Xe gỏi khô bò đặc biệt nhất Sài Gòn: 50 năm không có quán hàng, khách ngồi la liệt dưới gốc cây


Người Sài Gòn, ai mà không biết xe gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám của dì Sáu, ai mà chưa từng ngồi ngay dưới mấy cái cây bự mà ăn ngay cho đỡ ghiền chứ!

4 quán ăn đêm mở đến 3, 4 giờ sáng cho đêm mất ngủ ở Sài Gòn

6 quán ăn vỉa hè lúc nào cũng đông nườm nượp ở Sài Gòn

Bữa nay Sài Gòn nắng, chiều rồi mà nền trời xanh ngắt, không thèm gợn chút mây. Không mây, bóng dì Sáu in xuống mặt đường chắc nịch. ‘Thôi thà vầy, chứ mưa như mấy bữa trước thì bán buôn thảm thương, không biết đường nào dọn cho kịp’ – dì Sáu vừa nói, khi đang đứng trong chiếc xe rong bán gỏi khô bò đậu ở góc công viên Lê Văn Tám, cách mặt đường tầm chưa tới chục mét, xe qua lại rào rạo suốt ngày, vừa sửa soạn làm gỏi cho khách.

Dì Sáu, nhân vật làm ra dĩa gỏi đu đủ khô bò huyền thoại ở công viên Lê Văn Tám.

Dì Sáu, nhân vật làm ra dĩa gỏi đu đủ khô bò huyền thoại ở công viên Lê Văn Tám.

Mà dì Sáu nói vậy, chứ cái xe gỏi đu đủ khô bò đúng chuẩn nhà làm của dì hơn 50 năm nay, dù mưa nắng Sài Gòn thất thường cỡ nào bán cũng có ế đâu. Thử hỏi người Sài Gòn chánh hiệu coi, gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám, ai mà không biết.

Để ý đi qua đi lại khúc này, chiều nào cũng thấy người ta bu đen bu đỏ í ới kêu dì bán cho mấy bịch gỏi đem về nhà ăn, không thì cũng tấp qua bên kia đường, gửi xe rồi sà xuống gốc cây bất kì, đủng đỉnh ngồi rồi kêu hai ba dĩa gỏi khô bò, dĩa nhiều tương ớt, dĩa ít rau răm, kêu thêm ly trà đá vừa nhâm nhi vừa ngó coi đám người chen chúc nhau giờ tan tầm ngoài lộ.

Dù trưa nắng hay chiều tà, khách vẫn ngồi đông hết các gốc cây chung quanh quán dì Sáu để ăn dĩa gỏi khô bò lẫy lừng.

Dù trưa nắng hay chiều tà, khách vẫn ngồi đông hết các gốc cây chung quanh quán dì Sáu để ăn dĩa gỏi khô bò lẫy lừng.

Nhiều khi mặt trời lặn đi đâu mất, người ta cũng cất công lặn lội ngồi gốc cây, vừa ăn gỏi, vừa đập đám muỗi đói ở công viên. Lâu lâu tiếng con chim lạ gì kêu, trong một bầu không khí âm âm u u, cây cối tĩnh lặng, rợn hết da gà. Mà chắc ngon lắm, ngon dữ lắm người ta mới chịu khó như vậy, chứ bán dở thì hàng quán nào “sống” nổi sau hơn 50 năm.

Đó, bán ngon, tiếng thơm đồn xa, khách khứa ê hề mỗi ngày từ tận trưa tới gần 10 giờ tối. Bán không ngớt tay, làm không nghỉ mệt. Mà hỏi tới, lúc nào dì Sáu cũng “khổ lắm con ơi, cực lắm con ơi”.

Những bữa xế 'chịu khó' như vầy, cũng là một phần thú vị trong cuộc sống của người Sài Gòn.

Những bữa xế ‘chịu khó’ như vầy, cũng là một phần thú vị trong cuộc sống của người Sài Gòn.

– Sao con thấy bán đắt mà lúc nào dì Sáu cũng than vậy?

– Ờ đắt thì đắt, tại trời thương đó con. Mà cái tật quen, hở ra là than khổ than cực à.

Nói xong dì Sáu mới giải thích, hồi đó ở quê, cực gần chết, đói ăn, thiếu mặc, suốt ngày dính với ruộng đồng, cây lúa, con đỉa… Hên nhờ chị của dì, người lập ra cái xe gỏi này, thấy thương nên rước từ dưới quê lên bán phụ. Dù sướng hơn dưới quê nhiều mà cái tật quen miệng, cứ hở ra là than như mấy lúc ông bà già giựt tóc dậy sớm đi cấy lúa, mót khoai.

Những bữa xế 'chịu khó' như vầy, cũng là một phần thú vị trong cuộc sống của người Sài Gòn.

Những bữa xế ‘chịu khó’ như vầy, cũng là một phần thú vị trong cuộc sống của người Sài Gòn.

“Hay than vậy thôi chứ Sài Gòn thương dì, bán buôn được lắm”.

– Hồi đó dì 17 tuổi là lên đây phụ rồi, tới nay là cũng gần 60 tuổi. Mà mấy chục năm qua vẫn còn ám ảnh tuổi thơ cực khổ ở An Giang. Nên hay than vậy thôi chứ Sài Gòn thương dì, bán buôn được lắm, kể cả trước kia lúc mới chuyển từ sân Hoa Lư qua đây, thời mới giải phóng, công viên này còn là nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi đó con, khách cũng tới ăn đều đều mỗi ngày.

– Ủa, bán ở nghĩa địa lúc đó có sợ… ma không dì?

– Dì hồi nhỏ ở quê, ăn ngủ ngoài ruộng phụ cha mẹ, tối thui chỉ có cây đèn dầu hoặc nhờ ánh sáng trăng còn không sợ, nghĩa địa Sài Gòn ăn thua gì.

Dì Sáu luôn biết ơn Sài Gòn và cái xe gỏi khô bò của chị mình 'khai sinh' ra.

Dì Sáu luôn biết ơn Sài Gòn và cái xe gỏi khô bò của chị mình ‘khai sinh’ ra.

Dì nói dì không sợ, nhưng cũng lo khách sợ, đồ ăn mà bán buôn gần nghĩa địa, ai mà dám lại. Nhưng được cái dân Sài Gòn thương tình, hai cô gái (hồi đó dì và chị còn nhỏ xíu) miền Tây chân chất lên Sài Gòn bán buôn lập nghiệp, cứ rảnh là họ lại tới ăn xong “tám” chuyện, san sẻ cho nhau nghe về cuộc sống thành thị, nông thôn này kia kia nọ.

Người thành phố thì khao khát nghe chuyện ở quê nghèo, nào giờ chỉ biết trên tivi nên dì Sáu với dĩa gỏi đu đủ khô bò là chứng nhân kể chuyện thật của họ. Dì Sáu hay kể về cuộc sống nơi ruộng đồng An Giang, về nắng mưa quê nghèo, về mùa lúa chín, gió chướng tạt ngang là thơm phức cả gian nhà, dì kể bằng ký ức của chính mình, bằng những chất liệu thật của quá khứ nên khác họ thương hai chị em dì dữ lắm.

Bán buôn tận 50 năm, dì Sáu có không biết bao nhiêu là kỷ niệm.

Bán buôn tận 50 năm, dì Sáu có không biết bao nhiêu là kỷ niệm.

Còn dì mới lên thành phố, cuộc sống lạ lẫm, nên hay hỏi khách tới ăn những kinh nghiệm sống nơi thành phố, đi chợ nào mua vải, chợ nào mua cá, đi đâu thì ăn được mấy món miền Tây cho đỡ nhớ quê nhà.

‘Hồi đó, xe gỏi khô bò của dì làm như là nơi kể chuyện đó con. Nhớ lại cũng vui, chắc suốt đời này dì không quên đâu. Mang ơn Sài Gòn, mang ơn người Sài Gòn mà. Mang ơn cả cái xe gỏi khô bò và chị hai nữa’.

Những dĩa gỏi ngon số dzách do chính dì Sáu làm ra.

Những dĩa gỏi ngon số dzách do chính dì Sáu làm ra.

Nói qua cũng phải nói lại. Thương gì thì thương, đồ ăn mà kém ngon cũng không khiến người ta quay lại hoài được. Mọi thứ nguyên liệu để làm ra món gỏi, dì Sáu đều tự làm. Đu đủ mua thì cũng mua trái để về tự bào, chứ dì sợ ở ngoài chợ bán loại đu đủ bào sẵn ngâm thuốc tẩy trắng này kia, khách ăn vô bệnh thì phải tội.

Khô bò thì khỏi nói, dì cũng tự làm luôn, làm theo đúng công thức của chị hai dì trong hơn 50 năm qua, làm trong ngày, bán trong ngày chứ không có làm một lần, bán mấy ngày như những chỗ khác. Tương ớt, nước tương, đậu phộng này kia dì cũng tự tay pha và rang cho chuẩn vị ‘dì Sáu’.

'Ăn dĩa gỏi ở dì chắc nhớ hoài không quên cái vị giòn giòn của đu đủ, chua chua vị chanh, thơm thơm vị tỏi quyện với miếng khô bò đen béo ngậy'.

‘Ăn dĩa gỏi ở dì chắc nhớ hoài không quên cái vị giòn giòn của đu đủ, chua chua vị chanh, thơm thơm vị tỏi quyện với miếng khô bò đen béo ngậy’.

Mà dùng cái tâm để nấu nướng thì kết quả cho ra cũng đậm hương vị ngon lành thôu. Ăn dĩa gỏi ở dì Sáu, chắc nhớ hoài không quên cái vị giòn giòn của đu đủ, chua chua vị chanh, thơm thơm vị tỏi quyện với miếng khô bò đen béo ngậy, cộng gộp với cọng rau răm, hột đậu phộng rang vàng là làm nên cả một nghệ thuật ẩm thực đặc sắc. Chưa kể miếng bánh tôm vàng rộm, giòn tan trong khoang miệng cũng khiến bao người phải thầm cảm ơn độ mẫn cảm ẩm thực tài hoa của dì Sáu nữa chứ.

Những dĩa gỏi vừa được dì Sáu mang từ bên kia đường sang công viên bán cho khách ngồi ăn dưới các gốc cây.

Những dĩa gỏi vừa được dì Sáu mang từ bên kia đường sang công viên bán cho khách ngồi ăn dưới các gốc cây.

Có đứa hồi nhỏ còn là học trò ăn ở đây nè, quen được bồ tại chỗ này luôn. Xong đám cưới đẻ con cũng dắt con quay lại kể dì nghe. Không phải chuyện của mình, mà nghe cũng mừng rớt nước mắt’ – dì khoe.

Kỷ niệm thì chắc dì Sáu không nhớ hết, bởi bán 50 năm, mỗi chuyện mỗi nhớ sao nổi. Chỉ có khách tới ăn thì chắc nhớ hoài nhớ hoài những kỷ niệm bên những gốc cây cùng dĩa gỏi đậm đà thơm cay lẫy lừng. Còn nhớ, tôi hồi đó đi học về kéo nhau về đây ăn gỏi, dù nắng chói hay mưa chiều cũng cùng chạy với mấy đứa bạn sà vô đây, ăn thiệt lẹ cho kịp giờ học phụ đạo. Vậy mà thấm thoát mười mấy năm, giờ đứa đi nước ngoài, đứa thì có gia đình chồng con đùm đề, hiếm khi gặp nhau, mà dì Sáu với cái xe gỏi vẫn ở đây, vượt thời gian mà bán cho những thế hệ người Sài Gòn tiếp theo.

Cái khó khăn mà dí Sáu hay nói tới khi buôn bán là những lần mang sang đường cho khách ngồi ăn. Xe thì đông nên cũng không ít lần gặp va quệt nho nhỏ.

Cái khó khăn mà dí Sáu hay nói tới khi buôn bán là những lần mang sang đường cho khách ngồi ăn. Xe thì đông nên cũng không ít lần gặp va quệt nho nhỏ.

Cái xe gỏi khô bò đen này đã là vị ân nhân cứu cả gia đình ở quê của dì thoát nghèo. Tuy không dư giả giàu có, nhưng thoát nghèo là thứ khiến dì luôn thầm cảm ơn ông trời rồi’.

– Dì có nghĩ là tới lúc mình phải giao lại cái xe này cho con cháu hay ai đó bán, rồi dì lui về nghỉ ngơi an hưởng những năm tháng còn lại không?

– Không con, trời ơi, thấy dì than vậy chứ mà thử nghỉ một ngày là dì buồn chết rồi. Kệ, bán tới đâu hay tới đó, tới đâu tính tới đó, chứ dì không có suy nghĩ bỏ cái xe này đâu.

Dì Sáu chưa có suy nghĩ bỏ nghề cũng phải, dù sao thì cái xe gỏi khô bò đen này đã là vị ân nhân cứu cả gia đình ở quê của dì thoát nghèo. Tuy không dư giả giàu có, nhưng thoát nghèo là thứ khiến dì luôn thầm cảm ơn ông trời rồi.

Thi thoảng về quê, thấy họ hàng con cháu có đứa nào khổ quá, dì cũng rủ lên Sài Gòn bán phụ dì. ‘Nghề này không sang giàu con ơi, nhưng nó cũng đủ làm con cháu mình bớt cực. Phụ dì toàn là người trong nhà không đó, chục người chứ ít ha’.

Những chị em ở đây, đều là bà con dưới quê được dì Sáu rủ lên phụ bán.

Những chị em ở đây, đều là bà con dưới quê được dì Sáu rủ lên phụ bán.

Mà thiệt, cái khu vực dì bán bên này và cả bên công viên đối diện, hơn chục người phụ giúp. Người thì tính tiền, người thì bưng bê, người thì cột bịch nước tương, tương ớt… Người ngoài nhìn vô tưởng nhân viên chứ thật ra con cháu dì dưới quê không à. Bởi, dì mới nói: ‘Nghỉ bán là đói cả nhà đó con, mà nghỉ thì cũng nghỉ một hai ngày thôi, nếu có chuyện gì cần thiết quá. Còn phải bán chứ’.

Không biết dì Sáu sẽ còn bán trong bao lâu, chừng nào truyền nghề cho đệ tử, nhưng xin phép cảm ơn dì vì đã góp phần làm nên một Sài Gòn đặc sắc hơn trong văn hóa ẩm thực, bằng dĩa gỏi đu đủ khô bò hảo hạng thơm ngon.

TheoTrí thức trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: