Bí ẩn chuyện dân Cầu Muối thờ “đại ca” Hai Miêng


Đình làng Nam bộ cũng như Sài Gòn vốn được bà con trong làng góp công, của xây dựng để thờ vị thần Thành Hoàng phù hộ cho làng. Có một đình làng giữa đất Sài Gòn xưa thờ một “đại ca“.

Trong khoảng 300 ngôi đình hiện tồn của khu vực TP.HCM hiện nay, số đình làng nằm lọt trong khu vực nội thành còn lại những nét cổ xưa rất hiếm hoi. Trong đó có đình Nhơn Hòa.

Đình Nhơn Hòa hiện tọa lạc tại số 27 Cô Giang, thuộc phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM. Đình Nhơn Hòa nằm đối diện với chợ Cầu Muối cũ nên còn được gọi là đình Cầu Muối.

Kiến trúc của đình Nhơn Hòa hiện nay bao gồm bốn đơn nguyên chính: một là chánh điện thờ thần Thành Hoàng và một số vị thần, thánh khác; hai là miếu Bà thờ năm vị nữ thần là Ngũ Hành Thánh Nương; ba là nhà túc hay hậu sở thờ các vị: Tiên Sư, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tiền Vãng, Hậu Vãng; bốn là võ ca – một ngôi nhà dựng trước chánh điện dùng để tổ chức các suất hát cúng thần Thành Hoàng hằng năm.

Từ năm 1937, võ ca của đình Nhơn Hòa đã được trùng tu để trở thành rạp hát nghệ thuật cải lương hồ quảng trong một thời gian khá dài. Do vậy, trong nhà túc của đình Nhơn Hòa còn có thêm nơi thờ Tổ Sư của nghệ thuật sân khấu nằm ngang hàng với nơi thờ Tiên Sư.

 Bài vị Cậu Hai Miên thờ trong đình Nhơn Hòa - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Đình Nhơn Hòa – Ảnh: HỒ TƯỜNG

Đến viếng nhà túc của đình Nhơn Hòa ngày nay, mọi người không thể không ngạc nhiên khi thấy duy nhất một bài vị được thờ trang trọng cùng với di ảnh của các vị Tiền Vãng, Hậu Vãng ở ngay chính giữa nhà túc, bên dưới trang thờ các bậc: Tiên Sư, Tổ Sư, Tiền Hiền, Hậu Hiền.

Bài vị bằng gỗ, cao khoảng 30cm, hiện đang được phủ lớp sơn đỏ, trên đầu và hai bên trái phải bài vị là phần chạm trổ hình ảnh ba con rồng (một linh vật trong tứ linh: long, lân, quy, phụng) nói lên sự linh thiêng, tôn kính của đối tượng được thờ.

Trên mặt đứng của bài vị duy nhất hiện còn được lưu giữ tại nhà túc đình Nhơn Hòa chạm nổi ba dòng chữ Nho.

Dòng chữ ở giữa, to hơn hai dòng chữ hai bên trái phải, ghi: “Huỳnh Công Miêng tam thập bát tuế đệ nhị hạng chi vị”, tạm dịch là: “Bài vị của cậu hai Huỳnh Công Miêng mất năm ba mươi tám tuổi”.

Dòng chữ Nho bên trái trên bài vị ghi: “Kỷ Hợi niên, thập nhị nguyệt, sơ lục nhật”, tạm dịch là: “Ngày sáu, tháng mười hai, năm Kỷ Hợi”.

Bài vị Cậu Hai Miên thờ trong đình Nhơn Hòa - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Bài vị Cậu Hai Miên thờ trong đình Nhơn Hòa – Ảnh: HỒ TƯỜNG

Dòng chữ Nho bên phải trên bài vị ghi: “Nguyên cư tại Gò Công xứ, tử ký tại Tân Hòa xã”, tạm dịch là: “Trước sống tại xứ Gò Công, chết gửi thân tại xã Tân Hòa”.

Như vậy, nội dung của bài vị đang lưu giữ tại đình Nhơn Hòa chính là bài vị của Cậu Hai Huỳnh Công Miêng (thường gọi tắt là Cậu Hai Miên), đã qua đời năm 38 tuổi; ngày mất là 6 tháng 12 năm Kỷ Hợi âm lịch (tức năm 1899).

Cậu Hai nguyên sống tại xứ Gò Công, nhưng đã mất tại xã Tân Hòa, tức khu vực phường Cầu Kho, phường Nguyễn Cư Trinh, thuộc quận 1 (TP.HCM) ngày nay.

Trên đường Nguyễn Văn Cừ, thuộc địa bàn phường Nguyễn Cư Trinh vẫn còn một cơ sở thờ phụng mang tên đình Tân Hòa, nghĩa là đây vốn là ngôi đình của xã Tân Hòa ngày trước.

Qua những dữ liệu ghi trên bài vị ở nhà túc đình Nhơn Hòa có thể xác định đây chính là bài vị của Cậu Hai Miêng, một nhân vật nổi tiếng của Nam Kỳ lục tỉnh những năm cuối thế kỷ XIX vốn là con Huỳnh Công Tấn – kẻ góp phần đắc lực với Pháp sát hại Bình Tây Nguyên soái Trương Định.

Nhân vật Hai Miêng có nhiều tranh luận khi từng dưới trướng Tổng đốc Trần Bá Lộc, đàn áp cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Mai Xuân Thưởng ở vùng Bình Thuận, Khánh Hòa cuối thế kỷ 19.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, dân gian truyền tụng đó là người giỏi võ nghệ, phóng túng nên nghỉ cộng tác với Pháp để sống một cuộc đời ngang tàng, phóng túng. Đồn đại trong dân là người bênh vực người cô thế trước nhưng tay cường hào ác bá, cặp rằn Tây… nhưng cũng mê cờ bạc, đá gà…

Cậu Hai Miên có tên đầy đủ là Huỳnh Công Miêng, mất ngày mùng 6 tháng chạp năm Kỷ Hợi, tức năm 1899, lúc 38 tuổi. Tuổi tác ghi trên bài vị là tuổi ta, tức lớn hơn tuổi tính theo dương lịch một năm vì người ta tính luôn thời gian gần một năm nằm trong bụng mẹ.

Như vậy, Cậu Hai Miêng chính xác là sinh năm 1862. Điều này để minh định lại những gì đã công bố từ trước tới nay là: “Cậu Hai Miêng sinh năm 1857, mất năm 1895, lúc 38 tuổi” là không chính xác, bởi những dữ liệu ghi trên bài vị xưa nay phải thật chính xác thì khi cúng giỗ linh hồn người quá cố mới về thụ hưởng được.

Tóm lại, nhân vật nổi tiếng ở Nam kỳ một thời, được dân gian đặt vè (vè cậu Hai Miêng – vốn bị thực dân Pháp thời đó cấm phổ biến cùng với vè Sáu Trọng, Thông Chánh) là Cậu Hai Miên đã và đang được dân Cầu Muối thờ tại đình Nhơn Hòa từ bao nhiêu năm nay.

Những dữ liệu ghi trên bài vị của Cậu Hai Miêng có lẽ đã góp phần làm sáng tỏ nhiều điều mà trước giờ nhiều tài liệu đã ghi nhận chưa chính xác.

Tổng thể kiến trúc thờ phụng của đình làng ở Nam bộ luôn chia làm hai khu vực:

– Chánh điện là nơi thờ phụng thần Thành Hoàng và các vị thần, thánh dân gian khác;

– Nhà túc (hay còn gọi là hậu sở) là nơi thờ phụng những người có công với dân, với làng như những vị có công dạy dỗ cho dân làng về chữ nghĩa, nghề nghiệp gọi là Tiên Sư; những vị có công khai hoang lập ấp được gọi là Tiền Hiền, những vị có công xây dựng phát triển các công trình công ích của làng (lập chợ, đắp đường, xây cầu…) được gọi là Hậu Hiền.

Những người có công xây dựng, sửa chữa đình làng gọi là Tiền Vãng; những người có công trông coi, giữ gìn đình gọi là Hậu Vãng.

Việc thờ phụng ở đình làng được thể hiện bằng những bài vị bằng gỗ, chạm trổ khá đẹp mắt những hoa văn cổ truyền.

Bài vị của các vị thần gọi là thần vị, chạm trổ tinh vi hơn, cầu kỳ hơn, cao khoảng 50cm, để phân biệt với bài vị của những người có công với dân, với làng, chạm trổ đơn giản hơn, cao khoảng 30cm.

Trên mặt đứng nằm ở giữa thần vị, người ta chạm mỹ tự vua ban cho các vị thần, còn trên các bài vị ghi tục danh, quê quán, trú quán, ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất của người được thờ phụng.

Gần đây, khi nghệ thuật chụp ảnh đã trở nên phổ biến, nhiều đình làng đã không sử dụng những bài vị cổ xưa nữa mà đã thay bằng tất cả di ảnh của các bậc có công với dân, với làng.

Theo Hồ Tường/Tuoitre


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: