Bảng thành tích siêu khủng của 9x nhận học bổng từ cả Oxford và Harvard


Năm 2016, Khanh đã xuất sắc giành được suất học bổng toàn phần của Đại học Oxford năm học 2016/2017. Bên cạnh đó còn là 2 suất học bổng tới từ Harvard và Graduate Institute Geneva. Chưa hết, Khanh còn là SV Việt Nam đầu tiên được nhận vào Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik – một trong những trường có đầu vào cao nhất ĐH Oxford.

Top 20 trường đại học có học phí thấp nhất TP. HCM

Cái thuở “Ngày đầu tiên đi học…”, sao thấy mình nhỏ bé, bẽn lẽn và ngây ngô đến vậy!

Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý từ khi đọc profile của Vũ Khanh rồi mới ấn enter để bắt đầu thao tác kết nối đầu tiên với cậu bạn đang ở cách mình nửa vòng trái đất. Thú thực là, tôi có một chút “rén” khi biết sẽ làm việc với những người giỏi. Thiếu tự tin trước họ thì chắc chắn rồi, nhưng bên cạnh đó là một cảm giác khó giải thích lắm. Kiểu như là tôi rất dễ bị nguồn cảm hứng từ những người thông minh, học nhiều, đi nhiều làm cho hấp dẫn, nên những câu chuyện giữa chúng tôi thường sẽ đi xa hơn nguyên liệu cho bài phỏng vấn đôi chút – và tôi cứ bị cuốn vào đấy phải mất tới mấy ngày sau mới trở lại trạng thái bình thường.

VŨ ĐỖ KHANH

23/10/1992

Hiện đang là sinh viên Thạc sĩ Chính sách Công (Master of Public Policy) tại Đại học Oxford

  1. Thành tích nổi bật tại Oxford:

Học bổng Toàn phần của Đại học Oxford năm học 2016/2017 (2016)

Sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận vào Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik (Blavatnik School of Government, University of Oxford), một trong những trường có đầu vào cao nhất tại ĐH Oxford.

Chủ tọa điều phối thảo luận trong “Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc” tại ĐH Oxford (Oxford International Model United Nations) (2016)

Giám khảo cuộc thi “Tranh luận Liên trường Đại học” tại ĐH Oxford (Oxford Inter-Varsity Debating Competition) (2016)

Thành viên đội Debate (tranh luận) ĐH Oxford (2016)

  1. Tại Việt Nam:

Giải nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương Quốc Anh do Đại sứ Quán Anh tổ chức (2013)

Thành viên sáng lập và Phó Chủ nhiệm CLB Giao lưu Quốc tế IEC, ĐH KHXH&NV TP.HCM (2012 – 2014)

Thành viên sáng lập và Phó Ban Tổ chức Chương trình Giao lưu Thanh niên Việt Nam – Nhật Bản (Vietnam – Japan Youth Exchange) (2013 và 2014)

Thành viên Ban tổ chức Hội thảo về Sử dụng Bền vững nguồn nước Sông Mê Kông (2016)

Thành viên Ban Biên soạn sách Guidebook “Các tổ chức Hoạt động trong lĩnh vực Biến đổi Khí hậu và Phát triển bền vững tại Việt Nam”, do Quỹ Hoà bình và Phát triển TP.HCM xuất bản (2016)

Thành viên Ban tổ chức cuộc thi Hùng biện tiếng Anh về văn hoá Việt Nam “Fly my Vietnam” (2010 và 2011)

Một số chương trình giao lưu quốc tế:

Trưởng nhóm Dự án Giáo dục Văn hóa và Nghệ thuật (Project Footprints) tại Chennai, Ấn Độ (2013)

Đại biểu Diễn đàn Môi trường dành cho Sinh viên Châu Á tại Nhật Bản (2012)

Đại biểu Hội nghị Thanh niên Đông Nam Á tại Indonesia (2011)

Kinh nghiệm làm việc:

Trợ lý Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển TP.HCM

Quản lý Dự án, Hiệp hội Giáo dục và Giao lưu Châu Á (Asia Association of Education & Exchange)

Thực tập sinh tại KPMG Việt Nam

69

Trước hết, hãy để tôi tóm tắt về nhân vật ngày hôm nay. Cậu bạn này có tên đầy đủ là Vũ Đỗ Khanh, sinh năm 1992 và hiện đang là sinh viên Thạc sĩ Chính sách Công (Master of Public Policy) tại Đại học Oxford. Lúc còn ở Việt Nam, Khanh là sinh viên của khoa Đông Phương Học – ĐH Khoa học và Xã hội nhân văn TP. HCM.

Năm 2016, Khanh đã xuất sắc giành được suất học bổng toàn phần của Đại học Oxford năm học 2016/2017. Bên cạnh đó còn là 2 suất học bổng tới từ Harvard và Graduate Institute Geneva. Chưa hết, Khanh còn là sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận vào Trường Quản lý

Nhà nước Blavatnik (Blavatnik School of Government, University of Oxford) – một trong những trường có đầu vào cao nhất tại ĐH Oxford. Đó chỉ là 2 trong số những thành tích rất ấn tượng của cậu bạn sinh năm 1992 này thôi.

70

Cảm giác khi nhận được học bổng toàn phần của Oxford: Tuyệt vời và… buồn ngủ!

“Vì hôm đó mình thức đến 2 giờ sáng để đợi mail của Oxford” – cậu bạn chú thích thêm. Ngoài Oxford, Khanh còn nhận được học bổng từ Harvard và một suất học bổng toàn phần nữa từ Graduate Institute Geneva, nhưng Oxford là nơi offer đầu tiên nên Khanh đã nhận luôn. “Mình không tiếc lắm, vì dù sao Oxford cũng là ưu tiên hàng đầu của mình”.

Hướng nghiên cứu tập trung trong ngành học của Khanh tại ĐH Oxford là Chính sách Đối Ngoại (Foreign Policies) và Chính phủ Điện tử (E – Government). Có đến 3 lý do khiến Khanh chọn đi theo ngành này, và có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe tới lý do thứ 3, như tôi đã từng đấy:

“À, đầu tiên đây là ngành có brand name rất tốt nhưng còn rất mới ở Việt Nam, trước tới nay thì Public Policy nếu muốn học ở Việt Nam thì chỉ có thể học ở Chương trình Fulbright (bây giờ là ĐH Fulbright). Thứ hai là ngành này cung cấp cho mình một cái nhìn toàn diện về Hệ thống chính trị quốc tế và phương pháp quản lý nhà nước. Vì mọi mặt trong xã hội đều được quản lý bởi các chính sách, nếu chính sách sai lầm thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tại hại.

 

Cuối cùng là vì đây là một trong những ngành khó vào nhất ở Oxford (Medical, Law, Public Policy). Với Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik (Blavatnik School of Government) của mình cũng là trường được nhận nhiều tài trợ trong hệ thống ĐH Oxford (nhiều hơn cả Trường Kinh doanh và Khoa Luật) nên dễ xin học bổng”.

71

Khanh trong một buổi làm bài tập nhóm với các bạn.

Đây là hình trong lớp học.

Đây là hình trong lớp học.

Theo như hình dung và cảm nhận thông thường của mọi người thì Hành chính rất hiếm khi được xem là một ngành hấp dẫn và dễ theo. Nhưng với người lấy nó là đam mê và gắn nó với rất nhiều dự định trên chặng đường dài của mình từ nay về sau thì lại khác. Tôi đã đọc thấy rất nhiều hứng thú và quyết tâm của Khanh khi nói về lĩnh vực mình đang theo đuổi, đến nỗi mà dù chưa từng gặp nhau nhưng tôi vẫn mường tượng ra dáng vẻ đầy hồ hởi của cậu bạn này lúc gõ bàn phím trả lời cho tôi.

“Mình lại nghĩ nó rất thú vị, nếu không muốn nói là chính tính biến động và khó nắm bắt của Chính trị mới là điều làm cho mình muốn nghiên cứu. Bởi nó khó nên mình mới phải học.

Ngay cả những Chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách dù lâu năm vẫn phải chấp nhận phần trăm sai số trong mọi dự đoán.

Vả lại chính trị không hẳn chỉ là ngồi bàn giấy đưa ra quyết định. Mà nó là cuộc chơi gồm nhiều nhân tố, từ đàm phán tới ký kết, từ những kế hoạch dự trù tới vận động hành lang để luật được thông qua. Càng học thì mình càng hiểu được nhiều vấn đề và biết cách giải quyết chung cho các vấn đề đó”.

Khanh là một trong 7 thành viên Ban Chủ tịch Hội sinh viên của trường Quản lý Nhà nước.

Khanh là một trong 7 thành viên Ban Chủ tịch Hội sinh viên của trường Quản lý Nhà nước.

Tiệc trà với Hiệu trưởng ĐH Oxford - GS. Louise Richardson.

Tiệc trà với Hiệu trưởng ĐH Oxford – GS. Louise Richardson.

Nếu ngày đó không vào được Oxford, chắc mình sẽ học… Harvard

Một câu trả lời… nhẹ tênh. Trước khi vào Oxfoxd, Khanh tự nhận mình là cậu học sinh khá là cá biệt, cũng vì tính cách cầu toàn và hơi chảnh như nhiều người nhận xét. “Nhưng nhờ vậy nên đối tượng bạn của em không quá rộng rãi mà chỉ gói gọn trong những đứa thật sự thân”. Khanh kể, hồi còn ở Việt Nam, các môn học cậu giỏi nhất là về Quan hệ Quốc tế ở Châu Á – TBD với Kinh tế Châu Á. Năm 2013, Khanh được giải sinh viên tiêu biểu của khoa trong “Học tập, Nghiên cứu Khoa học và Giao lưu Quốc tế”, nhưng mà… “đó là vì mình giao lưu quốc tế nhiều vượt trội chứ mình cúp học hơi nhiều, may mà điểm lúc nào cũng cao nên thầy cô ít ý kiến”.

Vốn có dự định apply vào Oxford và Harvard từ rất lâu, nên thời gian đại học Khanh đã bỏ ra rất nhiều công sức để xây dựng một profile đẹp. Vì tìm hiểu rất kỹ và biết ban tuyển sinh của các trường muốn nhìn thấy điều gì ở ứng viên nên cậu bạn đã dành không ít thời gian xây dựng các chương trình giao lưu quốc tế, tham gia các hội thảo và cuộc thi học thuật…

Nghe cứ như đùa, nhưng theo như chia sẻ thì việc cố gắng hết sức vì mục tiêu mang lại cho Khanh “cảm giác… đã làm được, bởi mỗi mục tiêu bây giờ đều là từng bước nhỏ để tiến lên cái cao hơn. Tất nhiên vào Oxford mình rất vui vì đã đạt được mục tiêu ngắn hạn 4 năm, nhưng nhìn tiếp chặng đường phải đi thì còn rất dài nên lại cắm mặt vào cố gắng tiếp. Mình không cho bản thân được phép ngủ quên trên chiến thắng”.

Đối thoại với Nguyên Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ - Michael Chertof

Đối thoại với Nguyên Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ – Michael Chertof

Một trong những may mắn của Khanh có lẽ là việc nhận ra đam mê của mình từ rất sớm. Nhờ vậy mà ngay từ đầu, cậu bạn đã có nhiều thời gian hơn để tập trung vào việc đạt được mục tiêu. Trong năm nhất đại học ở Việt Nam, Khanh đã tham gia nhiều chương trình tình nguyện và các dự án cho thanh niên. Qua sự trải nghiệm “thử” ở nhiều lĩnh vực, cậu nhận ra khả năng xử lý tình huống và cách tư duy của mình phù hợp nhất với môi trường mang tính ngoại giao và quốc tế. Chính vì vậy khi lên năm 2, Khanh đã không ngần ngại tham gia vào ban sáng lập CLB Giao lưu Quốc tế, thuộc ĐH KHXH&NV TP.HCM. Nhờ xuất phát điểm này mà Khanh đã có kinh nghiệm để tổ chức nhiều chương trình giao lưu quốc tế ở quy mô lớn hơn, từ đó xây dựng được một bộ profile cá nhân đủ mạnh để vào được Oxford và Harvard.

Dự định của Khanh là sẽ trở về nước để làm việc sau quá trình tu nghiệp ở Anh. Thực ra là, Khanh không đồng ý cho tôi tiết lộ về mục tiêu cụ thể của cậu sau khi trở về Việt Nam, mà chỉ khiêm tốn gợi ý rằng “có thể viết mình muốn quay lại làm việc cho một cơ quan nhà nước không?. Nghe… quá tham vọng vào thời điểm này. Tất nhiên là mình rất tham vọng, nhưng một cách khôn ngoan thì mình nghĩ có những mục tiêu không nên nói quá sớm. Thực sự đó là một kế hoạch khá dài hạn, trước hết mình sẽ tập trung học xong Oxford và hợp đồng làm việc tại Word Bank trong 2 năm bắt đầu từ năm sau”.

Chụp cùng Chủ toạ các nhóm thảo luận khác trong "Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc" tại ĐH Oxford (Oxford International Model United Nations)

Chụp cùng Chủ toạ các nhóm thảo luận khác trong “Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc” tại ĐH Oxford (Oxford International Model United Nations)

Tham dự Toạ đàm về Vấn đề Bắc Triều Tiên tại Quốc Hội Anh

Tham dự Toạ đàm về Vấn đề Bắc Triều Tiên tại Quốc Hội Anh

Cuộc sống du học ở Oxford: Rất sang chảnh và vô cùng cạnh tranh

Khanh thừa nhận bản thân bị choáng ngợp bởi độ sang chảnh ở Oxford. “Còn lại thì vô cùng cạnh tranh, chủ nghĩa cá nhân cực lớn, và cơ hội rất nhiều”. “Nghĩa là du học không trong mơ như mọi người tưởng tượng?” – tôi hỏi. “Uhm. Tùy vào sự tưởng tượng. Oxford thì đúng như mọi mong đợi của mình, nói chung mình không có gì phàn nàn cả. Kể cả quá trình “sốc văn hoá” mình không bị, chắc có lẽ vì mình làm quen với văn hóa phương Tây từ lâu rồi”.

Mỗi ngày ở Oxford của Khanh thường diễn ra như sau:

“Buổi sáng đi học từ 9h đến 13h. Buổi chiều tham gia thảo luận nhóm và giải các case study (về chính sách kinh tế, quản lý nhà nước, chính trị, ngoại giao…). Tới 17h học xong thì tranh thủ chạy nhanh về nhà thay đồ ăn diện để tối đi dự các sự kiện (Một tuần ở Oxford sẽ có cả trăm sự kiện diễn ra vì có tới 400 CLB sinh viên và cả trăm ngành học. Thường mỗi đơn vị sẽ có 1 sự kiện/tuần (riêng Oxford Union còn có 2-3 sự kiện/ngày là chuyện thường) hoặc đi luyện tập debate. Tối 21h thì đi chơi với đám bạn hoặc lên thư viện làm bài.

Một điều mình cực thích ở Oxford là vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng đều có hàng chục sự kiện diễn ra cùng lúc. Các sự kiện buổi tối thì thường thu hút nhiều sinh viên hơn, nhưng sự kiện trong ngày thì lúc nào cũng có. Vì thế nên mình cảm thấy rất lãng phí nếu không tận dụng môi trường tuyệt vời này để rèn luyện các kỹ năng của bản thân. Mình thường chỉ về nhà mỗi lúc cần tắm và ngủ”.

Nhóm bạn thân tại Oxford của Khanh. Hình ảnh được chụp trong phòng Divinity nơi quay cảnh lớp học trong phim Harry Potter

Nhóm bạn thân tại Oxford của Khanh. Hình ảnh được chụp trong phòng Divinity nơi quay cảnh lớp học trong phim Harry Potter

Khi còn trẻ thì, hãy luôn cố gắng và đam mê

Khanh mô tả mình là một người có khả năng linh hoạt xử lý mọi tình huống, với phương châm sống cũng chính là câu nói nổi tiếng của thuyền trưởng Nemo trong tác phẩm Hai vạn dặm dưới đáy biển: “Mobilis in Mobili” (tạm dịch: Linh hoạt trong môi trường linh hoạt). Nhưng điểm yếu lại là dễ lo lắng, vì rất sợ thất bại nên thường nghĩ trong đầu đủ loại kịch bản xấu có thể xảy ra, mỗi khi mình đang chờ kết quả của một việc gì đó quan trọng thì sẽ không tập trung làm việc gì khác được – Khanh thành thật chia sẻ.

Tôi tiếp tục đặt câu hỏi cho Khanh: Gia đình có tác động nhiều đến những lựa chọn từ trước đến giờ không? – “Có và không. Mình rất may mắn vì được bố mẹ đầu tư nền tảng kiến thức ngay từ nhỏ, điều này tạo nên tính cách, khả năng tư duy và đưa ra quyết định của mình khi trưởng thành. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ định hướng và hỗ trợ mình khi cần chứ chưa từng áp đặt, bắt mình phải làm gì, như thế nào, ở đâu cả”.

79

Cậu bạn cũng kể là đã từng thất bại một vài lần. Và những lúc như thế sẽ tự đặt cho bản thân chục câu hỏi tại sao để tìm cách rút kinh nghiệm, sau đó skype với hội bạn thân để giải toả stress, cuối cùng là đắp chăn đi ngủ vì mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi. Có một điều rất đặc biệt là, Khanh không đồng ý với quan điểm “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép, nhất là tuổi trẻ”. Cậu bạn cho rằng “tuổi trẻ là có hạn và không có quá nhiều chỗ cho những sai lầm. Mình quan niệm tốt hơn hết là nên học hỏi từ lỗi sai của người khác hơn là phải tự vấp ngã để học”.

Chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện rất dài này bằng những tin nhắn và email trao đổi về hình minh hoạ cho bài viết. Cũng phải mất tới mấy lần thì cả 2 mới chọn được những tấm ảnh ưng ý và đúng tinh thần nhất cho bài phỏng vấn, cũng như cho tính cách, tài năng của Khanh. Trong đó là rất nhiều tấm hình Khanh đang tham gia các hoạt động, trải nghiệm ở Oxford như là đối thoại với Nguyên Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Tiệc trà với Hiệu trưởng ĐH Oxford, tham dự các buổi toạ đàm cho tới ăn sinh nhật bạn thân, ăn mừng lễ hội, đi chơi vũ hội… Quả đúng như cậu bạn này nói, khi còn trẻ thì, “hãy luôn cố gắng vì đam mê. Dù bạn có nhận được sự đền đáp từ niềm đam mê đó hay không cũng không quan trọng. Chính những trải nghiệm trong chặng đường cố gắng đã là thành quả tuyệt vời nhất mà bạn dành cho chính mình”.

Theo Trí Thức Trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: