Sân khấu cải lương Sài Gòn ra đời như thế nào?


(2SaiGon) – Mặc dù nằm trong ách đô hộ của thực dân, nhưng với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của văn hóa dân tộc, nghệ thuật cải lương đã nảy mầm và phát triển, được công chúng Sài Gòn – Nam Kỳ lục tỉnh đón nhận, bảo bọc, yêu quý.

Nhìn ảnh Sài Gòn xưa mà lòng rưng rưng

Hàng loạt người tình bí ẩn của đệ nhất công tử Tây Đô

Sự ra đời của sân khấu cải lương Sài Gòn

Nghệ thuật sân khấu cải lương “sinh sau đẻ muộn” so với các loại hình nghệ thuật cổ truyền đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX, nghệ thuật hát bội vẫn là bộ môn được đông đảo quần chúng Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng đón nhận. Dần dà ảnh hưởng của nhạc tài tử trong các tuồng hát bội được chấp nhận. Và từ đó lối hát ca-ra-bộ manh nha ra đời làm bước chuyển cho sân khấu cải lương sau này. Mà trong quyển “Hát bộ đờn ca tài tử và cải lương cuối TK 19 đầu TK 20” của Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp đã đặt giả thuyết cho rằng: Cô Ba Đắc ca sĩ chính của ban nhạc ông Nguyễn Tống Triều là người khai mở cho lối hát ca-ra-bộ.

1

Ban nhạc tài tử Nguyễn Tống Triều ở Hội chợ đấu xảo Thuộc địa ở Marseille năm 1906.

Năm 1900, Sài Gòn khánh thành Nhà hát lớn và từ đó người Việt đã tiếp cận với kịch phương Tây, dù là kịch cổ điển hay tân thời thì ít nhiều, người Việt cũng dần quen với cách bài trí, bối cảnh. Người Việt ở Nam Bộ vốn có lối sống phóng khoáng, cởi mở đã tiếp thu và cải biến những điều trông thấy từ Kịch phương Tây để tạo nên hình thái sân khấu mới. Vậy từ Hát bội, đờn ca tài tử, lối hát ca-ra-bộ kết hợp với kịch và âm nhạc phương Tây đã cho ra đời Sân khấu cải lương và được công chúng đón nhận.

2

Về danh từ “cải lương”

Theo giáo sư Trần Quang Hải từ “cải lương” xuất phát từ câu “cải biến kì sự – sử ích tự thiên lương”, có nghĩa đổi mới những cái cũ tạo ra cái mới. Và danh từ “cải lương” xuất hiện đầu tiên trên hai tấm liễng đối trước rạp của ghánh Tân Thinh (Tân Thịnh) năm 1920. Và có thể trước đó 1918 danh từ cải lương đã được thầy Năm Tú sử dụng cho tên ghánh hát cùa mình. Dù xuất hiện vào thời gian nào, thì danh từ “cải lương” cũng là dấu mốc cho sự ra đời và thay đổi của Sân khấu cải lương ngày nay.

Thế nhưng “đổi mới” cụ thể là gì? Theo cố giáo sư Trần Văn Khê đó là thay đổi về: “Sân khấu bài trí, dựng phông như kịch phương Tây; đề tài kịch bản đổi mới không bó buộc trong các tuồng tích Trung Hoa; và hơn nữa là nghệ thuật biểu diễn; dàn nhạc cũng như bài bản”.

3

Cải lương manh nha đất Sài Gòn

Khoảng năm 1913-1914, nhạc tài tử theo chân ông Nguyễn Tống Triều (Mỹ Tho) trình diễn tại nhà hàng Cửu Long Giang (khu cực chợ Bến Thành ngày nay). Và lúc đó dân chúng mộ điệu vẫn chuộng bản Tứ đại oán, Bùi Kiệm – Nguyệt Nga. Từ năm 1918 với sự ra đời của bản Dạ cổ hoài lang kéo theo một loạt ý nghĩ về cải cách sân khấu cổ truyền từ các nho sĩ, công chức Sài Gòn bằng cách lập các Bầu Rô đi diễn tại lục tỉnh (đoàn hát hát gồm các nhà trí thức, văn nhơn ký giả Việt Nam thành lập, lấy tên là đoàn hát “Pháp Việt Nhứt Gia”, dân chúng bấy giờ quen kêu gánh hát Bầu Rô).

Và khi cải lương ra đời từ những năm đầu thế kỷ XX thì ngày 12/11/1922 thầy Năm Tú đem gánh lên Sài Gòn, trình diễn ở Chợ Lớn. Vở tuồng cải lương trình diễn lúc bấy giờ là Lục Vân Tiên, đây được xem là vở tuồng cải lương đầu tiên. Gánh hát của Thầy Nam Tú có các kép hát nổi tiếng như Tư Xe, Tám Củi, Tám Danh, Năm Châu (theo Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm hình thành và phát triển).

Tiếp theo đó là cả một giai đoạn thăng trầm của Sân khấu cải lương Sài Gòn, 1924-1925 nở rộ với hàng loạt gánh hát cải lương, khai thác tuồng tích Trung Quốc và tuồng xã hội. Năm 1926 phong trào yêu nước lan rộng, cải lương phản ánh hiện thực xã hội ra đời với những ngòi bút nổi bật như Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang… Chủ trương “Sân khấu thật và đẹp” cho ra đời những vở tuồng có giá trị cho tới ngày nay như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt…

4

Và như một trào lưu trong nghệ thuật dân tộc, đến cuối thập niên 20 của của thế kỷ XX cải lương đã thay thế hát bội truyền thống, chiếm vị trí hàng đầu trong nghệ thuật sân khấu miền Nam. Nhờ sự phổ biến đó mà cải lương được nhiều người chấp nhận, xuất hiện ở Hội chợ Thuộc địa ở Paris năm 1931, đại diện cho văn hóa nghệ thuật Nam kỳ.

Cải lương ra đời, thực hiện sứ mệnh lịch sử trong nghệ thật trình diễn dân tộc, mang đến một làn gió mới trong bối cảnh mà xã hội Việt Nam còn mãi quẩn quanh giữa cái cổ truyền dần mất và một làn sóng văn hóa phương Tây đang rạo rực lan truyền trong nhân dân. Mặc dù nằm trong ách đô hộ của thực dân, nhưng với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của văn hóa dân tộc, nghệ thuật cải lương đã nảy mầm và phát triển. Chắc rằng, trong kí ức của giới mộ điệu đó có lẽ là thời hoàng kim mà cải lương ngày nay khó tìm thấy.

Hữu Khánh


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: