Sài Gòn: 20 năm bơm vá xe miễn phí cho người nghèo


20 năm gắn bó với hộp đồ nghề sửa xe là cả một chặng đường dài đối với anh. Tại đây, người khuyết tật được sửa xe miễn phí.

Tiền bạc sao quý bằng tình người

bom-va-mien-phi

anh Lương và tiệm sửa xe miễn phí cho người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

Một buổi trưa oi bức, trên con đường ngược xuôi xe cộ, có một người đàn ông cụt mất một chân chậm rãi đánh chiếc xe lắc lốp đã xẹp lép đến trước “tiệm” sửa xe của anh Phạm Văn Lương nằm trên vỉa hè ngã tư đường Cống Quỳnh – Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) . Khi chiếc xe đã được sửa xong, anh Lương đẩy chiếc xe trở lại lòng đường rồi lại bế người khách trở lại xe. Người khách hỏi bao nhiêu tiền để trả thì người thợ xe cười hiền nói: “Ở đây phục vụ miễn phí anh ạ. Chúc anh lên đường bình an”. Người khách lấy làm ngạc nhiên những cũng không quên lời cảm ơn đối với người vá xe tốt bụng.

Nói về cái duyên đến với công việc làm khá “lạ đời” này. Anh Lương tâm sự: “Tôi nhớ có một lần, có người đàn ông đã lớn tuổi bị liệt cả hai chân đến tìm tôi để sửa chiếc xe lăn. Anh nói đi mấy nơi mà chẳng ai chịu sửa cho vì xe của người khuyết tật vốn rườm ra, tiền sửa cũng chẳng đáng là bao. Thế là khi sửa xong, tôi quyết định không lấy tiền khách”. Lúc đó, có nhiều người ở bên cạnh cứ bảo là Lương “khùng” vì đã nghèo rồi còn làm việc không đâu, thiệt thân. Thế nhưng, bỏ hết những lời châm chọc của nhiều người. Bắt đàu từ đó, anh chẳng hề lấy tiền công đối với những khách là người khuyết tật nữa. Sau này, để cho nhiều người biết thì anh viết một tấm bảng với nội dung “Người khuyết tật – bơm vá miễn phí” đặt ngay chỗ mình làm.

Vá xe, “vá” cả cuộc đời mình

Anh Phạm Thành Lương sinh năm 1964, quê gốc ở Quảng Ninh. Năm 1991, anh khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp, bén duyên với nghề mộc được 2 năm nhưng cảm thấy không phù hợp nên chuyển sang nghề sửa xe ở vỉa hè. Cứ khoảng 6 giờ sáng, anh lại lỉnh kỉnh đồ nghề để làm việc. Ngày nào đông khách thì cũng được kiếm được hơn 100.000 đồng, cũng tạm đủ tiền cho chi phí phòng trọ với nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học.

Tuy ngoài xã hội, anh tốt bụng là vậy nhưng trong chuyện gia đình anh Lương lại không thật sự được hưởng hạnh phúc trọn vẹn khi phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”.

Anh cho biết, vì nhà có đông anh em nên anh luôn lần lựa trong việc lập gia đình. Mãi đến khi bước sang tuổi 40, khi các anh em đã yên bề gia thất thì anh mới tính đến chuyện lấy vợ. Khi đó, anh bị “say nắng” một cô gái trẻ đẹp quê gốc ở Long An. Sau một thời gian quen biết thì hai người về sống chung dưới một mái nhà. Chỉ sống với nhau được chừng gần 3 năm thì hai người chia tay, bỏ lại hai đứa con nhỏ cho anh nuôi nấng.

Những tháng ngày sau đó quả là quãng thời gian dài đằng đẵng khi một mình anh phải nuôi hai con nhỏ đang khát sữa mẹ.

Hai đứa trẻ, anh cả tên Phạm Quý Tài (SN 2005) và em út tên Phạm Quý Đức (SN 2006) lớn lên giống cha như tạc. Hiện nay, cả ba cha con đang ở trong một căn nhà trọ tồi tàn nằm trên địa bàn xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM), cách nơi anh làm việc khá xa. Thiếu vắng hơi ấm của mẹ nhưng bù lại, hai đứa trẻ được sự yêu thương, quan tâm hết mực của cha. Những chuyện như giặt giũ, nấu nướng, may vá đều một tay anh làm hết. Anh vừa làm tròn bổn phận của một người cha, vừa là một người mẹ trong gia đình.

Anh Lương chia sẻ: “Lo là khi mình thêm vài tuổi nữa thì có đủ sức làm việc để nuôi con nữa không? Chỉ sợ mình không có đủ điều kiện để nuôi chúng ăn học đến nơi đến chốn”. Và dường như không muốn để cho điều đó xảy ra nên hàng ngày anh dành phần lớn thời gian của mình cho công việc. Ngoài việc vá xe, anh còn làm thêm cả công việc lái xe ôm để tăng thêm thu nhập. Thế nhưng, khi gặp những vị khách nghèo khó thì anh cũng sẵn sàng chạy miễn phí, bởi bản tính của anh nó vậy mất rồi.

Và cứ thế, trên dòng xe cộ tấp nập hàng ngày, người ta lại chứng kiến người đàn ông đã đứng tuổi với tấm bảng có dòng chủ quen thuộc “Người khuyết tật – bơm vá miễn phí”. Có lẽ, chẳng có được mấy người biết được hoàn cảnh éo le của chủ nhân của dòng chữ ấy. Thế ít ra thì mọi người cũng biết rằng, trong xã hội còn lắm nhiễu nhương này vẫn còn những tấm lòng nhân ái đến như vậy. Dù rằng, việc làm của anh Lương chỉ là hết sức nhỏ bé thôi nhưng nó đang làm ấm con tim của không biết bao nhiêu người, góp phần cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Nguồn: Nam Giang/ phunuonline.com.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: