Vì sao người trẻ chuộng sống Sài Gòn? Sài Gòn dễ sống?


Khi tìm một nơi để học tập, sinh sống, lập nghiệp, Sài Gòn luôn là một trong những gợi ý đầu tiên hiện lên, cũng như được nhiều người trẻ quyết định lựa chọn. Vì sao như thế? Mỗi quyết định đều có lý do riêng của nó, nhưng trên tất cả, với người trẻ thì Sài Gòn là nơi dễ sống, dễ kiếm kế sinh nhai…

Những âm thanh của cuộc sống Sài Gòn

Viết về cuộc sống ở Sài Gòn

Sài Gòn là miền đất hứa với nhiều người trẻ? ẢNH: TẤN HIỆP

Sài Gòn là miền đất hứa với nhiều người trẻ?
ẢNH: TẤN HIỆP

“Đi đâu rồi cũng cập bến… Sài Gòn”

Tốt nghiệp chuyên ngành môi trường (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) đã được 7 năm, Đặng Công (quê ở Đắk Lắk) đã thay đổi khá nhiều công ty làm việc. Chàng trai này từng làm ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, quê nhà Đắk Lắk… nhưng cách đây không lâu, Công quyết định vô Sài Gòn để kiếm việc làm, lập nghiệp ở thành phố phồn hoa này. Công bảo rằng đã thử sức ở nhiều nơi, trải nghiệm ở nhiều tỉnh, thành. Rốt cuộc thì “đi đâu loanh quanh rồi cũng quay lại Sài Gòn”.

Những câu chuyện như Công rất nhiều. Những người trẻ, họ từng trải qua thời gian sinh viên ở Sài Gòn, để rồi khi ra trường, đứng trước những ngả rẽ: về quê, tìm đến nơi phù hợp với ngành nghề, ở lại Sài Gòn… thì sau vài năm, Sài Gòn vẫn là nơi họ quyết định dừng chân, cập bến.

Không ít người từng có cuộc sống ổn định ở Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Thuận…, thế nhưng “vì Sài Gòn”, họ quyết định rời bỏ những miền đất ấy. Rời bỏ cuộc sống mà nhiều người mơ ước, để vào Sài Gòn sống, lập nghiệp, tự tạo cho mình một cuộc sống mới, với hy vọng tốt đẹp hơn.

Chúng tôi từng hỏi hàng chục học sinh THPT ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đa số họ đều lựa chọn sẽ học một trường trong Sài Gòn. “Dù gần nhà có trường đào tạo chuyên ngành yêu thích, sống gần nhà có điều kiện thoải mái hơn, có mức sống dễ chịu hơn… nhưng em vẫn sẽ vô Sài Gòn học tập”, Nguyễn Lan Anh, học sinh Trường THPT Phan Thành Tài (Đà Nẵng), cho biết.

Nhiều sinh viên năm 3, 4 đang học ở Sài Gòn cũng chia sẻ rằng: “Ra trường sẽ ở lại Sài Gòn kiếm việc”, hay “Không đâu bằng Sài Gòn, nên em sẽ sống và lập nghiệp ở Sài Gòn chứ chẳng về quê đâu”…

“Sài Gòn tiến”

Không chỉ là dân trí thức, những lao động phổ thông cũng lựa chọn Sài Gòn là nơi để mưu sinh. Với ước mơ để “cuộc đời sang trang”, Trần Thành Hải (35 tuổi, quê ở Bình Định) cùng vợ con khăn gói vào Sài Gòn để lập nghiệp. Dù rằng ở quê, Hải cũng có nhà cửa đề huề, ăn nên làm ra. “Sài Gòn có cái gì đó lạ lắm, thôi thúc những thanh niên ở quê như tôi “vào cho bằng được””, Hải nói rồi cho biết thêm: “Ở quê tôi, phần lớn thanh niên đều vô Sài Gòn kiếm kế sinh nhai cả. Rất ít người bám trụ quê với con gà, con vịt, việc đồng áng…”.

Có lẽ vì thế mà nếu như trước đây, mọi người hay truyền tai nhau câu nói “Nam tiến” để nói về việc vào Nam lập nghiệp, mưu sinh, thì giờ đây, “Nam tiến” dường như đã được thay đổi thành “Sài Gòn tiến”.

Nhiều người trẻ đã chọn Sài Gòn để mưu sinh. Trong ảnh, nhóm thanh niên đu dây lau kính các tòa nhà cao tầng ẢNH: XUÂN PHƯƠNG

Nhiều người trẻ đã chọn Sài Gòn để mưu sinh. Trong ảnh, nhóm thanh niên đu dây lau kính các tòa nhà cao tầng
ẢNH: XUÂN PHƯƠNG

Từng làm công nhân ở Khu công nghiệp Việt Hương 2 (Bình Dương) suốt 4 năm. Thế nhưng cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Hoa (32 tuổi, quê ở Quảng Trị) quyết định lên Sài Gòn để tìm kiếm công việc mới. Hay anh Lê Hữu Chức (36 tuổi, quê ở Thanh Hóa), cũng chia tay đồng nghiệp đã gắn bó suốt 6 năm trời khi cùng làm chung ở Khu công nghiệp Sonadezi (Đồng Nai), để lên Sài Gòn, làm việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam.

Nói về quyết định này, anh Chức bảo: “Trước đây có thời gian 2 năm làm việc ở khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương). Sau đó thì qua Đồng Nai làm. Nhưng giờ sau nhiều năm trời, tôi vẫn nuôi ý định phải làm việc Sài Gòn. Cuộc sống ở một nơi mới, công việc mới không hề dễ dàng, thế nhưng tôi vẫn muốn”.

Chức cũng kể rằng có nhiều bạn bè dù đang ổn định với công việc, với cuộc sống thân quen 5, 7 năm, nhưng cũng muốn tìm kiếm những cơ hội mới, xem Sài Gòn là “miền đất hứa” nên cũng quyết định nghỉ việc, “vào Sài Gòn”, “đến Sài Gòn”, “Sài Gòn tiến” để làm những công việc khác.

Giờ đây, sau khi tan ca làm lúc 18 giờ, Chức lại mở điện thoại vào ứng dụng xe ôm thông minh để tiếp tục kiếm thêm. “Lương lúc trước 7 triệu đồng/tháng. Sau giờ làm là về nhà với vợ con. Còn giờ lương chỉ 6 triệu đồng, phải chạy xe kiếm thêm, nhưng lại thích. Tôi và vợ hài lòng với quyết định ‘Sài Gòn tiến’ của mình”, Chức kể.

Vì sao lại có những quyết định lạ lùng như thế? Vì sao Sài Gòn lại có sức hút kỳ lạ đến vậy? Phải chăng Sài Gòn có chất chứa những điều gì đó thật đặc biệt nên mới khiến nhiều người quyết định chọn miền đất này để sinh sống, làm việc? Có lẽ là có!…

Sài Gòn cứ tất bật X.P

Sài Gòn cứ tất bật
X.P

Ở Sài Gòn, nhiều cơ hội

Sở dĩ Lê Hữu Chức (36 tuổi, quê ở Thanh Hóa), đang làm việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, quyết định rời bỏ công ty cũ ở những tỉnh khác để “Sài Gòn tiến” lập nghiệp, hay Nguyễn Thị Hoa (32 tuổi, quê ở Quảng Trị) quyết định lên Sài Gòn để tìm kiếm công việc mới, vì họ cho rằng: “Ở Sài Gòn có nhiều cơ hội, dễ mưu sinh, kiếm tiền”.

Chức bảo rằng ở Sài Gòn, hình như cơ hội có “đồng ra đồng vô” hiện diện khắp mọi nơi. Mà nếu như có sự cố gắng, chịu khó, thì có thể kiếm tiền. Như Chức, ngoài giờ làm ở công ty, Chức chạy xe ôm để có thêm vài chục, trăm ngàn đồng phụ vợ tiền chợ. Vợ Chức, chị Đào Thị Thủy (31 tuổi), cũng lo được tiền phòng trọ với “quán” cà phê tạm bợ bán buổi sáng và hàng rau bán buổi chiều dành cho công nhân.

“Nói có thể là quá lời, nhưng ở Sài Gòn dễ kiếm tiền. Cứ chăm chỉ, cố gắng thì sẽ có kế sinh nhai. Như thanh niên chẳng hạn, có thể ở quê hay ở những nơi khác không có công việc làm. Nhưng ở Sài Gòn, “công việc có mà đầy”, Thủy nói.

Nguyễn Quốc Phục (32 tuổi, quê ở Quảng Nam), đã sống và làm việc ở Sài Gòn được hơn 8 năm, cho biết đã từng đi làm ở nhiều nơi, nhưng rồi cũng “trôi” vô Sài Gòn vì thành phố này có nhiều sự lựa chọn trong công việc. “Sài Gòn có vô số nghề phù hợp với đa dạng đối tượng cần việc, từ trẻ em, người lớn, thanh niên, phụ nữ… Làm công nhân, chạy xe ôm, bán hủ tiếu, bán cháo lòng, mở sạp cà phê…, có hàng triệu nghề để làm kiếm tiền. Mà những nghề ấy không có hoặc có rất ít ở quê hay những nơi khác”, Phục chia sẻ. Tính đến nay, Phục đã trải qua nhiều nghề: thợ sơn nước, thợ xây, chạy xe ôm…, và theo Phục, thì “nghề nào cũng sống tốt”.

Vẫn "sống tốt" ở Sài Gòn dù chỉ mưu sinh với xe bán cháo lòng...

Vẫn “sống tốt” ở Sài Gòn dù chỉ mưu sinh với xe bán cháo lòng…

... hay hành nghề đánh giày ẢNH: X.P

… hay hành nghề đánh giày
ẢNH: X.P

Động lực để cố gắng

Một trong những lý do để người trẻ chọn sống ở Sài Gòn, là vì thành phố này có nhịp sống năng động. “Cuộc sống Sài Gòn cứ thoăn thoắt trôi đi khiến mọi người phải cuốn vào. Nếu lơ đễnh, nếu nhởn nhơ, không làm, không chịu khó hay cố gắng thì sẽ bị bỏ lại phía sau, đối diện với tình cảnh thiếu thốn. Thế nên nếu như ở những nơi khác, có thể khiến bản thân ì ạch, ỷ lại. Nhưng với Sài Gòn, phải sống bằng sự nỗ lực tối đa, phải luôn cầu tiến, nhờ vậy bản thân mỗi người sẽ phát triển hơn, năng động hơn”, Lê Vũ Thu Nhi, nhân viên Công ty du lịch My Tour, trò chuyện.

Với Trương Hoàng Khoa, đang làm việc ở tòa nhà Etown Tower (Q.Tân Bình, TP.HCM), thì mỗi sáng thức dậy đi làm, nhìn đường phố đông đúc, xô bồ, tự khiến bản thân hiểu rằng không được dừng lại. Thấy người khác trong guồng quay công việc và coi đó là động lực để cố gắng.

Nhịp sống Sài Gòn luôn tất bật, đôi khi nhiều người phải giải quyết công việc khi đang cà phê ẢNH: X.P

Nhịp sống Sài Gòn luôn tất bật, đôi khi nhiều người phải giải quyết công việc khi đang cà phê
ẢNH: X.P

“Nhưng mức sống ở Sài Gòn khá cao, chi phí khá đắt đỏ, liệu đó có phải là trở ngại khi sống ở Sài Gòn?”, người viết thắc mắc. Nguyễn Châu Thanh (làm việc tại Công ty TNHH Nguyễn Trường Nguyễn, TP.HCM) cho rằng điều đó không phải là trở ngại mà là cơ hội để mọi người đã, đang và sẽ sống, làm việc ở Sài Gòn cố gắng không ngừng nghỉ.

“Đừng vội cho rằng mức sống ở Sài Gòn cao và những người thu nhập thấp, hay lương công nhân, người làm thuê, không có công việc ổn định khó sống ở Sài Gòn. Bởi lẽ mọi người có thể chọn cách sinh hoạt theo giá trị mà họ kiếm được. Chẳng ai ép người công nhân phải mua nhà chung cư, thay vào đó có thể chọn một căn phòng phù hợp túi tiền. Đâu cần phải ăn những món thật ngon ở những nơi sang trọng, vẫn có thể qua bữa bằng những bữa cơm bình dân…”, Thanh nói.

Thanh tâm sự thêm: “Có không ít bạn bè ở quê lần đầu vô Sài Gòn để kiếm kế sinh nhai, nghe mọi người kháo nhau ‘Sài Gòn đắt đỏ’, ‘Sài Gòn có mức sống cao lắm, làm bao nhiêu cũng không đủ chứ huống hồ gì dư giả…’ nên lo sợ. Nhưng thực tế, có người lương mỗi tháng chỉ 7 – 8 triệu đồng nhưng vẫn có thể dư 3 – 4 triệu mỗi tháng để tiết kiệm, gởi tiền về quê. Cứ sống ở Sài Gòn rồi sẽ thấy quen và nhận ra không khó để thích nghi ở thành phố phồn hoa này”.

Không ít bạn trẻ như Thanh, cũng tự tin rằng “Sài Gòn dễ sống”, dù với chiếc xe cà tàng, với gánh hàng rong, với xe đẩy bán trái cây… thì vẫn có thể “sống tốt ở Sài Gòn”. Bởi đơn giản chỉ vì một lẽ: Sài Gòn dễ sống! (còn tiếp)

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: