Nhà ở xã hội cho công nhân: ước mơ xa vời


Những người công nhân lao động dù đã được nhà nước hỗ trợ, ngân hàng trợ giá, vẫn không đủ tiền hoặc gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua nhà ở xã hội.

TP. Hồ Chí Minh: Thêm 1.000 căn nhà ở xã hội

Nhà xã hội rẻ hơn căn hộ thương mại 20%

Nhà ở xã hội hiện nay đang thiếu, nhu cầu nhà ở của người dân rất cao

Nhà ở xã hội hiện nay đang thiếu, nhu cầu nhà ở của người dân rất cao

Theo Bộ Xây dựng, hiện việc xây dựng NƠXH gặp một số khó khăn. Về nguồn vốn hỗ trợ, sau khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã giải ngân hết từ tháng 6/2016, đến nay ngân sách Nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách Xã hội khoảng gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018 – 2020, chỉ bằng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Với mức lương thấp, bù trừ cho tất cả các chi phí sinh hoạt trong gia đình, việc để có được căn nhà do chính mình sở hữu vẫn là một điều vô cùng khó khăn đối với những người làm công nhân.

Theo Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA), từ đầu năm đến nay, có khoảng 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng TP.HCM xác nhận đủ điều kiện huy động vốn với tổng cộng khoảng 16.506 căn gồm 14.754 căn hộ chung cư và 1.752 căn nhà ở thấp tầng. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp: 5.164 căn; căn hộ trung cấp: 5.136 căn; căn hộ bình dân: 6.206 căn.

Như vậy, phân khúc căn hộ bình dân vẫn chiếm số lượng cao nhất. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV trên thị trường BĐS hiện nay, rất khó để tìm được một căn hộ bình dân đúng nghĩa. Đơn cử, tại khu Đông TP.HCM, trên hàng loạt các trang mạng đều rao bán nhà ở giá rẻ với mức 600 triệu đồng/căn. Nhưng khi đi thực địa hầu như sau khi hoàn tất các thủ tục thì đều đội lên mức trên 1 tỷ đồng/căn.

Công nhân khó tiếp cận với nhà ở xã hội khi giá còn quá cao

Công nhân khó tiếp cận với nhà ở xã hội khi giá còn quá cao

Hay trên địa bàn quận 9, trước đây cũng được xem là nơi an cư cho người thu nhập thấp thì nay “đỏ mắt” tìm mới có. Dự án Fuji Residence (phường Phước Long B) do Tập đoàn Nam Long làm chủ đầu tư và dự án Him Lam Phú An (phường Phước Long A) do Him Lam Land làm chủ đầu tư, giá bán đã được đẩy lên từ 1 – 2 tỷ đồng/căn. Thậm chí, khu vực phía Nam Sài Gòn, trước đây căn hộ được bán với giá chỉ khoảng 600 – 700 triệu đồng/căn thì nay giá bán đã được đẩy lên cả tỷ đồng/căn.

Hơn 10 năm làm công nhân tại khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM chị Dương Thị Hạnh (42 tuổi, quê Quảng Bình) cho biết, mỗi tháng chị làm lương 8 – 10 triệu trừ tất cả các chi phí chỉ còn khoảng 3 – 5 triệu đồng. Chị để dành nhiều năm vẫn không đủ tiền mua nhà, mong muốn có cơ hội mua được căn NƠXH nhưng vẫn còn quá xa vời.

Nhận định về vấn đề công nhân khó tiếp cận và thiếu NƠXH, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, sau khi gói vay ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ tung ra thị trường năm 2013 đã giúp thị trường bất động sản phát triển rất tốt. Đặc biệt nhà giá thấp, tuy nhiên, khi gói tín dụng này kết thúc vào cuối năm 2016 đến nay vẫn chưa có gói hỗ trợ nào được tung ra.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mức vay ưu đãi cho người vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm. Nhưng đến nay Nhà nước lại chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng để thực triển khai thực hiện chính sách này. Trong khi đây là vấn đề rất cấp bách. Chính vì vậy người có thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận với NƠXH.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có báo cáo về tình hình xây dựng và phát triển các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên cả nước. Theo Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành 100 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) với tổng quy mô khoảng 41.000 nghìn căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 330.000 nghìn người.

Bên cạnh đó, 72 dự án khác cũng đang tiếp tục triển khai, quy mô xây dựng khoảng 88.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 704.000 lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo của 46/63 tỉnh, TP, tính đến cuối năm 2017, số lượng công nhân có nhu cầu về chỗ ở là khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 số lượng sẽ là khoảng 3 triệu người. Ước tính, các dự án NƠXH mới đáp ứng chỗ ở cho khoảng 28% số công nhân hiện nay.

Ế căn hộ tái định cư

Trong khi NƠXH đang khan hiếm và người dân khó lòng mà tiếp cận với những căn nhà giá rẻ, thì tại TP.HCM, hàng nghìn căn hộ tái định cư được đấu giá ở mức giá khởi điểm khá cao và chưa có người chịu đầu tư.

Theo đó, Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố đã có thông báo sẽ đưa ra bán đấu giá hơn 28 khu đất, nhà với diện tích gần 40ha. Trong số đó có hơn 5.000 căn hộ và hàng chục nền đất tái định cư cùng nhiều khu đất giá trị cao như 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 và khu đất ký hiệu 7-1 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng diện tích hơn 14ha.

Sở này cho biết kế hoạch đấu giá 5.000 căn hộ trên xuất phát từ tình trạng dôi dư căn hộ tái định cư trên địa bàn thành phố, do đó cần được thu hồi vốn trong thời gian tới. Trong một diễn biến mới đây, TP. HCM cũng đã tổ chức bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư nằm trong chương trình 12.500 hộ tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Giá khởi điểm của toàn bộ 3.790 căn hộ này là hơn 9.000 tỷ đồng, tức bình quân hơn 2,3 tỷ đồng/căn.

Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP. HCM cho biết phiên đấu giá đã không diễn ra như dự kiến vào ngày 8/2, do đến hết ngày 7/2 vẫn không có tổ chức, cá nhân nào mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá theo quy định. Nguyên nhân đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm không thu hút doanh nghiệp tham gia, được cho là mức giá xuất phát điểm đưa ra khá cao.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc đấu giá không thành công, lãnh đạo TP.HCM cần phải xem xét lại. Mọi phiên đấu giá cần phải công bố rõ ràng minh bạch và truyền thông rộng rãi để nhiều đối tượng, nhà đầu tư khác nhau có cơ hội được tiếp cận. Bên cạnh đó cần phải xem xét giá cả hợp lý để thu hút.

Theo thegioitiepthi

Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: