cả gia đình 5 người (2 vợ chồng ông, 2 vợ chồng người con trai và đứa cháu) sống chật chội trong căn phòng trọ thuê 1,4 triệu/tháng. Nói là phòng trọ cho sang, nhưng thực chất chỉ tạm bợ, lợp bằng mái lá, cột gỗ, trong phòng không có đồ đạc đáng giá ngoài mấy cái võng.

Ông kể thêm, công việc và thu nhập bấp bênh, nhiều khi món ăn chủ đạo của cả gia đình là rau lục bình hái ở mé sông về luộc hoặc xào mỡ thay cho rau muống. Mỗi năm vợ chồng ông chỉ chia nhau về 1 lần vào dịp Tết hoặc giỗ cha mẹ, có năm không thể về vì không có tiền.

Gia đình ông Nguyễn Văn Gạn đã sống ở xóm nhà lá hơn 11 năm nay. (Ảnh: Dương Thương)

Gia đình ông Nguyễn Văn Gạn đã sống ở xóm nhà lá hơn 11 năm nay. (Ảnh: Dương Thương)

Cũng như hộ ông Hoành, hộ ông Nguyễn Văn Gạn (51 tuổi, quê Đồng Tháp) đã gắn bó ở xóm nhà lá hơn 11 năm nay. Hầu hết gần 50 hộ còn lại trong xóm đều chung một cảnh sống như thế.

Đàn ông làm thợ hồ, thợ đụng, sang hơn thì thợ điện, thợ sơn; phụ nữ thì làm vệ sinh, nhặt ve chai ở công trình, những nhà đông con vợ phải ở nhà giữ trẻ.

Những đứa trẻ “khát” chữ

Ông lão trong xóm thở dài: “Cả xóm này có đến hơn 20 đứa trẻ trong độ tuổi đi học, ấy vậy có được mấy đứa biết trường là gì đâu.

Cha mẹ chúng ai cũng lao động nghèo, đủ ăn đủ mặc đã khó, đừng nói đến ăn ngon mặc đẹp, trẻ con cũng không thể mơ ước được vui vẻ tới trường…”.

Những đứa trẻ ở đây dù đã quá tuổi đi học nhưng vẫn chưa được tới trường. (Ảnh: Dương Thương)

Những đứa trẻ ở đây dù đã quá tuổi đi học nhưng vẫn chưa được tới trường. (Ảnh: Dương Thương)

Chị Hồ Thị Mỹ Hạnh (quê Đồng Tháp) năm nay mới 26 tuổi nhưng đã có đến 3 người con (đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi). Ngồi buồn bã giữa những đứa trẻ đông đúc, chị kể chị sinh ra trong gia đình đông con.

Từ nhỏ chị không được tới lớp nên không biết chữ, lập gia đình khi mới 19 tuổi, rồi liền tù tì 3 lần sinh nở.

Năm mang thai đứa con thứ 2, bụng đã vượt mặt nhưng chị vẫn theo chồng lên Sài Gòn làm việc, tính đến nay đã hơn 4 năm.

“Chồng em làm thợ sơn. Hồi trước em cũng có đi làm dọn dẹp vệ sinh ở công trường nhưng hơn 1 năm nay em phải nghỉ để ở nhà trông 3 đứa trẻ. Vợ chồng em cũng muốn cho các con được ăn học đàng hoàng nhưng kỳ thực quá khó khăn, không biết bấu víu vào đâu…”, người mẹ trẻ trần tình

Ở xóm nhà lá, mỗi nhà đều có từ 2 đến 4 con nên nhiều phụ nữ phải ở nhà trông trẻ. (Ảnh: Dương Thương)

Ở xóm nhà lá, mỗi nhà đều có từ 2 đến 4 con nên nhiều phụ nữ phải ở nhà trông trẻ. (Ảnh: Dương Thương)

Hơn 1 tháng nay, cháu bé Trần Mỹ Huyền (hơn 7 tuổi, con gái của chị Hạnh) được nhận vào học trong một lớp từ thiện.

Huyền cười tít mắt nói: “Con thích đi học lắm, từ ngày con đi học biết viết chữ, tô màu”. Huyền kể, đã hơn 7 tuổi nhưng những ngày được đi học là những ngày vui nhất.

“Hồi trước con thích chăm em, giặt đồ, rửa chén, lau nhà vì có việc để làm giúp mẹ, con cũng thích đi học nhưng mẹ không cho đi. Giờ con được đi học rồi thích lắm…”.

Ở xóm hiện có hơn 20 đứa trẻ đang trong độ tuổi đi học. (Ảnh: Dương Thương)

Ở xóm hiện có hơn 20 đứa trẻ đang trong độ tuổi đi học. (Ảnh: Dương Thương)

Cũng như Huyền, trong xóm hiện có hơn 20 đứa trẻ đang trong độ tuổi đi học, khi được hỏi tất cả đều chen nhau trả lời “con thích đi học lắm”, tuy nhiên hầu hết các em đều chưa một lần được đến lớp, số trẻ được học ở trường từ thiện như Huyền chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chị Hạnh khẽ quệt nước mắt nói: “Nhìn con ao ước đi học em cũng muốn lắm nhưng vợ chồng nghèo làm không đủ nuôi con ăn, lấy gì mà học. Khi có cô giáo tới vận động cho con đi học lớp từ thiện, em vẫn sợ tốn kém nhưng rồi cũng liều, thật ra chẳng hề tốn bao nhiêu.

Nay có lớp từ thiện em cũng gắng cho con đi. Trong nhà được một cái xe, sáng em đưa chồng đi làm rồi về đưa 2 con lớn đi học. Em cũng muốn con có tương lai, sau này đừng mù chữ như cha mẹ nó…”.

Theo VTC


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: