Ông già Sài Gòn xài smartphone ào ào, khen ảnh tự sướng


Mình gặp ông vào một buổi sáng nắng đẹp. Ngồi bàn trà đạo, và chiếc smartphone thời thượng trên tay, ông lướt web rất sành.


Mình khoái ngồi nghe ông nói chuyện, cái sự đời trong ông, qua những câu kể, ở những thời kỳ nó dẫn dắt người nghe vào quá khứ của riêng ông, và đưa người ta đi đến một hiện tại, một tương lai thêm nhiều niềm tin từ sự an nhiên của ông…

Mình hỏi tên Facebook của ông để kết bạn. Ông sẵn sàng chia sẻ, trong nhật ký Facebook ấy, chẳng có gì ngoài những hình ảnh tách trà, dĩa hạt sen và một ông già.

Ông nói: ông rất thích những hình ảnh của các cô cậu tự sướng, hình ảnh món ăn trên Facebook nó làm ông thấy yêu đời hơn, yêu giới trẻ hiện đại. Ông thích những dòng trạng thái gây cười, hài hước, châm biếm tích cực…

Ông hăng hái nói chuyện Người Sài Gòn cho mình nghe. Ai mới được gọi là người Sài Gòn ư? Bất cứ ai, sống trên mảnh đất này, lao động và học tập, thích nghi kiểu sống nơi đó, người ta dễ dàng trở thành người Sài Gòn. Ai cũng tự hào rằng nơi mình sinh ra là quê hương, là gốc gác, là cội nguồn.

Một quán cà phê trên đại lộ Lê Lợi năm 1961 - Ảnh: LIFE

Một quán cà phê trên đại lộ Lê Lợi năm 1961 – Ảnh: LIFE

Những ngày ông sinh ra và lớn lên, Sài Gòn hắc mùi thuốc súng. Những gì Sài Gòn xưa có là sự đấu tranh bền bỉ, phải giấu đi cái gì là của mình; từ Gò Vấp ra đến Sài Gòn ư? Đem theo tiền mua hàng về buôn bán, tiền phải lận sâu trong mấy cái ống quần, nhưng bọn nó còn cướp bóc ghê tợn hơn cả chục lần thời bây giờ. Nó cướp công khai, cướp như những thứ đó là của nó.

Ông bảo: “Con cứ ngồi tính mà xem, mỗi người nhập cư vào Sài Gòn này, họ làm công nhân, họ buôn gánh bán bưng hay một tầng lớp trí thức nào đó…mỗi một người, một bát cơm và một lạng thịt, một công sức và một giọt mồ hôi, đã làm ra biết bao nhiêu là của cải cho người Sài Gòn chính gốc.

Không có những người nhập cư ấy, Sài Gòn không phồn thịnh được đâu. Thế nên người ta mang đến cho mình thì mình phải đón nhận bằng sự bao dung, che chở và xem họ như một người Sài Gòn chính hiệu.

Cái ấy không phải ban phát giữa cho và nhận mà là tình người, tình dân tộc, tình đồng loại. Ông còn nói cái ấy là cách nhìn dung dị của cuộc sống…”.

Ông già rồi nên mấy khi ra đường. Có bước ra cũng chỉ là từ nhà đến bệnh viện. Ông bảo kể cho ông nghe con đường trung tâm thành phố vào những ngày này nó ra làm sao? Quán xá, ăn uống, siêu thị…bây giờ chắc nó đẹp lộng lẫy lắm phải không?

1-418125-1368603206_500x0

Mình kể cho ông nghe những gì mà mình biết, mắt ông sáng rực không khác những ánh đèn Noel đang lấp loáng khắp các phố phường Sài Gòn những ngày này.

Ông cười an nhiên lắm, Sài Gòn vẫn trẻ, và trong ông, một Sài Gòn rất khác.

Thôi thì ông cứ cho đi Sài Gòn của ông ngày ấy đến với mình và nhận lại một TP. Hồ Chí Minh trẻ trung, năng động và hiện đại.

Để người trẻ hiểu nhiều hơn một Sài Gòn của quá khứ bằng cái nhìn đúng đắng nhất của một công dân trẻ…

Vậy nên mình rất thích ngồi nghe ông nói chuyện để hiểu thật nhiều một người sống qua hai thời kỳ… Cám ơn ông!

Theo Phạm Minh Hiền/Tuổi trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: