Người Sài Gòn ở hẻm nhỏ 5B


Một ông thợ cắt tóc luôn quan tâm đến bà con trong xóm; những con người trôi dạt đến Sài Gòn vất vả tìm kế mưu sinh; cô đào hát buồn chuyện tình duyên nên giấu cuộc đời bên chiếc máy may nơi góc hẻm…

Có một Lê Lộc thật khác trên sân khấu kịch Tết

Quyền lực ghế nóng đưa kịch “Bao giờ sông cạn” lên sóng truyền hình

Quốc Thịnh, NSƯT Công Ninh, NSƯT Tuyết Thu trong vở ẢNH: TỐ TÂM

Quốc Thịnh, NSƯT Công Ninh, NSƯT Tuyết Thu trong vở
ẢNH: TỐ TÂM

Mỗi người một số phận, một tính cách nhưng đều có chung một “chất” rất… Sài Gòn, đó là sự hào hiệp, là sự lạc quan vui tính, là tính nghệ sĩ dù trong cuộc sống hay trên sân khấu thực.

Ở nơi hẻm nhỏ của Những giấc mơ lóng lánh tại Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, những con người mang đậm chất Sài Gòn đó đã cùng nhau kể câu chuyện về tình làng nghĩa xóm, tương trợ, chia sẻ với nhau khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Ở nơi hẻm nhỏ đó, người ta cũng thấy lóng lánh những giấc mơ vừa đời thực, vừa bay bổng của niềm đam mê nghệ thuật. Những cách làm, cách nghĩ có thể khác nhau, có thể đúng sai, nhưng tựu trung lại, nó vẫn là những giấc mơ đưa người ta hướng tới những mục tiêu tốt đẹp trong cuộc sống và những ước vọng đưa sáng tạo nghệ thuật bay cao…

Quốc Thịnh, NSƯT Công Ninh, NSƯT Tuyết Thu trong vở ẢNH: TỐ TÂM

Quốc Thịnh, NSƯT Công Ninh, NSƯT Tuyết Thu trong vở
ẢNH: TỐ TÂM

Sân khấu được thiết kế như một phim trường khiến khán giả đến với vở diễn khá thích thú. Đây là góc nhà của cô đào Dạ Thu, kia là rạp hát Kim Hải cũ kỹ, phía khác lại là quán cóc trước cửa nhà trọ với bàn thấp, ghế nhựa mà chúng ta có thể bắt gặp khắp nơi trong thành phố… Và khán giả giống như những người hàng xóm trong con hẻm đó, theo dõi những câu chuyện cứ như đang xảy ra trước cửa nhà mình.

Buổi công diễn Những giấc mơ lóng lánh (Tác giả; Tùng Phi; Đạo diễn: Thái Kim Tùng) diễn ra không phải tối cuối tuần nhưng khán phòng vẫn đông đảo khán giả. Những tràng cười sảng khoái vang lên trước lối diễn hài hước của NSƯT Công Ninh và những diễn viên trẻ, đặc biệt là Quốc Thịnh với vai anh ca sĩ dạo bán kẹo kéo người gốc miền Trung. Mỗi lần Thịnh xuất hiện với những cử chỉ hài hước, lối diễn tỉnh rụi và cất giọng là khán giả lại được một phen cười nghiêng ngả. Chỉ tiếc là vai diễn của nghệ sĩ Trung Dũng quá ít đất diễn, chỉ xuất hiện nói vài câu nhớ người xưa rồi… chết. Trong khi đó, đoạn biểu diễn vở kịch tốt nghiệp ở cuối vở lại quá dài, không cần thiết, cũng không liên kết nhiều với nội dung kịch bản khiến cái kết có phần hơi… lạc lõng, chưa đủ tạo dấu ấn.

NSƯT Mỹ Uyên trong vở ẢNH: TỐ TÂM

NSƯT Mỹ Uyên trong vở
ẢNH: TỐ TÂM

Trong vở, NSƯT Mỹ Uyên thể hiện vai nữ Việt kiều muốn tạo dựng lại rạp hát cũ trong xóm nhỏ đó. Câu chuyện và lời thoại của nhân vật khiến người xem liên tưởng đến chuyện thực ngoài đời của chính chị khi đã dốc sức, dốc tiền của để cố gắng thắp lại ánh đèn cho sân khấu 5B. Và trước giờ công diễn vở, cảnh khán giả xếp hàng chờ mua vé có lẽ khiến không ít người bồi hồi, xúc động khi sau 3 năm, giờ đây 5B đã thực sự quay lại với những người từng yêu quý sân khấu này…

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: