Một Sài Gòn tánh kỳ từ không gian ẩm thực!


(2SaiGon) – Sài Gòn vẫn thế! Thành phố phồn hoa giữa dòng người ngày ngày vẫn hối hả bon chen chạy đua với đời. Nhưng ở đấy, trong từng con hẻm, góc phố kia, những điều bình dị nhất về tình người vẫn luôn lấp lánh. Tự dưng ai đó lại thấy thêm yêu cái thành phố những tưởng ngột ngạt, hỗn tạp và đầy nhiễu nhường này.

Như “Không gian gia vị Sài Gòn” của tác giả Trần Tiến Dũng như một phần của Sài Gòn hiền từ, bao dung và hào hiệp. Ở đó có Sài gòn trà đá miễn phí, Sài Gòn cơm tấm 2 ngàn, Sài Gòn lấm lem khói bụi và Sài Gòn được tạo ra để tui và bạn nói về ẩm thực Sài Gòn. Đó là sự tổng hòa các mùi hương của đời sống đang từng giây, từng phút hiện hữu trong không gian, tác giả luôn cảm nhận thấy mình đang thụ hưởng một đặc ân được bao bọc, hàm dưỡng trong nguồn hương Sài Gòn với toàn bộ sự phong phú vô ngần của nền văn hóa ẩm thực đa bản sắc, đa dân tộc vừa lâu đời vừa luôn luôn mới mẻ.

Một Sài Gòn thật dễ thương đến lạ kỳ!

Một Sài Gòn thật dễ thương đến lạ kỳ!

Không gian Sài Gòn ấy hàng ngày được mở ra cho đời sống thị dân từ các món bán rong trên phố. Người đô thị thuộc về và chung đụng hàng ngày với không gian gia vị hàng rong, quán xá bởi đó là thực chất nguồn sống và hồn đô thị. Đô thị nơi ta sống, nơi thiếu không gian, thiếu tiếng chim, thiếu biển, thiếu núi nhưng may mắn thay không bao giờ thiếu không gian gia vị sinh tồn .

Đưa tay ngoắc, vài bước đi bộ, một lần rề xe vào lề đường là có hủ tiếu gõ, bánh giò, bò bía, nước mía, sinh tố, kem cây… Kể sao cho hết những món ngon vật lạ mà không gian gia vị Sài Gòn lộ liễu hay kín đáo, tế nhị hay sống sượng đang đua nhau mời mọc. Có khi thực khách chưa kịp gọi món thì cả không gian gia vị đã phủ lên họ lung linh sắc màu, ngào ngạt hương thơm của trùng trùng món ăn, đồ uống. Hỏi rằng từng món ăn đồ uống đó từ đâu ra, món già thì bao nhiêu tuổi, món trẻ thì khai sanh từ hồi nào! Có thể chúng ta không có câu trả lời chính xác, nhưng tiếng chày, tiếng cối giã gạo nếp từ truyền thuyết các vua Hùng có thể tính tuổi bánh giầy bánh chưng. Còn những món nào mới khai sinh hoặc vừa tuổi thôi nôi ư, dạo một đôi vòng phố Sài Gòn bạn sẽ được dịp trở thành một đứa trẻ khi luôn miệng hỏi món này, món kia, món nọ của cả nước, mới thấy lần đầu, ăn thế nào, có ngon không…

Hay như câu chuyện cung cách người Sài Gòn dùng trà là một phần sống động của thành phố này. Có nhiều người coi trà là đạo, coi trọng các trường phái trà nhập khẩu, đã võ đoán cho là người miền Nam, dân Sài Gòn không có văn hóa trà. Không cần phải giải thích cũng dễ hiểu khi mà người dân ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như người miền Nam coi trà như một thức uống giải khát đơn thuần. Có gì sảng khoái hơn khi sống giữa khí trời phân biệt rõ rệt hai mùa mưa, nắng mà dùng trà để giải cảm thân nhiệt, dùng trà để ấm tấm lòng. Người miền Nam không coi trọng thú uống trà hay nghệ thuật trà mà rất giản dị, coi trà như một thức uống gần gũi, thân thiết. Chẳng phải đến với trà với sự nhiệt tình như vậy chưa đủ thấm thía cốt cách của giá trị dưỡng sinh tinh túy từ trà hay sao!

Không gian gia vị Sài Gòn luôn mang đến những cảm nhận thật tinh tế về ẩm thực Sài Gòn

Không gian gia vị Sài Gòn luôn mang đến những cảm nhận thật tinh tế về ẩm thực Sài Gòn

Huyễn hoặc hơn như chuyện cảm ơn bánh mì. Nếu một sáng nào đó bạn muốn đổi món điểm tâm bằng cách chọn món bánh mì, có nghĩa là bánh mì luôn được lưu trong bộ nhớ ẩm thực của bạn như món phở, hủ tíu, bún bò… Không kể đến chuyện bánh mì bị chụp mủ theo gót thực dân, chỉ riêng quá trình bánh mì vượt qua hàng rào “kỳ thị” vì có gốc từ xứ Tây cũng đủ đáng nể. Người Việt, nhất là người nông thôn ăn bánh mì không còn thấy đó là món mắc nghẹn muốn chết, mà lại thấy: Thèm bánh mì quá, ghé chợ mua dùm một vài ổ coi bây!

Không gian gia vị Sài Gòn, không bắt nhịp trí tuệ, không bắt cầu sang trọng mà chỉ hằng hằng chia sẻ với những tâm hồn chân thật qua đồ ăn, thức uống bình dị, biết khắn khít với sự mưu sinh cực nhọc khó khăn của người bản địa và dân nhập cư. Nếu có những giá trị được định là văn hóa ẩm thực mà giá trị đó không có sự phong phú tràn đầy từ tâm hồn nhạy cảm của cả người bán lẫn người mua trong không gian đô thị, liệu nó có xứng với cộng đồng thị dân văn minh không!
Nếu những sự kiện thời sự trọng đại có những đại lộ để thông suốt vào lịch sử thì từng món hàng rong có những lối mòn, có các đại lộ để quấn quít bên nhau trong không gian gia vị thân thương của hạnh phúc cuộc sống và văn minh con người thời @.

Người bình dân Sài Gòn trước đây thường ăn bánh mì nóng hổi để trong bội cần xé, đậy bằng bao bố hoặc giấy dầu. Ngày trước khắp các con hẻm Sài Gòn, sáng sáng, chiều chiều lúc nào cũng có bóng những người đàn ông khòm lưng trên xe đạp rao: “Bánh mì nóng hổi đây”. Con nít thì thích móc ruột bánh mì ăn trước còn người lớn thì khoái ăn vỏ bánh dòn dòn. Nhưng ăn bánh mì không hoài cũng ngán nên dân lao động chế ra món bánh mì chấm nước tương. Cái chén nước tương rắt chút tiêu xay, nặn chút chanh đúng là chấm bánh mì ăn ngon bá phát. Tất nhiên trong các món bánh mì giản dị nhưng lại thành ký ức khó phai mờ của dân đô thành Sài Gòn và phố tỉnh miền Nam còn có món bánh mì chấm đường cát, bánh mì rưới sữa bò hiệu Ông Thọ, Kim Cương.

Dương Văn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: