Tiếng chổi tre trong đêm giao thừa


Đều đặn cứ Sài Gòn vào đêm cuối năm, lẫn trong dòng người nô nức đổ ra đường chờ đón giao thừa, nữ lao công Phạm Thị Thu (Công ty TNHH Dịch vụ công ích Quận 5, TP.HCM) vẫn cần mẫn đưa từng nhát chổi tre xào xạc trên phố đêm.

Chuyện về những người tảo mộ thuê vào ngày Tết ở Sài Gòn

Người Sài Gòn thả cá chép sớm tiễn Táo quân chầu trời

Trong 30 năm theo nghề chị đã không ít lần đón năm mới trên phố cùng cây chổi tre quen thuộc của mình.

Trong 30 năm theo nghề chị đã không ít lần đón năm mới trên phố cùng cây chổi tre quen thuộc của mình.

30 năm gắn bó với nghề quét rác, chị lao công Phạm Thị Thu đã quen với từng gốc cây, từng góc phố trên tuyến đường mình phụ trách. Ngày nắng cũng như đêm mưa, chị cần mẫn với công việc dọn dẹp của mình. Với chị, công việc dọn dẹp này đã trở thành một phần của cuộc sống thường nhật. Cặm cụi và trách nhiệm, chị làm việc ngay cả trong những ngày nghỉ tết.

Tiết trời Sài Gòn dịp tết se lạnh, những giọt mồ hôi đọng thành giọt lớn trên khuôn mặt hao gầy của chị, rịn ướt cả mảng lưng áo bạc màu. Những nhát chổi trên tay chị như nhanh hơn, gấp hơn, chị cố gắng hoàn thành con phố mình được giao nhiệm vụ dọn dẹp, để về nhà trước khi chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Ngày cuối năm, đường sá nhiều rác hơn bình thường, với dấu tích của những cuộc mua bán cuối cùng trong năm trên hè phố, những xà bần và rác dọn nhà ai đó đổ vội ra đường. Do vậy hiếm khi chị Thu được về nhà đón giao thừa.

“Đêm giao thừa, chúng tôi vẫn quét dọn đường phố thật sạch sẽ rồi mới về nhà. Có năm khi đang quét dọn trên đường thì pháo hoa sáng rực trời. Đêm giao thừa năm ngoái tôi về đến nhà thì đồng hồ đã chuyển sang 1 giờ sáng Mùng 1 tết”, người phụ nữ nhỏ nhắn Phạm Thị Thu nhỏ nhẹ chia sẻ với chúng tôi về công việc của chị trong đêm giao thừa. Hình ảnh gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng đêm giao thừa vẫn còn là ước mơ của vợ chồng chị Thu.

Ngay trước giờ khắc giao thừa, chị Thu vẫn miệt mài công việc của mình trên phố

Ngay trước giờ khắc giao thừa, chị Thu vẫn miệt mài công việc của mình trên phố

Chị Thu cho biết, công việc của người lao công vốn nặng nhọc lại không có ngày nghỉ lễ tết bình thường như bao ngành nghề khác để gia đình có cơ hội quây quần, nghỉ ngơi cùng nhau một cách trọn vẹn. Bởi dù là ngày nghỉ, phố sá vẫn cần bàn tay của những người lao công chăm sóc để luôn sạch đẹp. Dọn dẹp sau đêm giao thừa, chị trở về nhà, tự thưởng cho mình giấc ngủ ngắn, để rồi sáng mùng 1 Tết trở lại trở dậy “bám địa bàn”. Chồng chị đồng thời là đồng nghiệp, nên công việc trong dịp Tết của anh cũng tương tự như chị. Chị nói vui, cứ mùng một tết là hai vợ chồng lại… xách chổi ra đường.

Dù công việc cuối năm cuốn đi, anh chị Thu vẫn có niềm vui đón tết bình dị: Tranh thủ sau ca trực, hai vợ chồng tạt vào tiệm ven đường mua bó hoa về trang hoàng nhà cửa, sắm vài món đồ tết, bày mâm ngũ quả trang trọng trên bàn thờ tổ tiên, để có không khí gia đình sum vầy. Tết của gia đình chị là cái tết “tranh thủ” – thật đơn sơ, nhưng không kém phần hạnh phúc.

Một niềm vui khác của chị Thu trong dịp Tết là ngắm con đường dài phía sau lưng mình thênh thang sạch đẹp, lắng nghe hơi thở Sài Gòn trong buổi sớm đầu năm thật yên bình, trẻ con và người lớn súng sính quần áo mới đổ ra đường chụp hình trên những góc phố được trang hoàng rực không khí tết. Chị vui vì mình đã góp phần nhỏ bé vào một sự khởi đầu mới ấy. Chính niềm vui giản dị này giúp chị lặng lẽ gắn bó với chiếc chổi tre suốt 30 năm qua.

Một năm mới nữa sắp sửa gõ cửa. Đi trên con phố sạch sẽ ngày đầu năm, có thể bạn sẽ lắng nghe tiếng chổi tre lao xao của những người lao công cần mẫn như chị Thu. Hãy cùng gửi đến các anh chị lao công lời tri ân – những người đã trao tết Sum vầy cho cộng đồng qua công việc lặng thầm của họ trong tết.

Theothanhnien.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: