Sài Gòn hát với nhau có gì vui?


Ban ngày Sài Gòn tấp nập, còn ban đêm đằng sau một sài gòn nhộn nhịp và có phần xô bồ kia là nhịp sống của một thành phố khác với đủ các gam màu nổi, chìm, trầm, nóng, lạnh. Một trong những gam màu nổi trong đêm sài gòn là thế giới ánh đèn của quán nhậu “hát với nhau”. Anh bạn ở tỉnh lẻ đi Sài Gòn một vòng, thắc mắc: “hát với nhau” là gì?… Phải như hát karaoke không?”.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Sài Gòn trong tôi như một mạch sống ngầm

Những khu chợ trời cuối tuần gây sốt tại Sài Gòn

Hát karaoke là chỉ hát với dàn nhạc trong máy đã được thu sẵn, còn Hát với nhau là lên sân khấu và hát với một dàn nhạc đệm. Dàn nhạc này có thể chỉ có một nhạc công cùng với một cây organ, không kèn cũng không có trống. Cũng như hát karaoke, nếu như mình không thuộc lời thì MC của quán sẽ chọn bài nhạc theo yêu cầu, người hát chỉ cần nhìn chữ mà hát. Chỉ khác ở chỗ karaoke thì chữ chạy, còn hát với nhau thì chữ.. đứng, đôi mắt mình phải tự chạy, nếu không thì có MC đứng phía sau nhắc lời. Anh bạn thắc mắc cũng phải thôi, vì ở tỉnh xa loại hình sinh hoạt âm nhạc này chưa thịnh hành, tôi dẫn anh bạn đi một vòng để biết hát với nhau là gì. Các quán hát với nhau chia làm hai loại là quán của giới sành điệu và quán của giới bình dân và của dân nhậu.

16

Hát để giải trí

Ở những quán hát với nhau chuyên dành cho giới sành điệu như 41 Nguyễn Thị Diệu, An trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Thuyền & Biển ở Lê Hồng Phong, thì có không khí như một phòng trà ca nhạc mà ca sĩ chính là khán giả. Khách đến đây không có nhu cầu ăn nhậu mà chỉ có nhu cầu hát. Dù quán có một nhạc công hay nhiều nhạc công thì vẫn có người đến do đã quen thuộc không khí của từng quán, hay đã quen hát với ban nhạc nào đó. Giá bia của những quán này khoảng từ 20 – 30 ngàn đồng một chai, người hát sẽ được đăng kí hát một hoặc hai bài tùy theo số lượng khách. Có một vài quán thường cho khách nghe giọng hát của một vài ca sĩ chuyên nghiệp.

Những người khách ở loại quán này có cảm giác mình có cùng đẳng cấp với ca sĩ chuyên nghiệp dù ca sĩ hát thì họ có tiền, còn khách hát thì trả tiền bia. Quán Bách Tùng Diệp trên đường số 5 – Phường Bình Trị Đông B là một quán hát với nhau như thế. Chị ba Thanh Thanh là một người nghiện hát như vậy, hầu như một tuần thì có đến ba ngày chị dẫn chồng là anh Long la cà hết quán này đến quán khác uống bia và để hát. Trước đây chị là một nữ tửu có hạng, thích uống rượu say để quên đời, giờ chị uống ít, đi hát với nhau để giải trí.

Những người biết chuyện của chị đều chúc mừng chị đã vượt lên chính mình tại những quán hát với nhau. Người đến các quán hát với nhau dành cho giới sành điệu âm nhạc là những người ở lứa tuổi trung niên, hầu hết đều thích hát, biết hát. Trong số họ không hiếm những giọng ca hay, hát bằng chính tâm hồn và cảm xúc của mình. Ngay cả việc dám đứng trước bá quan thiên hạ mà hát đã là quá chuyên rồi. Họ thường hát những tình khúc của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Y Vân, Phạm Duy, Vũ Đức Sao Biển, Phú Quang, Dương Thụ… hoặc nhạc tiền chiến thời “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Cô láng giềng…”. Vì chọn nhạc “tủ” nên giọng hát của họ không thua ca sĩ chuyên nghiệp và đầy phiêu linh tâm cảm. Có người khó tính mang sẵn đĩa thu nhạc hòa âm riêng cho mình chứ không cần dàn nhạc tại quán đệm theo như nhạc đám cưới ở nhà hàng. Có những người khách chỉ đến để hát một bài hát của mình.

Có nhóm bạn vài người sau chầu nhậu ở đâu đó đến đây để làm tăng hai một cách văn hóa văn nghệ.

Hát với… Bia​

Loại thứ hai là nhà hàng có phục vụ ca nhạc, ca sĩ chủ yếu là thực khách như các quán Thỏ Beni ở Quận 5, Cây Si ở Quận 1. Không khí ở những quán này thường ồn ào hơn những quán hát với nhau “thập cẩm”. Ở những quán hát với nhau kiểu này, sau khi sương sương vài ve, khách liền đăng kí lên hát cho giảm hơi bia. Mặc ca sĩ hát thì cứ hát, khách “dô” cứ “dô”, ai cãi lộn thì cãi lộn… Rồi người đang hát sẽ trở thành người nghe ngay trên sân khấu và người đang ăn thì lại trở lại với bài hát của bạn mình… Trời đất ơi, thật quá nhộn nhạo. Hát với nhau đã trở thành hát với… bia. Huề! Trong cái sự huề này, hát với nhau lại trở thành… hét với nhau.

Hát với nhau ở những quán nhậu như quán Vườn Tre trên đường Âu Cơ (P. Phú Trung, Quận Tân Phú) thì sân khấu là chỗ vô tư, tự nhiên như ở nhà. Người mặc quần áo nghiêm chỉnh lên sân khấu hát thì không nói làm gì, có người quần soóc, dép lê vẫn thản nhiên bước lên sân khấu và cất giọng: “… Ngày xưa em lá ngọc cành vàng…”. Ca sĩ quần soóc dép lê biểu diễn, bạn nhậu mang bia lên tận sân khấu mời “dô”. Thật là không còn gì để nói. Quái Kiệt Tòng Sơn vừa thổi kèn vừa ăn chuối chắc không ngờ rằng bây giờ đã có “ca sĩ” vừa hát vừa uống bia, ăn mồi nhậu. Họ hát như người nói ngọng: “ày ào anh ặp em… em ắt inh ồi… anh ắt ặt i uôn..”. Chỉ nghe vậy thôi cũng đủ thấy nó phi văn hóa và thô tục không có từ ngữ nào để diển tả được. Do tôi chưa lân la hết các quán nhậu hát với nhau nên chưa biết hết được chuyện bi hài khi hát với nhau. Mấy ông nhạc sĩ lỡ có nhạc phẩm được các ca sĩ ba trợn này chọn hát chắc chẳng biết nói sao, chỉ có nước độn thổ bởi chẳng kiện tụng được ai.

Hát với nhau và đi… với nhau

Để tăng thêm phần hấp dẫn, cuốn hút, không ít chủ quán nhậu bổ sung vào chương trình vài “ca sĩ” hát với nhau rồi “đi với nhau”. Thế là những ông thích hát, mê “đào” ngày càng gắn bó với quán với mục đích không còn lành mạnh nữa. “Dốc hết tình này ta trả nợ đời…”, tiếng “rống” thảm thiết của Hồng Thu – cô ca sĩ có tuổi nhưng chưa có tên làm “rung động” bao thực khách có mặt tại quán nhậu N. nằm trên đường Bác Ái, quận Thủ Đức. Nhiều ông khách vỗ tay tán thưởng, những bông hồng có “nhụy” được trao tay. Hồng Thu rời sân khấu rồi đi tới một bàn nhậu nơi có một vị khách vẫy tay mời gọi. Sau khi uống một li bia để chào xã giao, Hồng Thu bật quẹt châm thuốc hút trông rất sành điệu. Hồng Thu năm nay 28 tuổi, đã có 2 con. Chồng Thu vì không chịu nổi cảnh Thu mê ca hát, bỏ bê gia đình nên hai người chia tay. Thu đưa hai con nhỏ về sống nhà mẹ ruột rồi đi hát kiếm tiền nuôi con.

Mỗi đêm chầu chực từ 19h đến 22h, số tiền mà Thu được trả trọn gói chỉ từ 50.000 đến 70.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó không đủ mua phấn son, quần áo để đi hát huống chi là nuôi con. Để cải thiện đời sống, Thu đành phải chấp nhận những cái bẹo má, bá vai của khách nhậu để kiếm mấy chục ngàn tiền “boa”. Rồi vì chạy theo đồng tiền, Thu sẵn sàng chấp nhận những lời mời qua đêm. Quán nhậu Q. ở P.Tân Thới Nhất, Quận 12, có chương trình hát với nhau tồn tại nhiều năm nay. Chính nhờ chương trình này mà quán luôn đông khách, phần đông là những người đàn ông trung niên có máu văn nghệ mỗi khi ngà say. Cũng giống như ở N., quán Q. cũng có một “đội quân” là những “ca sĩ” miệt vườn. Trong số đó, Thanh Thủy quê ở Dĩ An, Bình Dương thì ngoài ca nhạc, cô còn chuyên trị những bài tân cổ giao duyên hay những bài bản Phụng Hoàng, Nam Ai, Dạ Cổ Hoài Lang nghe rất bùi tai, rất mùi mẫn.

Vì vậy mà Thủy thường xuyên được những ông khách say mèm bắt hát song ca, hay “hát kèm” bài vọng cổ, cô lấy đó làm niềm vui cho đời “ca sĩ” có tuổi, không tên của mình. Ngày trước, khi chưa bước vào thế giới của ánh đèn sân khấu, Thủy vốn là một cô gái yêu văn nghệ nhưng năng khiếu có hạn nên không thể tiến xa. Biết thân phận mình, Thủy tìm đến tụ điểm hát với nhau để thỏa mãn niềm đam mê. Thời gian đầu đến với hát với nhau, Thủy khá nghiêm túc và thường tỏ vẻ khó chịu mỗi khi có vị khách nào đó sàm sỡ. Nhưng rồi dần dà, bản lĩnh của Thủy đành phải xiêu lòng trước cơn lốc đồng tiền của các vị “đại gia” thừa tiền nhưng thiếu nhân cách, phẩm giá, đạo đức.

Bi, hài sân khấu hát với nhau

Trên sân khấu, ông bố say sưa hát, bỗng một thằng bé chỉ vài tuổi, chập chững cầm hoa bước lên. Tặng hoa cho bố xong, cu cậu đứng luôn tại bậc tam cấp của sân khấu, kéo quần xuống và… tè, ai nấy đều cười vỡ bụng. Tại nhà hàng bia tươi 33 Quang Trung, Quận Gò Vấp, hàng đêm vào lúc 20h bắt đầu chương trình hát với nhau. Khi một cô gái trong trang phục đầm ngắn, được giới thiệu là ca sĩ của nhà hàng vừa bước lên sân khấu thì phía dưới hàng loạt thanh niên, đàn ông lại ồ lên, kèm theo những tiếng huýt sáo inh ỏi. Cô gái giới thiệu bài Tình thôi xót xa và hăng say hát, nhún nhảy theo điệu nhạc. Bên dưới, tiếng vỗ tay, gõ chén đĩa, cả tiếng đập bàn vang lên ầm ầm. Cô “ca sĩ” hát đến gần được nửa bài thì một thanh niên, tay cầm một nhánh hồng chạy ào lên tặng.

Cùng lúc đó, anh ta kéo ghì cô ca sĩ vào sát người mình và… hôn. Chưa hết, anh thanh niên này ở luôn lại sân khấu và bắt đầu nhảy nhót, lắc lư loạn xạ. Phía bên dưới cảnh bát nháo cũng diễn ra. Khoảng sân trống kề sân khấu lập tức biến thành sàn nhảy. Từng đôi, từng đôi nam nữ, nam nam, nữ nữ, thậm chí nhiều cặp “U40-50” quay cuồng nhảy nhót. Cô “ca sĩ” vừa chấm dứt bài hát thứ hai thì bỗng đâu xuất hiện một thanh niên, tay cầm ly bia, loạng quạng bước lên sân khấu mời cô “ca sĩ”. Cô này chịu chơi chẳng kém, cầm ly bia tu ừng ực 100%. Bên dưới, tiếng vỗ tay, huýt sáo, đập bàn lại vang lên ầm ầm. Tại quán nhậu hát với nhau tên Cây Dừa trên đường Nguyễn Văn Đậu, Quận Bình Thạnh, khi cô nàng MC xướng lên: “Tiếp tục chương trình, xin mời anh T.N… bàn số 4 giao lưu với bài hát Cây cầu dừa”.. Người đàn ông khoảng ngoài 40, nước da cháy đen, dáng người lam lũ bước lên sân khấu. Anh vừa có mặt trên sân khấu, lập tức cả quán ăn cười ồ. Họ tức cười vì trên người đàn ông mặc độc một chiếc quần đùi cũ mèm.

Không những không xấu hổ mà dường như những trận cười phía dưới làm cho người đàn ông này thêm “hãnh diện” vì trang phục… độc đáo. Anh ta “máu” lên và oang oang trên micro: “Đã lâu lắm rồi không về thăm lại chốn xưa, đã lâu lắm rồi không về đi qua cầu dừa…” Vài quán nhậu trên đường Gò Dầu, Quận Tân Phú hàng đêm cũng tổ chức chương trình hát với nhau tương tự. Thực khách của những quán này hầu hết là thanh niên và đàn ông có tuổi. Đây là điểm hát với nhau nhưng hình như khách đến đây không phải để “thử chất giọng” mà chủ yếu là “thử đôi tay” vì đội ngũ các em tiếp viên kiêm “ca sĩ” ở đây rất “chịu chơi”. Khách vừa nhậu, vừa được yêu cầu các em lên hát. Em nào hát hay sẽ được thưởng một bông hồng, vài chục nghìn tiền “bo” và… ba cái hôn.

Hiện nay hát với nhau trở thành phong trào tại các nhà hàng, quán nhậu ở Sài Gòn. Chỉ cần một bục gỗ sơ sài, mướn thêm một tay đàn organ là có được một sân khấu hát với nhau trong quán. Từ đó cũng xuất hiện hàng nghìn cảnh tượng bác nháo, khó coi khi người ta hát trong trạng thái lâng lâng men rượu, bia. Trong sắc màu chìm của đêm Sài Gòn, thế giới ánh đèn của những quán hát với nhau không phải là ánh đèn những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, Bên cạnh quán hát với nhau sau giờ đóng cửa, có một cuộc sống khác hẳn với ánh đèn, tiếng nhạc, lời ca. Đó là cuộc sống nhọc nhằn của những người chạy xe ôm, của những người bán thuốc lá lẻ thâu đêm, những người tẩm quất với những bước chân lê khắp hang cùng ngõ hẻm. Khi ấy, những ca sĩ có tuổi nhưng chưa có tên mới thấm thía hết nỗi lòng ca sĩ. “Khi biết em mang kiếp cầm ca…Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người đời… Bỏ tiền mua vui… Hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không?”

Theo motthegioi.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: