“Ngợp” với màn đối đầu giữa “Siêu trí tuệ Việt Nam” và dàn khách mời quốc tế


Tập 11 Siêu Trí Tuệ Việt Nam khiến khán giả vỡ òa trong tự hào với những màn tỉ thí xuất thần của đại diện Biệt đội Siêu Trí Tuệ Việt Nam trước đối thủ đẳng cấp thế giới.

Bà ngoại, mẹ từ Bến Tre lên Sài Gòn tiễn Keva Nguyễn (Mỹ Duyên) lên đường sang Mexico thi Miss Global

Lâm Vỹ Dạ tiết lộ từng vác bụng bầu và con nhỏ đi ship hàng kiếm thêm thu nhập

Đặc biệt hơn, khi tập này được công chiếu trên kênh Youtube Vie Channel – HTV2 đã có đến hơn 400.000 lượt khán giả xem cùng lúc, đây là lượt xem cùng lúc kỷ lục trên youtube dành cho một chương trình truyền hình tại Việt Nam, vượt qua con số 322.000 lượt xem cùng lúc của show Người Ấy Là Ai? trước đó.

“Bách khoa sống” Việt Hoàng vụt mất chiến thắng trong tiếc nuối sau loạt nỗ lực bứt phá

Đầy điềm tĩnh và tự tin, Simon Reinhard và Việt Hoàng bước vào lượt thi đấu đầu tiên đầy kịch tính. Dù đứng trước sự bất lợi về ngôn ngữ nhưng chàng sinh viên 19 tuổi lại không có vẻ gì nao núng, vẫn tập trung cao độ để ghi nhớ 50 từ, trong khi ban giám khảo lại tỏ ra rất lo lắng cho cậu khi phải đứng trước một đối thủ năng lực ghi nhớ bậc thầy như Simon. Nói về sự khác biệt của thử thách lần này, Việt Hoàng cho hay:“Sự khác biệt của đề lần này là sử dụng tiếng Anh nên mình không thể sử dụng được hoàn toàn 2 cách ghi nhớ như vòng 1. Bởi vì mình sẽ còn mất một bước dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt và bước đó thì rất mất thời gian. Vì vậy nên mình chỉ sử dụng một cách là liên kết các từ có điểm chung thành 1 câu chuyện”.

Về phần Simon dù có kinh nghiệm thi đấu dày dặn nhưng với thử thách lần này tại Siêu Trí Tuệ Việt Nam, anh cho rằng: “Độ dài của cụm từ làm tăng độ khó của thử thách. Bởi vì việc ghi nhớ cụm 2 từ sẽ dễ dàng hơn cụm 4 và 5 từ. Bạn cần nhiều sự cố gắng hơn và cần nhiều năng lượng hơn để ghi nhớ. Bạn làm được điều đó thì kết quả sẽ tốt”. Kết thúc 5 phút ghi nhớ 50 cụm từ và 3 phút ghi nhớ đường đi của ô chữ, 2 đối thủ đã sẵn sàng bước vào phần điền kết quả của mình.

Sớm biết được khả năng của bản thân, Việt Hoàng đã đề ra chiến lược:“Điểm mạnh của mình là sự tư duy và liên kết dữ kiện, điểm yếu của mình so với đối thủ là ghi nhớ. Vì vậy mình không thể chơi bằng cách cùng ghi nhớ cùng vẽ đường đi rồi cùng giải ô chữ với Simon được”. Trong khi 3 phút là khoảng thời gian đối thủ người Đức dùng để lưu giữ hình ảnh đường đi của ô chữ, thì Việt Hoàng đã tận dụng thời gian này để giải ô chữ trong đầu. Đến phần điền kết quả lên bảng, cả hai đối lập hoàn toàn về mặt chiến lược. Trong khi Simon chọn cách vẽ lại đường đi của ô chữ trước khi giải, thì Việt Hoàng đã bắt tay ngay vào viết lại những gì mà cậu đã giải trong đầu lại lên bảng kết quả. Giữa lúc đối thủ còn đang mắc lại ở một số cụm từ thì Việt Hoàng đã tăng tốc để hoàn thành đáp án và ghi điểm trước sự ngạc nhiên tột độ của Simon. Trái ngược với sự sửng sốt của tuyển thủ người Đức, giám khảo Lại Văn Sâm lại cho rằng: “Tôi không ngạc nhiên, tôi luôn luôn tin tưởng Việt Hoàng. Bởi vì đây là một con người có óc suy luận rất logic và chính xác” .

Giữ vững tinh thần, cả hai bước vào lượt thi đấu thứ hai và bộ đề lần này gây khó cho Việt Hoàng hơn. Nói về chiến lượt lần thứ 2 của mình sau bàn thua đầu tiên, Simon cho biết: “Sau lượt thi đấu đầu tiên, tôi nhận ra cậu ấy không đánh dấu đường đi. Nên tôi nghĩ có thể tôi cũng làm được điều đó. Tôi nhận thấy ghi nhớ ô chữ cũng không quá khó khăn ở lượt thứ hai này…”. Simon đã lập tức đổi chiến thuật không vẽ đường đi của ô chữ mà điền trực tiếp đáp án vào bảng kết quả. Ngược lại với lượt thi đấu đầu tiên, tốc độ giải đề của Việt Hoàng bị trùng xuống. Lý giải cho điều này, cậu cho biết:“Cứ dựa theo hưng phấn ở vòng 1, mình nghĩ rằng là may mắn sẽ đến với mình ở những cụm từ mà mình chọn làm từ khóa ghi nhớ, nhưng mà cuối cùng nó không xuất hiện”. Và nhà vô địch người Đức đã khẳng định chắc nịch đẳng cấp bằng cú lật ngược tình thế san bằng tỉ số. Simon Reinhard không chỉ đưa ra đáp án đúng, anh còn khiến người xem nể phục bởi phong thái thi đấu cùng tính cẩn thận, tỉ mỉ.

Lượt thi đấu thứ 3 sẽ trở thành vòng quyết định thắng thua chung cuộc, áp lực càng đè nặng trên vai Việt Hoàng khi cậu phải hết mình chứng tỏ năng lực bản thân để đáp lại sự tin tưởng từ tấm vé của giám khảo Trần Thành Nam. Nhanh thần tốc, Việt Hoàng tập trung cao độ điền lần lượt các đáp án của mình trong khi Simon vẫn đang thận trọng vẽ lại đường đi của ô chữ. Chàng sinh viên Bách Khoa đã tạo ra cú bứt phá đầy bất ngờ khi chốt đáp án chỉ sau hơn 3 phút. Thế nhưng bất ngờ thay, cậu đã phạm phải một sai lầm đáng tiếc đó là điều chỉnh đáp án sau khi đã bấm chuông và điều đó đã vi phạm luật thi. Ê kíp chương trình cùng ban giám khảo đã cùng bàn luận nghiêm túc về sai lầm vô ý của Việt Hoàng nhằm cùng nhau đưa ra quyết định chính xác và công tâm nhất cho trận đấu.

Giám khảo quốc tế Vương Phong đã nêu ra ý kiến: “Về nguyên tắc, tuyển thủ Việt Nam đã vi phạm luật chơi thì bạn ấy đã thất bại trong lượt thi này. Nhưng về mặt cảm xúc thì cảm thấy hơi đáng tiếc”. Đứng trước tình huống vừa xảy ra, giám khảo Lại Văn Sâm nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng là mình cũng nên học sống, làm việc, chơi cũng theo luật. Đúng luật mà chơi. Tôi đề nghị là cứ theo đúng luật, trận này Việt Hoàng thua mặc dù tôi rất yêu Việt Hoàng”. Nhân vật chính Việt Hoàng cũng có chia sẻ về sai lầm mà mình vừa mắc phải: “Bác Sâm là giám khảo người Việt Nam nhưng không hề có bất kỳ sự ưu ái nào cho các thí sinh đến từ Việt Nam. Khi đối thủ của mình đã chuyên nghiệp, giám khảo của mình đã chuyên nghiệp thì chẳng có lý do gì mình không chuyên nghiệp cả…”

Và điểm số vòng 3 đã được ghi cho tuyển thủ người Đức, điều này đồng nghĩa với việc Simon Reinhard đã giành chiến thắng chung cuộc. Tuy trận đấu đã gây ra nhiều tiếc nuối không chỉ riêng Việt Hoàng mà còn cho tất cả những người yêu mến cậu, nhưng đây cũng chính là bài học kinh nghiệm quý giá dành cho những bạn trẻ khi tham gia tranh tài ở những đấu trường đẳng cấp quốc tế.

Đức Phước: Từ cậu bé liều mình khiêu chiến đến tay đua tốc độ xoay rubik thắng cả đối thủ lừng danh Nhật Bản

Không khí Siêu Trí Tuệ Việt Nam – Tập 11 trở lên nóng hơn bao giờ hết theo những vòng xoay rubik. Trong lượt thi đấu đầu tiên, đứng trước đối thủ “nặng ký” Yu Sajima, cậu bé Đức Phước đã đề ra kế hoạch cho mình:“Lần này chơi thì minh đã chọn chiến thuật chậm mà chắc và cũng không cần vội vàng, vì đây cũng chỉ là một trận giao lưu và mình cũng không nắm chắc khả năng thắng lắm”.

Trước thử thách Rubik thần tốc, tay chơi rubik cừ khôi Yu Sajima đã đưa ra nhận định: “Khối rubik trong thử thách này không phải loại tôi thường chơi nên tôi cảm thấy không quen tay cho lắm”. Bất ngờ ngay trong lượt thi thứ nhất đã có 1 sự cố xảy ra khi Yu Sajima đánh rơi khối rubik do áp lực tâm lý. Nói về nguyên nhân sự cố, Yu Sajima cho biết: “Từ việc cảm nhận âm thanh phía sau tôi nhận ra mình và đối thủ đã có tốc độ ngang nhau. Tôi căng thẳng đến toát mồ hôi và dẫn đến sự cố làm rơi khối skewb”. Đứng trước sự cố bất ngờ này, giám khảo quốc tế Vương Phong đã đưa ra ý kiến: “Bạn ấy lỡ tay làm rơi khối rubik ở đâu thì chúng ta sửa lại khối rubik ngay ở đó và giữ nguyên hiện trạng ban đầu để 2 bạn thi tiếp chứ không bắt đầu lại”. Đồng thời Vương Phong cũng đưa ra 1 lời đề nghị đó là việc làm rơi rubik thuộc về lỗi cá nhân nên sẽ phạt bên phạm lỗi bắt đầu thi lại sau 3 giây.

Tốc độ xoay rubik vô cùng sít sao, Đức Phước tăng tốc đuổi theo đối thủ, nhưng tuyển thủ người Nhật đã kịp thời tạo ra khoảng cách an toàn ngay sau đó. Giữa không khí trận đấu căng thẳng tột độ, Yu Sajima một lần nữa phạm luật tại khối rubik 3×3 One Hand (chơi bằng 1 tay), anh đã vô tình dùng 2 tay để xử lý thay vì dùng 1 tay như luật, và chiến thắng trận đầu tiên đã thuộc về Đức Phước. Đứng trước lần phạm sai lầm này của thí sinh Nhật, Vương Phong cho biết: “Tuyển thủ Nhật quên mất luật thi đấu cũng chỉ vì quá áp lực. Đúng là thành tích càng cao thì áp lực càng lớn”.

Nhanh chóng lấy lại phong độ ở vòng 2, Yu Sajima đã cân bằng tốc độ với Đức Phước. Đứng trước đối thủ gấp đôi tuổi đời, kinh nghiệm thi đấu phong phú, nhưng cậu bé 14 tuổi đã khiến người xem phải nể phục bởi sự bình tĩnh. Kết thúc vòng 2 sau màn rượt đuổi thót tim, số lượng đèn của cả 2 bằng nhau làm nên tỉ số hòa cho lượt thi đấu này.

Áp lực tăng lên bội phần cho cả hai, vì để giành được chiến thắng chung cuộc, Đức Phước phải giữ vững tỉ số hòa ở lượt thi thứ 3 hoặc là phải thắng hoàn toàn, trong khi đối thủ người Nhật thì chỉ có con đường là phải thắng để có cơ hội bước vào hiệp thi phụ. Bằng mọi nỗ lực, Đức Phước một lần nữa tạo ra cú bứt phá bất ngờ khi đuổi kịp đối thủ trong gang tấc giành chiến thắng hoàn toàn thuyết phục. Một lần nữa, chiến thuật thông minh đúng lúc đúng thời điểm của cậu bé 14 tuổi đã mang lại quả ngọt giúp cậu ghi danh thành công vào chiến thắng đầu tiên của Biệt đội Siêu Trí Tuệ Việt Nam tại vòng Giao hữu quốc tế.

Nói về chiến thắng của bản thân Đức Phước khiêm tốn chia sẻ: “Sau khi mình đã bấm được hết đèn đuổi kịp anh Yu thì lúc đó mình cảm thấy rất tự hào và thật sự mình cũng không nghĩ là mình có thể đuổi kịp anh Yu nhanh như vậy”. Về phía Yu Sajima, anh cũng đã có những trải lòng quanh thất bại lần này của mình:“Tôi hơi buồn với kết quả này, nhưng lại có kinh nghiệm khá tốt cho bản thân”.

Ở bất kỳ vòng đấu nào cũng vậy sẽ có người thắng người thua và có những bài học đọng lại. Không chỉ riêng Việt Hoàng, Yu Sajima mà ngay cả người xem cũng đã rút ra được cho riêng mình những bài học sau vòng giao hữu quốc tế ở tập 11 này.


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: