Từ anh bốc vác thành chủ quán 1.000 mét vuông ở TP.HCM


“Khi quyết định vay mượn người thân, bạn bè để mở rộng cửa hàng hơn 1.000m2, tôi như đánh cược một mất một còn. Bởi vì nếu thất bại thì tôi sẽ không có tiền trả khoản nợ đã vay, sẽ làm mất lòng tin bạn bè, người thân”, Bùi Văn Trung nói.

Họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu: chủ quán cafe kết hợp lớp dạy vẽ ở Sài Gòn

Nơi độc nhất ở Sài Gòn bà chủ quán đọc rap tính tiền siêu đúng

Anh Bùi Văn Trung (phải) tại quán của mình – Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Nằm cuối con đường Thống Nhất, quận Thủ Đức, TP.HCM là một quán ăn có cái tên đậm vị quê hương Món ngon Quảng Ngãi của anh Bùi Văn Trung năm nay 30 tuổi, quê ở xã Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi.

Ngày thường, Món ngon Quảng Ngãi đón khoảng 500 lượt khách. Dịp cuối tuần, số lượng khách cao hơn rất nhiều. Cả chủ quán lẫn nhân viên đều nói giọng Quảng Ngãi đặc sệt.

Bùi Văn Trung kể lại sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2001, anh vào TP.HCM tìm kế sinh nhai. Ròng rã suốt 5 năm anh kinh qua đủ thứ nghề, từ bốc vác đến nhiều nghề làm thuê khác. Số tiền tích góp được sau đó vừa đủ để anh theo học nghề làm tóc tại một tiệm ở quận Thủ Đức.

Một lần, có người khách vào hớt tóc cũng là người Quảng Ngãi tâm sự luôn nhớ quay quắt những món ăn đặc sản quê nhà. Lắm lúc thèm đến mức phải vượt cả quãng đường dài (từ quận Thủ Đức) lên quận Tân Bình để tìm ăn cho bằng được. Lời chia sẻ đã giúp Trung có ý tưởng mở một quán ăn đặc sản Quảng Ngãi từ đó.

Nuôi ý tưởng suốt 3 năm, nhờ công việc ở tiệm làm tóc, Trung cũng làm quen được nhiều người Quảng Ngãi và tích lũy được chút vốn liếng. Năm 2013, anh mạnh dạn mở quán lấy tên Món ngon Quảng Ngãi với tất cả nguyên liệu chế biến món ăn đều được “nhập” từ quê nhà.

“Gọi là quán cho sang, thực ra lúc đầu chỉ là vài cái bàn nhỏ đặt dọc theo vỉa hè, nằm sâu trong hẻm Hàn Thuyên ở Thủ Đức. Lúc mở quán mọi người xung quanh nói mở quán ở đây thì bán cho ai. Nhưng dần mọi người cũng quen và ghé nhiều hơn, nhiều người còn trở thành khách ruột. Có nhiều người đặt don, xu xoa về ăn nguyên tuần. Đặc biệt, có những khách đồng hương, ban đầu chỉ ghé để ủng hộ anh em nhưng rồi ghé mãi, vì tìm được một chốn để lâu lâu thèm đồ quê thì ăn cho đỡ nhớ”, anh Trung chia sẻ.

Từ một anh bốc vác, thợ hớt tóc thuê đến ông chủ của một quán ăn tại thành phố lớn nhất nhì đất nước là cả chặng đường nỗ lực không ngừng của chàng trai xứ Quảng. “Khi quyết định vay mượn người thân, bạn bè để mở rộng cửa hàng hơn 1.000m2, tôi như đánh cược một mất một còn. Bởi vì nếu thất bại thì tôi sẽ không có tiền trả khoản nợ đã vay, sẽ làm mất lòng tin bạn bè, người thân”, Trung chia sẻ.

Thời gian đầu, khách hàng chủ yếu là đồng hương nhưng hiện quán có rất nhiều khách khắp các miền Bắc, Trung, Nam. Giờ đây, cửa hàng của hai vợ chồng anh Trung đã có rất nhiều khách hàng thân thiết với gần 20 món ăn. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi tháng vợ chồng anh cho biết thu lãi hơn 20 triệu đồng.

Ban đầu, Trung chỉ kinh doanh bánh ướt, don, bánh bèo. Về sau nhận được sự ủng hộ rộng rãi của mọi người, anh mở rộng thêm xu xoa, bánh xèo, mít trộn và cả những gia vị của quê hương như tỏi, nén, cá bống, mắm nêm… vốn là những món ăn gần gũi với con người xứ Quảng.

Đáng chú ý là vị “mặn mòi” vốn có của người miền Trung được anh lưu giữ kỹ lưỡng. “Thường thì người miền Trung vào đây mở quán hay giảm bớt độ mặn, thay vào đó là vị ngọt để khách hàng dễ ăn hơn, nhưng mình muốn giữ nguyên hương vị đặc trưng. Hiển nhiên, lúc đầu phần đông khách hàng ăn không quen, nhưng họ vẫn ghé đến thường xuyên nên không có lý do nào để thay đổi”, anh tâm sự.

“Tôi muốn khách tới quán không chỉ được ăn ngon mà còn có được cảm giác như đang ở Quảng Ngãi… cảm giác như đang ngồi ở vườn quê nhà, ăn món ngon từ sông, đồng ruộng. Từ đó, yêu cầu đặt ra chính là nguyên liệu phải lấy từ Quảng Ngãi vào. Con hến đánh bắt từ sông Trà Khúc vừa bùi, vừa ngọt khác hẳn với con hến được tìm thấy ở Sài Gòn”, anh Trung phân tích.

Theo báo Quảng Ngãi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: