Những “tiều phu” mưu sinh ở Sài Gòn


Tại TP.HCM, củi không còn là loại chất đốt thông dụng nhưng hằng ngày vẫn còn nhiều mảnh đời sống với nghề củi. Họ lầm lũi nhặt nhạnh từng que, từng khúc dồn lại để đến cuối tháng thu về 1- 2 triệu đồng, trang trải cuộc sống hằng ngày.

Phận đời giữa phố Tây – Những bé con nhọc nhằn mưu sinh giữa đêm

Những phận người mưu sinh giữa mưa lớn ở Sài Gòn

Những người phụ nữ mưu sinh

Bãi cũi nằm trong khu đất trống thuộc xã Đông Thạnh (H. Hóc Môn, TP.HCM) thực chất là bãi rác cây xanh, tồn tại từ 12 năm nay.

Hằng ngày, công nhân của công ty Công viên cây xanh đi cắt tỉa cây dọc theo các trục giao thông trong thành phố. Những khúc cây lớn được tận dụng làm gỗ. Cành, ngọn và lá được công nhân gom lại chất đầy lên xe chở về khu vực này để thiêu hủy.

Tận thu củi từ đống rác lá

Tận thu củi từ đống rác lá

Mỗi ngày từ 11 giờ trở đi, có hàng chục xe tập kết rác lá về đổ thành hàng dài. Xe vừa đổ rác xuống, 5 người phụ nữ tự chọn cho mình vị trí thích hợp để tìm trong đống rác những cành có thể làm củi được.

Người cầm rựa, người cầm dao họ lao động rất nhanh và cật lực. Một xe như thế, mỗi người cũng chỉ kiếm cho mình một ôm củi nhỏ. Họ đem ra ngoài, dồn lại thành đống.

Chị Võ Thị Châu đang miệt mài tìm củi.

Chị Võ Thị Châu đang miệt mài tìm củi.

Cứ thế, hết xe này sang xe khác họ làm việc dường như không biết mệt. Nhìn các chị làm việc không mấy ai nghĩ đây là công việc của những người phụ nữ.

“12 năm nay, ngày nào chúng tôi cũng đều đặn làm việc”, chị Hồ Thị Tho, 62 tuổi, trải lòng. Chị nói: “Chúng tôi đều là những người nghèo, đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm. Công việc mưu sinh ngày càng vất vả hơn khi hiện tại không mấy ai dùng củi làm chất đốt.

Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ. Ngày mưa còn phải làm nhiều hơn vì mưa làm cho cây đổ, gãy cành. Công nhân đi dọn đem về đổ tại đây. 5 chị em chúng tôi phải lao vào tỉa nhánh lấy củi nếu chậm qua ngày hôm sau, lượng rác khác về đổ dập xuống không tài nào làm nổi”.

Những mảnh đời gian nan

Chị dừng tay với lấy bình nước và chia sẻ tiếp: “Ở đây, khi xe rác đổ xuống mạnh ai nấy làm. Nhưng cũng có hôm hẻo lắm vì rác toàn lá không còn một nhánh nào… “.

Chị Nga ngồi nghỉ bên đống củi khá lớn.

Chị Nga ngồi nghỉ bên đống củi khá lớn.

Chị là Phan Thị Kim Nga (48 tuổi), có chồng làm thợ hàn. Họ không có con, hai vợ chồng làm việc cật lực cũng chỉ vừa đủ ăn. Chị nói: “Chúng tôi làm củi hằng ngày nhưng có khi cả tháng mới bán được một lần.

Người mua thường là những lò bánh, những người bán hủ tíu gõ, các lò nướng bánh mì, nấu cháo cho heo hay sấy hạt điều hoặc xay gỗ. Tính thu nhập nghề mót củi này, may lắm thì một tháng được 2 triệu đồng, không thì chỉ hơn 1 triệu”.

Chị chỉ sang người đang làm bên cạnh. Đây là người lớn tuổi nhất và có thâm niên nhất tại bãi rác này. Bà tên Nguyễn Gai Rai, 73 tuổi. Tuy lớn tuổi nhưng bà lại là người khỏe nhất, làm việc có năng suất nhất.

Bà không phải là người có hoàn cảnh khó khăn nhưng người già không muốn ngồi không, làm gánh nặng cho con cháu nên bà vẫn cứ miệt mài làm. Bà có 8 người con, tất cả đều thành đạt. Những người con của bà nhiều lần đề nghị bà nghỉ ngơi nhưng bà nhất định không đồng ý.

Ngoài ra ở đây còn có chị Võ Thị Châu (50 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng (53 tuổi). Cả 5 người phụ nữ mót củi này có chung một đặc điểm là tự mưu sinh không nhờ vào sự trợ giúp nào từ con cái.

Ngoại trừ bài Rai, những người còn lại đều trú ngụ trong những ngôi nhà lụp xụp. Đặc biệt chị Hồng quê ở Đồng Tháp, đang phải đi thuê trọ tại Sài Gòn.

Những đống rác lá đã xẹp xuống vì được tận thu, những đống củi mới được bày ra hai bên đường đi. Một ngày mưu sinh của 5 người phụ nữ cũng khép lại. Họ ra về, mỗi người một chiếc xe đạp chở theo một ôm củi phía sau, lầm lũi trong bóng chiều tàn…

Theo VietnamNet


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: