Rơi nước mắt trước chuyện tình “lệch đũa” giữa Sài Gòn


Vượt qua bao khó khăn, thử thách và rào cản về tuổi tác và gia đình nhưng bằng tình yêu chân chính, họ cũng tự dìu nhau cùng đi qua 15 năm cuộc đời.

Chuyện tình “lệch đũa” ngót 15 năm của chàng trai xứ Quảng Đặng Quang Hùng (SN 1947) cùng cô gái miền Tây Trần Kim Loan (SN 1972, ngụ đường Nguyễn Huệ, Q. 1, TP. HCM)) khiến cho bao người thêm niềm tin vào tình yêu chân thực.

Phải lòng từ những tiếng rao hàng rong

Độ 4 giờ chiều, cô Loan sốt sắng mở hàng bánh tráng ra trước nhà sách Nguyễn Huệ cho kịp trời tối. Nghe có khách đến nhà, cô tém gọn cái giỏ vào góc tường, nhờ bác bảo vệ trông chừng rồi dắt chúng tôi lên tận phòng. Căn phòng nhỏ nằm lọt thỏm trong chung cư nghèo Nguyễn Huệ. Cô xởi lởi mời tôi dùng trà rồi nhẹ nhàng thì thầm vào tai người đàn ông đang nằm bất động trên giường có khách đến. Chú méo mó than nhức mỏi, cô nhanh chóng quỳ một bên giường, bóp hai cẳng chân gầy tong teo.

Câu chuyện tình cảm động của chàng trai xứ Quảng và cô gái miền Tây giữa Sài Gòn.

Câu chuyện tình cảm động của chàng trai xứ Quảng và cô gái miền Tây giữa Sài Gòn.

Trong hoài niệm về những ngày yêu nhau, dường như giữa cô chú luôn có sự gắn liền với tiếng rao mời hàng rong. Thuở con gái, vì gia đình nghèo khó, cô đã bỏ xứ lên Sài Gòn kiếm sống. Nghe theo lời vài người quen cùng quê, cô mua 2 cái thúng con và vài món đồ ăn vặt ra phố mưu sinh. Cô cùng chị em bán hàng rong thuê phòng trọ ở lầu 3 chung cư Nguyễn Huệ. Hôm nào cũng thế, 4 giờ sáng, cô Loan bắt đầu ngày rong ruổi khắp ngõ ngách. Và rồi…

Ngày ấy, mỗi lần ra tới cổng đi bán đều gặp chú Hùng đứng tập thể dục. Độ dăm ba câu rao, lại thấy chú nhìn mình tủm tỉm cười, ái ngại lắm. Rồi lâu ngày, chú bắt chuyện, mua giúp vài mòn hàng. Thế là từ tiếng rao của cô mà cả hai mới quen nhau.

Chú là người có học, từng tốt nghiệp đại học kinh tế, nhà khá giả. Những ngày đầu quen nhau, gia đình chú phản đối kịch liệt. Họ cho rằng cô là phường gái “đầu đường xó chợ”. Từ chuyện môn đăng hộ đối đã không tương xứng còn đến chuyện chênh lệch nhau về tuổi tác. Thế nhưng, vượt lên mọi rào cản, đám cưới nhỏ của đôi “uyên ương” chồng 59  vợ 29 cũng được tổ chức dù không nhận được sự chúc phúc từ gia đình.

Nhắc chuyện quá khứ, cô Loan bộc bạch: “ Gia đình chú nghĩ cô về làm dâu vì tài sản nên chẳng ai ưng. Đâu biết được cô và chú thương nhau thật lòng. Những ngày trời mưa gió, chú luôn chạy tìm cô và gánh giỏ hàng về giùm. Cái tính chân thật, hiền lành của chú làm cô yêu từ lúc nào không hay.”

Lâu dần, gia đình chú thấy được tính chất phác, chịu thương chịu khó của cô nên dần chấp nhận cô làm người trong nhà. Rồi cô chú lấy số tiền chắt chiu ngày trước mở tiệm bánh lập nghiệp. Tuy không có con cái nhưng được ngần ấy thời gian “đầu gối tay ấp”, che chở cho nhau cũng khiến cả hai cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Yêu nhau đến lúc đầu bạc còn thương…

Hạnh phúc mỉm cười với vợ chồng cô chú chưa được bao lâu thì nghiệt ngã thay, chú bị tai biến, nằm liệt, lúc tỉnh lúc mê. Kèm theo đó, người mẹ ruột cô lớn tuổi cũng ngã bệnh, em chồng bị bệnh, cô phải cùng lúc chăm 3 người. Tiệm bánh chắt chiu ngày trước đành phải bán nốt để kiếm tiền thuốc thang. Từ đây, mọi việc lớn bé trong gia đình đều đổ đè nặng lên đôi vai gầy guộc của cô.

Hằng ngày, cô Loan phải dậy sớm lo cơm nước tươm tất rồi mới đi làm. “Những hôm ế ẩm, lại phải chạy đầu trên ngõ dưới mượn ít tiền lo bữa cơm trong nhà. Người ta thương nên giúp đỡ, mình cũng ngậm đắng nuốt cay sống qua ngày.”, cô Loan sụt sùi nhớ lại.

Sài Gòn dù nhanh và bận bịu nhưng đâu đấy vẫn còn những câu chuyện lay động lòng người.

Sài Gòn dù nhanh và bận bịu nhưng đâu đấy vẫn còn những câu chuyện lay động lòng người.

Đều đặn mỗi ngày, cô đều dậy sớm nấu ấm nước, lau mình rồi thay tã cho chú. Đúng giờ cơm, cô nâng chú dậy, đút từng muỗng cháo nặng nhọc. Thế mà, cô vẫn vui vẻ: “Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, yêu nhau đến lúc bạc đầu còn thương. Huống chi lúc này chú đau ốm, chăm sóc chồng là bổn phận của người vợ. Bỏ đi còn không phải con người, lấy danh gì mà làm vợ.”. Nghe được điều đó, chú đột nhiên bật khóc. Từng giọt nước mắt lăn tròn trên khuôn mặt hốc hác được cô vội vỗ về: “Em thương anh mà, đời này, kiếp này vẫn thương anh.”

Trời bắt đầu sập tối là lúc chúng tôi tạm biệt vợ chồng cô Loan ra về. Trên đường tiễn đi, cô Loan tâm sự: “Giờ cũng không mong nhà cao cửa rộng làm gì! Có được chỗ nào ngon lành ngồi bán, khỏi phải trốn chui trốn lủi tránh dân phòng thì cô vui nhất rồi. Và có sức còn chăm chú, chú nay yếu lắm…”.

Trong đầu tôi vẫn bị “ám ảnh” bởi hình ảnh lúc cô ôm chú, ánh mắt bâng quơ vô định cùng mong ước nhỏ bé của cô. Ngoài đường, dòng người đổ ra đường ngày một đông hơn, bóng cô giữa con đường Nguyễn Huệ tất bật và ồn ào, nhỏ dần, nhỏ dần…

Theo facebook Huy Hậu


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: