‘Tiếp sức’ cho sinh viên ở các khu phong tỏa quanh làng đại học


Dù còn khó khăn vì bị kẹt lại thành phố nhưng nhiều sinh viên vẫn tham gia tình nguyện, ngày ngày vận chuyển nhu yếu phẩm đến những sinh viên khó khăn khác ở khu phong tỏa, cách ly.


Các sinh viên tình nguyện chuẩn bị mang quà đến tận nơi cho sinh viên khó khăn
ẢNH: P.H

7 giờ sáng mỗi ngày, nhóm 6 sinh viên tình nguyện thường trực có mặt tại điểm tập kết khu nhà khách ĐH Quốc gia. Đây là điểm tập kết hàng hóa hỗ trợ SV trong thời điểm giãn cách.

Chỉ trong một buổi sáng, khi xe tải chở hàng hóa vừa cập vào các sinh viên (SV) tình nguyện nhanh chóng vào việc. Mỗi người đảm nhiệm một công việc như: phân loại rau, củ, trái cây. Sau đó, từng bọc thức ăn được chất lên các xe máy, mỗi SV tình nguyện tự chạy xe máy rong ruổi đến các điểm phong tỏa quanh làng ĐH rồi phân phát cho SV.

Nguyễn Thị Ngọc Duyên, SV Trường ĐH Nông Lâm, thành viên nhóm thiện nguyện, cho biết cô vừa đảm nhận vai trò kết nối, ghi chép thông tin vừa đi phát quà cho các SV khó khăn. Mỗi ngày cô xử lý hàng trăm tin nhắn mong nhận được nhu yếu phẩm từ các SV ở khu phong tỏa.

“Thậm chí có ngày tôi gọi gần 200 cuộc gọi. Cứ đến nơi là gọi, gọi suốt cho các bạn. Giống như mình đang làm shipper vậy đó”, Duyên hài hước kể.

Hầu hết các SV đều khó khăn, tự nguyện tham gia, không nề hà bất cứ thứ gì. “Tụi em tự đổ xăng xe, tự bỏ tiền điện thoại để gọi. Thi thoảng cũng hết tiền điện thoại tụi em phải đăng ký mạng, hay chạy tìm nguồn wifi rồi gọi bằng Zalo để đỡ tốn tiền. Làm bằng cách gì cũng được miễn sao mang đồ đến cho các SV khác trong khu phong tỏa, cách ly là vui rồi”, Dương Thanh Thảo, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, nói.

Còn Nguyễn Quốc Bảo, SV Trường ĐH Nông Lâm, cho rằng: “Làm việc này không khó khăn lắm. Tôi cảm thấy mình làm được việc có ích. Ai có xe máy hoặc không có vẫn cứ tham gia, không suy nghĩ thiệt hơn gì. Tôi sống ở làng ĐH lâu năm cũng khá rành đường nên đảm nhận việc chạy xe phân phát. Có khi giữa trưa nắng tôi chạy đến tận nơi, gặp từng người cụ thể mong được trao tận tay cho các bạn”.

“Mùa này SV ai cũng như ai. Tôi cũng hơi khó khăn với tiền trọ hằng tháng. Gia đình gửi tiền ăn nhưng tôi lấy đó đóng tiền trọ. Có khi chỉ ăn rau củ, mì gói mà không có thịt. Ban đầu sợ dịch không dám đi nhưng vì thích làm tình nguyện tôi vẫn đi. Vì cùng là SV nên chúng tôi hiểu hoàn cảnh của nhau và muốn giúp các bạn khác cũng khó khăn giống mình nữa”, Duyên nói khi giấu gia đình tham gia tình nguyện.

Nguyễn Quốc Bảo chỉ mong rằng việc giúp các SV khác trong lúc khó khăn sẽ lan tỏa điều tốt đến với mọi người. Bảo hy vọng sau này những SV được mình giúp đỡ đó sẽ giúp lại những SV khó khăn hơn. Cũng theo Thanh Thảo, việc SV giúp nhau trong lúc dịch bệnh không là tình cảm của SV với nhau mà còn là trách nhiệm bản thân với cộng đồng. Mặt khác khi mỗi người cùng góp chút sức lại sẽ tạo nên điều lớn lao.

Nguyễn Ngọc Huân, Trưởng nhóm SV tình nguyện, cho biết tiêu chí của nhóm là giúp đỡ những SV khó khăn. Khi kêu gọi tình nguyện hầu hết SV đều hưởng ứng nhiệt tình, không câu nệ. SV giúp SV trong dịch diễn ra dễ dàng bởi các bạn có sự thấu hiểu nhau, nhờ đó mà nhiều SV đã nhận được hỗ trợ.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: