Những người thầy ở Sài Gòn vượt biển dạy học


Để học sinh không phải vào đất liền, các thầy cô trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) hàng ngày vượt biển mang kiến thức đến cho các em.

Thầy giáo ngoại quốc một mình đến Sơn La dạy học, chống chọi bệnh ung thư máu giai đoạn cuối

Thầy giáo Sài Gòn mở tiệm bơm xe miễn phí cho sinh viên

Trời chưa sáng hẳn, nhóm thầy cô trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP HCM) đã có mặt trên chuyến đò đầu tiên từ thị trấn ra đảo Thạnh An. Con đò khá nhỏ, tiếng máy chạy dầu gầm rú phả mùi khét lẹt khiến ai không quen sẽ đau đầu, chóng mặt.

Trong gần một giờ lênh đênh, người xem lại giáo án, người tranh thủ chợp mắt trước khi bắt đầu tiết dạy đầi tiên khi con đò cập bến.

Thầy Ngô Văn Hội trong một tiết học. Ảnh: Hồng Phú.

Thầy Ngô Văn Hội trong một tiết học. Ảnh: Hồng Phú.

Đây là năm thứ hai thầy Ngô Văn Hội (30 tuổi, giáo viên Sinh) và đồng nghiệp vượt biển đến phân hiệu trường THPT Cần Thạnh trên xã đảo, truyền con chữ cho học sinh.

“Những ngày này năm trước khi đến lớp tôi không thể dạy vì bị say sóng, khi về nhà cũng không thể làm gì nổi. Giờ quen rồi, có vượt biển mới hiểu được nỗi khổ của các học sinh tại đây”, anh Hội nở nụ cười tươi.

Ra trường hơn tám năm trước, thầy Hội về trường THPT Cần Thạnh công tác, hiện có con nhỏ gần hai tuổi. Anh dự định học tiếp lên cao học từ lâu, song vì điều kiện phải công tác xa thường xuyên trên đảo nên tạm gác lại.

“Năm ngoái tôi tự nguyện đề xuất trường cho ra đảo dạy, rồi thân quen các em ở đây. Các em chăm chỉ, ngoan ngoãn lắm nên tôi không nỡ bỏ về, xin dạy thêm năm nữa”, thầy Hội nói.

Cô Đào Thị Vị (26 tuổi) cũng được phân công về xã đảo duy nhất của Sài Gòn lần thứ hai, sau hai năm về trường công tác. Cô giáo Giáo dục quốc phòng có dáng người mảnh khảnh kể, có hôm gặp mùa gió chướng đò lắc lư dữ dội, ngồi trong khoang mà nước biển văng ướt hết quần áo. Lênh đênh giữa biển hàng giờ liền trong hoàn cảnh đó nên khi đến được đảo thầy cô mệt lả, không còn sức dạy học trò.

Năm đầu tiên lớp chưa vào nề nếp, khá ồn ào. Đứng trên bục giảng cô rất buồn, tủi thân. Biết cô giận, sau giờ học các nữ sinh dụ đi bắt ốc, bắt cá ngoài biển và tham quan đảo.

“Khi đó tôi mới hiểu về cuộc sống của tụi nhỏ và thương chúng nhiều hơn. Tất cả trở thành niềm vui, trải nghiệm đáng nhớ trong trong những năm đầu đi dạy của tôi. Nhìn tụi nhỏ đen nhẻm vì gió biển, ăn uống thiếu thốn nhưng vẫn cố gắng học ai cũng thương”, cô Vị chia sẻ.

Học sinh trường THPT Cần Thạnh tại phân hiệu ở xã đảo Thạnh An trong năm học mới. Ảnh: Thảo Ly.

Học sinh trường THPT Cần Thạnh tại phân hiệu ở xã đảo Thạnh An trong năm học mới. Ảnh: Thảo Ly.

Phân hiệu trường THPT Cần Thạnh hiện tá túc trong Trường THCS Thạnh An. Dù được trường hỗ trợ nhiều thiết bị và phòng thí nghiệm, song cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn nên việc tiếp thu kiến thức của học sinh cấp ba tại xã đảo khá hạn chế.

Năm nay cô Vị được giao chủ nhiệm lớp 10A7. Cô giáo trẻ hy vọng có nhiều thời gian quan tâm hơn học trò để các em học tập tốt nhất, không thua thiệt với bạn bè ở đất liền.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Diên Tín, chủ nhiệm lớp 10A8 năm học 2016-2017 (nay là 11A7) cho biết, gia đình các học sinh hầu hết thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Trước đây, con em họ chỉ học đến lớp 9, muốn học lên cấp ba phải vượt biển vào đất liền tốn kém. Vì vậy, khi đảo có phân hiệu cấp ba, phụ huynh đều vui sướng, mong muốn lớp học được duy trì.

“Tuy còn nhiều khó khăn nhưng các em rất nỗ lực, học giỏi. Lớp 10 năm ngoái có 12 học sinh khá giỏi, 15 em trung bình và chỉ một em lưu ban. Hiểu được hoàn cảnh từng học sinh, tôi và các giáo viên luôn thông cảm, tạo môi trường học tập vui vẻ, thoải mái để các em không áp lực”, thầy Tín nói và khẳng định “khi nào xã đảo còn học sinh thì chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình vượt biển mang con chữ đến cho các em”.

Đò là phương tiện đi lại giữa xã đảo Thạnh An và đất liền. Ảnh: Thảo Ly

Đò là phương tiện đi lại giữa xã đảo Thạnh An và đất liền. Ảnh: Thảo Ly

Theo bà Võ Thị Diễm Phượng, hiệu phó trường THPT Cần Thạnh, phân hiệu của trường tại xã đảo Thạnh An tiếp tục hoạt động với hai lớp 10 (37 học sinh) và 11 (27 học sinh).  Do học sinh đông hơn nên giáo viên được phân công ra xã đảo tăng gấp đôi so với năm trước, dự kiến là 14 người.

Trước đó, một số phụ huynh đề xuất cho con em ra cơ sở chính của trường tại thị trấn Cần Thạnh để được hưởng cơ sở vật chất, điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, phần lớn đều mong muốn Sở Giáo dục và trường duy trì phân hiệu trên đảo để thuận tiện cho các em.

Được tiếp tục học cấp ba ở đảo, Huỳnh Thị Tuyết Ngân (học sinh 11) không giấu được niềm vui. Nữ sinh kể, ngoài việc học, mỗi sáng em đều tranh thủ phụ mẹ dọn hàng bán thức ăn rồi mới chạy đến trường. Chiều về Ngân làm cá, phơi khô khi ba đi biển kéo lưới, rồi giúp bà đổ những tấm đan để nuôi hàu.

“Cả nhà em ai cũng phải làm việc nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Được tiếp tục học tại đảo em sẽ có nhiều thời gian để đỡ đần cho ba mẹ hơn”, Ngân nói bằng giọng hồ hởi.

TheoVnExpress


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: