Quy hoạch đô thị tại TP.HCM – Bài 2: Phát triển các khu đô thị hiện đại


Trong quá trình xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công một số hình mẫu khu đô thị hiện đại, văn minh.

Quy hoạch đô thị tại TP.HCM – Bài 1: Đổi thay diện mạo

Bà Rịa-Vũng Tàu khởi động lại các hoạt động du lịch

Phú Mỹ Hưng là niềm tự hào của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị.. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công một số hình mẫu khu đô thị hiện đại, văn minh, vừa đáp ứng nhu cầu sinh sống, làm việc của người dân vừa tạo dựng môi trường đầu tư và điểm đến hấp dẫn cho cộng đồng quốc tế.

Dấu ấn Phú Mỹ Hưng

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận 7 từng là khu đầm lầy hoang vu. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, nơi đây đã trở thành khu đô thị kiểu mẫu với sự hiện đại, văn minh bậc nhất của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung.

Dự án được hình thành từ việc Tập đoàn CT&D Đài Loan hợp tác với Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm Khu chế xuất Tân Thuận, đã đề xuất giao Công ty Liên danh Phú Mỹ Hưng đầu tư xây dựng con đường dài 17,8 km, lộ giới 120m để đổi lại thuê 600 ha đất xây dựng Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Toàn bộ khu đô thị Phú Mỹ Hưng được quy hoạch trên diện tích 2.600 ha tọa lạc về phía Nam nằm dọc theo Đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Hiện tại, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đang khai thác và phát triển 5 cụm đô thị với tổng diện tích hơn 600 ha. Ngoài ra, các nhà quy hoạch chuyên nghiệp đã quy hoạch thành 21 phân khu chức năng dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Phú Mỹ Hưng đang trở thành nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao, tri thức, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục… với đầy đủ hạ tầng cần thiết, chức năng hoàn chỉnh.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành công của Phú Mỹ Hưng đến từ quy hoạch tốt theo phong cách đô thị hiện đại, đa dạng, hỗn hợp các yếu tố đô thị và loại hình công trình xây dựng, ưu tiên không gian công cộng, có bản sắc, có tính sinh thái, khả năng thích ứng, sáng tạo, an ninh, an toàn và ngay từ đầu hướng tới tầng lớp giàu có trong nước và quốc tế.

Bài học từ Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là cần có ý tưởng tốt, quyết tâm đầu tư, quy hoạch định hướng thực thi, huy động nguồn lực, đặc biệt đối với dự án hợp tác công tư.

Hướng đến các khu đô thị hiện đại

Phú Mỹ Hưng là niềm tự hào của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị. Tuy nhiên, thành phố không chỉ dừng lại ở Phú Mỹ Hưng mà còn hướng đến việc hình thành các khu đô thị hiện đại khác, có tiêu chuẩn sống cao hơn; trong đó có Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.

Khu đô thị Hiệp Phước có quy hoạch 1.354 ha nằm trong tổng thể Khu đô thị cảng Hiệp Phước (3.900 ha). Do nằm ở vùng đất thấp, giáp sông Soài Rạp, sông Đồng Điền nên Khu đô thị Hiệp Phước được quy hoạch với mật độ xây dựng thấp, tôn tạo cảnh quan mặt nước và cây xanh.

Đây là khu đô thị mới đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố ra biển.

Theo quy hoạch, Khu đô thị Hiệp Phước được xây dựng thành 3 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 đầu tư vào các khu công nghiệp (đã đầu tư hơn 10 năm qua), giai đoạn 2 đầu tư hệ thống cảng và dịch vụ cảng (đang được đầu tư), giai đoạn 3 phát triển một khu đô thị với quy mô gần 200.000 dân.

Hiện nay, thành phố đã bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 65,4/1.354 ha, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Hiệp Phước giai đoạn 1.

Khu đô thị Hiệp Phước đã được UBND thành phố phê duyệt 5 hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Tương lai gần, Khu đô thị Hiệp Phước được kỳ vọng sẽ “lột xác” từ vùng đất thấp trũng thành đặc khu kinh tế, đô thị biển có chất lượng sống cao hơn cả Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Cùng với Khu đô thị Hiệp Phước, thành phố đang nỗ lực triển khai xây dựng một số khu đô thị kiểu mẫu khác như Khu đô thị Nam thành phố, Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi).

Đơn cử, Khu đô thị Tây Bắc (quy hoạch 6.000 ha) đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 3.347 ha của giai đoạn 1.

Thành phố đang thưc hiện thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông theo hợp đồng BT đối với khu tái định cư, nhà ở xã hội (917,8 ha), hạ tầng kỹ thuật các khu trường đại học, cao đẳng (quy mô 131 ha).

Hiện, dự án cũng đã được phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh phân khu tỷ lệ 1/5000 nhằm tính toán lại quy mô và hiệu quả kêu gọi đầu tư. Trong khi đó, Khu đô thị Nam thành phố đã đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông chính, đầu tư xây dựng phát triển thêm 1,86/4,2 triệu m2 sàn xây dựng đồng thời đang được tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch.

Tương tự dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ cũng đang được điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển huyện Cần Giờ thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí; trong đó bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Đánh giá chung việc quy hoạch và triển khai quy hoạch các khu đô thị mới trên địa bàn, theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong hơn 10 năm trở lại đây không gian thành phố đã mở rộng vào các khu vực đã kết nối công nghiệp và trũng thấp, mở rộng ra bên ngoài và dài trải trên nhiều hướng.

Theo quy hoạch, hướng mở rộng chính của thành phố là Đông, Tây Nam và 2 hướng phụ là Tây Bắc, Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế các khu vực mở rộng chính lại hướng tới các khu đất có chi phí thấp, gắn với các khu vực có nhu cầu lao động công nghiệp cao phía Tây Nam và phía Nam (huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè).

Một số khu vực phát triển khác kết nối phía Bắc và phía Đông Bắc với tỉnh Bình Dương vẫn là các khu công nghiệp (Quận 12, Quận 9) hoặc khu vực phía Đông (Quận 2) gắn với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành chủ yếu làm nhà ở.

Cùng với đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu đô thị nằm ở phía Đông Thành phố, trong tương lai sắp tới là thành phố Thủ Đức đang trong quá trình hình thành với quy mô hơn 21.000 km2 sẽ trở thành những đô thị hiện đại, động lực phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, các dự án khu đô thị như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, An Phú, Hiệp Phước, Tây Bắc, Khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ… đã tạo ra các mảng đô thị mới có quy hoạch đạt tiêu chuẩn mới, có tính chất hiện đại, phù hợp với nhu cầu hội nhập kinh tế cũng tạo sự hấp dẫn đầu tư./.

Theo TTXVN

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: