Đại lộ Sài Gòn ngày nay là những kinh rạch Sài Gòn xưa (Phần 2)


Nếu bài viết “Đại lộ Sài Gòn ngày nay là những kinh rạch Sài Gòn xưa” phần 1 nói về những con đường ở khu trung tâm từng là kinh rạch của “Hòn Ngọc Viễn Đông” ngày trước, phần 2 của bài viết này sẽ nói về các con đường khác thuộc khu Chợ Lớn như đường Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thị Nhỏ

Rạch Chợ Lớn – Đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)

Đường Hải Thượng Lãn Ông là phố buôn bán thuốc cổ truyền sầm uất với nhiều ngôi nhà cổ được TP HCM xếp hạng di tích. Khu vực này mang đậm dấu ấn của người Hoa trong hành trình khai phá, phát triển khu vực Chợ Lớn. Xưa, con đường này vốn là Rạch Chợ Lớn.

cau-duong-1850-1460108378

Rạch Chợ Lớn và đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay

Từ kinh Tàu Hủ đi lên trung tâm Chợ Lớn, rạch Chợ Lớn nối kinh Phố Xếp, sau đó hướng Tây đến rạch Lò Gốm gần đồn Cây Mai, cạnh kinh Vòng Thành. Khúc gần Cầu Đường là bến Gaudot nơi có trụ sở nhà buôn Thông Hiệp của Quách Đàm.

Kênh Phố Xếp – Đường Châu Văn Liêm (quận 5)

Năm 1955 Rạch Chợ Lớn bị lấp biến thành đường Khổng Tử, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Lê Quang Sung. Con rạch này còn có tên Cầu Đường vì lúc trước có một cây cầu như vậy bắc qua. Ở đó bán đủ thứ đường như đường thẻ, đường cát, đường phổi… theo học giả Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa.

duong-chau-van-liem

Đường Châu Văn Liêm ngày nay

Kênh Phố Xếp hình thành khi người Hòa vừa từ cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai) về Chợ Lớn năm 1778. Họ có nhu cầu mở thêm phố chợ nên đào thêm kinh Phố Xếp, nối rạch Tàu Hủ cắt ngang rạch Chợ Lớn, lên hướng Bắc đến Chợ Rẫy (nay là Bệnh viện Chợ Rẫy).

Chợ Rẫy nằm trên gò đất cao, xung quanh đó người Hoa trồng rau cải để bán. Lúc này hoạt động buôn bán ở Chợ Lớn còn rất yếu, chỉ có Chợ Rẫy là phát triển.

Kinh Phố Xếp giúp vận chuyển rau cải ra rạch Tàu Hủ và đi khắp nơi. Kinh này tồn tại đến năm 1925 mới bị lấp, thành đại lộ Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương), nay là đường Châu Văn Liêm, Thuận Kiều.

Trục đường này kết nối với đường Hồng Bàng giúp người dân thành phố thuận lợi trong việc di chuyển từ trung tâm Sài Gòn ra khu Chợ Lớn và ngược lại.

Kinh Vòng Thành – Đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5,10,11)

Khi Pháp chiếm Nam Bộ, tuy làm chủ được tình thế nhưng luôn phải đối phó với nhiều đợt tấn công của nghĩa quân từ Đồng Tháp Mười. Vì thế đô đốc Bonard cho đào kinh Vành Đai (Canal de Ceinture) hình vòng cung bao bọc phía bắc của Sài Gòn – Chợ Lớn, còn gọi là kinh Vòng Thành hay kinh Bao Ngạn (tức “bờ bao”).

95468895

Đường Nguyễn Thị Nhỏ ngày nay

Kinh bắt đầu đào năm 1875 theo quy hoạch của trung tá Coffyn. Kinh được xuất phát từ ngã ba giữa rạch Chợ Lớn và rạch Lò Gốm đến gò Cây Mai (nay là đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11), vòng qua Phú Thọ, đến Hoà Hưng rồi đồ ra rạch Thị Nghè ở vị trí nay là cầu Công Lý. Bờ kinh là đường bộ cho lính canh phòng, dưới kinh là tàu chiến cỡ nhỏ di chuyển.

Kinh Vòng Thành dài 7 km, rộng 10 m, sâu 3 m do khoảng 40.000 nhân công tham gia đào đắp. Nhưng do dân phu đấu tranh và nghĩa quân đánh phá liên miên nên công trình dang dở dù đã đào được thành đường kinh, sau đó được lấp dần rồi thành đường Nguyễn Thị Nhỏ như hiện tại.

Ngoài 7 kinh rạch biến thành đại lộ trên, Sài Gòn còn một số con đường khác mà khởi thủy là tuyến lưu thông dành cho tàu bè. Có thể kể đến một số cái tên như Rạch ông Lãnh – Đường Nguyễn Thái Học, rạch Cầu Kho – đường Hồ Hảo Hớn…

Mới đây, TP HCM cho đào lại kênh Hàng Bàng đã lấp trước đó thành kênh mở để thoát nước, chống ngập. Kinh phí dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.

Sơn Hòa


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: