VAFI chỉ trích lãnh đạo HSX, đề xuất cổ phần hóa Sở giao dịch


20 năm vận hành hệ thống giao dịch hiện hành mà không làm chủ được công nghệ vận hành, phía VAFI chỉ trích năng lực yếu kém của HSX và đề xuất thuê CEO ngoại và cổ phần hóa.

Sáng nay (10/3), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất giải pháp nhằm khắc phục tình trạng “đơ”, “nghẽn” trên sàn giao dịch chứng khoán THCM (HSX).


Một hình ảnh của Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) TPHCM – HSX (Ảnh: Báo Nhân dân),

Nguyên nhân từ yếu kém quản lý (?!)

Ví HSX như trái tim của thị trường chứng khoán Việt Nam bị thương tổn trong suốt 3 tháng qua, VAFI cho biết, hệ thống giao dịch của sàn này thường xuyên diễn ra hàng ngày tình trạng “đơ”, “nghẽn” lệnh chứng khoán. Có thời điểm, nhà đầu tư không thể biết quan hệ cung – cầu trong giao dịch hoặc không thể mua, bán chứng khoán…

Tình trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.

“Điều đó thể hiện năng lực quản trị điều hành HSX rất yếu kém. Đã 20 năm vận hành hệ thống giao dịch hiện hành mà không làm chủ được công nghệ vận hành”, đại diện VAFI nêu quan điểm.

Theo VAFI, sự yếu kém trên không phải bây giờ mới lộ rõ mà trong mấy năm qua đã có vài trường hợp nghiêm trọng bị “sập” sàn chứng khoán nhưng sau đó không có các giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Phía VAFI cho rằng sự yếu kém năng lực quản trị HSX còn thể hiện khi dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn bao giờ mới hoàn thành. “Gần 10 năm trời mà không hoàn thành một dự án phần mềm không có gì là phức tạp lắm trong khi thông thường chỉ mất vài năm?” – tổ chức này đặt câu hỏi.

Theo VAFI, HSX không chỉ yếu kém về quản lý công nghệ, mà nhiều hoạt động của HSX cũng rất yếu kém, chẳng hạn như khâu giám sát thị trường: Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng lừa đảo thao túng chứng khoán ngày càng phát triển đã tạo ra nhiều cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo.

“Cổ phiếu rác được chọn vào bộ chỉ số VN30 một cách dễ dàng và tồn tại trong nhiều năm, ban lãnh đạo HSX có thể biện minh rằng họ chọn vì cổ phiếu rác đó thanh khoản tốt và đủ tiêu chí chọn lọc nhưng họ không biết rằng tính thanh khoản đó là giả tạo, bị điều khiển bởi công ty chứng khoán của đội thao túng giá để dụ dỗ hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ vào ôm bom và từ đó các kẻ thao túng có cơ hội bán giấy lấy tiền thật với lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng” – ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, nêu trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tình trạng yếu kém như phân tích trên, theo VAFI, là do công tác bổ nhiệm nhân sự một số chức danh chủ chốt trong Ban Điều hành và Hội đồng quản trị của HSX không đạt yêu cầu.

Đề xuất thuê CEO ngoại, cổ phần hóa Sở Giao dịch

Cũng tại văn bản nói trên, phía VAFI đề xuất loạt giải pháp nhằm khắc phục những “thương tổn” của HSX, nhằm đổi mới và nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam ngang bằng với các thị trường chứng khoán hiện đại minh bạch, hiệu quả.

Thứ nhất, VAFI đề xuất thuê nhân sự giỏi nước ngoài, những người đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong quản lý vận hành các Sở giao dịch nổi tiếng trên thế giới làm Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc phụ trách IT, giám sát thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Những người này cũng phải có khả năng kiêm nhiệm các chức danh quản lý chủ chốt tại HSX.

Theo VAFI, việc tuyển chọn người giỏi và người nước ngoài vào các chức danh trên là thông lệ phổ biến trên thế giới, đã từng được áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, Singapore…

Lãnh đạo VAFI cho rằng việc thuê chuyên gia giỏi từ nước ngoài quản lý Sở giao dịch chứng khoán với chi phí không nhiều so với doanh thu hoạt động của HSX và đem lại lợi ích rất lớn cho thị trường chứng khoán.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể phụ thuộc vào năng lực yếu kém của vài người và đến khi bị sự cố như hiện nay thì không thể nhanh chóng khắc phục được” – ông Hải nhấn mạnh.

Đồng thời, hiệp hội này cho biết, VAFI, các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng giúp Bộ Tài chính tìm kiếm và lựa chọn nhân sự nếu Bộ Tài chính yêu cầu .

Thứ hai, VAFI cho rằng, không nên bổ nhiệm lãnh đạo UBCKNN hay các cơ quan trong Bộ Tài chính vào các chức danh chủ chốt trong HĐQT, Ban điều hành của các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán như trước kia và hiện nay.

Thứ ba, VAFI đề nghị nhanh chóng cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán để cho các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực theo hướng.

Một là, lựa chọn một Sở giao dịch chứng khoán nước ngoài có danh tiếng tại một thị trường chứng khoán phát triển nhất làm cổ đông chiến lược. Cổ đông nay sẽ có trách nhiệm chuyển giao công nghệ quản lý, đào tạo nhân sự.

Hai là, HĐQT phải có đại diện của Nhà nước, của đối tác chiến lược và đại diện của giới đầu tư và công ty chứng khoán.

Ba là, Sở giao dịch và Trung tâm lưu ký sau cổ phần hóa phải hoạt động công khai minh bạch như công ty niêm yết và phải độc lập, thực sự tách rời Bộ Tài chính và UBCKNN và chịu sự quản lý giám sát đặc biệt từ Bộ Tài chính, UBCKNN.

Theo VAFI, đề xuất này có cơ sở bởi Luật Chứng khoán mới đã cho phép cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán.

Mai Chi

Theo Dân Trí


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: